• Zalo

Giám đốc Công an TP.HCM: Chỉ thiếu cảnh xe máy leo nóc ôtô khi ùn tắc

Thời sựChủ Nhật, 21/07/2019 07:56:00 +07:00Google News

“Người dân khi ra đường thì cố gắng chiếm lấy chỗ trống ở trước mắt mình để làm lợi thế dù bất kể nó ở hướng nào", Giám đốc Công an TP.HCM nói.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông chiều 20/7, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết nguyên nhân các vụ tai nạn và ùn tắc đều do ý thức người dân.

Xe máy lấn làn ôtô

Phân tích các vụ tai nạn, ông Phong chỉ ra hơn 94% số vụ xuất phát từ sự thiếu ý thức của người dân. Trong đó, 15% đi không đúng phần đường, 13% không chú ý quan sát, 10% tự gây tai nạn, 7% vi phạm tốc độ. Liên quan đến phương tiện gây tai nạn, xe máy chiếm số lượng nhiều nhất với 69%, sau đó đến xe du lịch (10,6%), xe tải 8%.

“Người dân khi ra đường thì cố gắng chiếm lấy chỗ trống trước mắt mình để làm lợi thế dù bất kể nó ở hướng nào. Người đi xe máy lấn vào làn ôtô, chen vào khoảng cách giữa 2 ôtô nhưng nếu có chuyện thì họ gây sự lại dù cho tài xế xe hơi chạy đúng phần đường”, ông Phong nói.

le_dong_phong_zing

Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong cho biết xe gắn máy liên quan đến phần lớn các vụ tai nạn giao thông ở thành phố. (Ảnh: Nguyên An)

Theo Giám đốc Công an TP, hạ tầng giao thông không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết ùn tắc vì nhiều thành phố khác trên thế giới có hạ tầng đầu tư bài bản nhưng vẫn ùn tắc. Tuy nhiên, người dân ở những thành phố này chấp nhận đi chậm để giữ trật tự chung chứ không chen lấn như ở TP.HCM.

Để ngăn chặn các vụ kẹt xe, thành phố duy trì 5 nhóm phản ứng nhanh, chuyên giải quyết các sự cố giao thông ở một số khu vực trọng điểm. Trong đó, Công an TP.HCM chủ trì 2 tổ gồm một tổ ở vòng xoay Lăng Cha Cả (lối ra vào sân bay Tân Sơn Nhất) và một tổ ở khu vực cảng Cát Lái. Đây là hai điểm nóng về tình trạng ùn tắc giao thông do có lượng phương tiện đi lại đông đúc vào giờ cao điểm.

Khi xuất hiện các dấu hiệu ùn tắc, các lực lượng sẽ trao đổi thông tin với nhau và sử dụng nguồn lực tại chỗ xử lý ngay, không để xảy ra tình trạng hỗn loạn.

“Bản chất ùn tắc giao thông ở thành phố xuất phát từ sự lưu thông hỗn loạn của các phương tiện mà chủ yếu là xe gắn máy. Ôtô không thể đánh vòng chữ U được chứ xe máy thì tìm mọi cách. Chỉ thiếu cảnh xe máy leo lên nóc ôtô khi ùn tắc mà thôi”, ông Phong nhấn mạnh.

Xóa điểm đen khu vực sân bay, bến cảng

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP, cho biết thống kê 6 tháng đầu năm có 16/24 quận, huyện giảm số người chết vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên, tai nạn giao thông ở nông thôn có xu hướng tăng; trong đó, huyện Cần Giờ tăng cả số vụ và số người chết, chủ yếu là liên quan đến rượu bia.

Cuối năm 2018, toàn thành phố có 16 điểm đen về tai nạn giao thông. Trong 6 tháng đầu năm, thành phố phát sinh thêm 5 điểm đen nữa là 21 điểm. Qua theo dõi, có 10 điểm giảm tai nạn nên các quận, huyện đang đề xuất xóa những điểm này khỏi danh sách.

Liên quan đến 28 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, ông Tường cho biết vẫn còn 7 điểm chưa có chuyển biến dù địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp.

ket_xe_zing

 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận định giao thông thành phố vẫn còn nhiều hạn chế phải khắc phục. Trong đó, hạ tầng giao thông tiếp tục chịu tác động lớn của lượng xe cá nhân tăng nhanh, trong khi các dự án trọng điểm về giao thông lại chậm triển khai.

Để giải quyết 19 điểm đen tai nạn giao thông, ông Phong yêu cầu mở các đợt cao điểm, phối hợp liên ngành tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích, vi phạm tốc độ.

Đối với các vị trí có nguy cơ ùn tắc, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách tại các khu vực như bến cảng, trung tâm thành phố và các cửa ngõ Sài Gòn.

"Đến cuối năm 2019 phải xóa từ 2 đến 3 điểm ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái", ông Phong chỉ đạo.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn