Theo ông Lắm, trước khi có nghị quyết Trung ương 6, TP.HCM đã có ý định và cụ thể hóa ở đề án xây dựng chính quyền đô thị ở thành phố, sắp xếp các quận, huyện. Và gần đây, thành phố cũng có đề án sắp xếp lại phường, xã và các tổ chức dưới phường, xã.
Nếu thực hiện theo đề án này, sau khi rà soát, số quận, huyện ở TP.HCM phải sắp xếp là 3 và có 128/322 phường, xã phải sắp xếp. Trong khi tiêu chí của đề án đặt ra là phường có diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên nhưng với đặc điểm ở thành phố, có quận diện tích chỉ đạt 5 km2. Vì vậy, nếu sắp xếp để đạt tiêu chuẩn, thì thành phố phải sắp xếp hơn một nửa quận để đạt tiêu chí một phường.
Xét những bất cập trên và khả năng người dân không đồng tình sắp xếp lại cũng rất lớn, ông Lắm kiến nghị cần tính đến đặc thù ở TP.HCM, cụ thể là không nên bó buộc hai tiêu chí (diện tích, dân số) đều phải trên 50%. Đồng thời cần phải vận động nhân dân và đặt ra nguyên tắc xem ý kiến cử tri là một trong những yếu tố xem xét nhất định.
"Từ giờ đến cuối năm 2020, TP.HCM chỉ cần chọn một vài đơn vị làm thí điểm, tập trung những đơn vị hai tiêu chí không đạt. Đối với người dân chỉ điều chỉnh một lần về địa chỉ chứ nếu năm nay sắp xếp phường, vài ba năm sau sắp xếp quận thì ảnh hưởng đến người dân rất lớn”, ông Lắm nói.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, TP.HCM có tính chất đô thị khác với các tỉnh thành khác, diện tích nhỏ mà dân số tập trung lớn, không thể bó buộc hai tiêu chí đều phải trên 50%.
Vì vậy, để thực hiện được đề án, cần tuyên truyền nhận thức trong nhân dân để có sự đồng thuận cao. Bởi nhiều người dân chưa hiểu hết vấn đề sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và xã, nếu tuyên truyền không tốt sẽ gây phản cảm và không được sự đồng thuận của nhân dân.
Video: 24 quận, huyện TP. HCM ký cam kết đảm bảo trật tự vỉa hè
>>> Đọc thêm: UBND TP.HCM đề nghị sớm giải quyết việc cấp sổ đỏ cho người dân
Bình luận