• Zalo

Giám đốc Công an TP Hà Nội: Áo chống nóng lại mua cỡ người nước ngoài

Thời sựThứ Ba, 10/07/2018 18:22:00 +07:00Google News

Giám đốc Công an TP Hà Nội nêu bất cập của công tác chữa cháy là lực lượng PCCC được trang bị áo chống nóng nhưng mua cỡ của người nước ngoài mặc vào lùng thùng, trong khi cầu thang lên rất nhỏ, không thể di chuyển được.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý 2 sáng nay, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP nhận định, cháy nổ trên địa bàn tiềm ẩn nguy cơ hết sức nguy hiểm.

Dẫn chứng hình ảnh rất thương tâm rằng “biết có người còn sống nhưng không làm gì được”, theo Tướng Khương, phương tiện, trang bị kỹ thuật để đảm bảo cho lực lượng xông vào dập đám cháy rất khó khăn. Chỉ còn cách đứng chờ chống cháy lan, chờ phun nước cho nguội đi rồi vào khám nghiệm.

Tướng Khương: Chữa cháy, áo chống nóng lại mua cỡ người nước ngoài

 Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội.

“Chúng ta được trang bị áo chống nóng nhưng rất nặng. Áo mua toàn cỡ của người nước ngoài nên mặc vào lùng thùng, nặng, trong khi đó cầu thang lên rất nhỏ. Bất cập là thế. Không thể di chuyển được, áo chống nóng mà nóng không thể chấp nhận được”, Giám đốc Công an Hà Nội nói.

Lãnh đạo Công an TP cũng nêu bất cập khác là nhận thức của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về công tác PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu, còn rất chủ quan, coi thường.

Theo ông, trước hết, trụ sở của các cơ quan bộ, ngành, TP phải gương mẫu về giải pháp PCCC, phải có giải pháp để tạo chuyển biến, chứ không phải chỉ đi tuyên truyền, rút kinh nghiệm với nhau. Với các tòa nhà chưa đáp ứng được yêu cầu về PCCC thì không đưa vào hoạt động, có thể cắt điện, cắt nước.

“Chúng ta không có giải pháp cứng rắn, không có thái độ dứt khoát thì thảm họa về cháy nổ đối với TP Hà Nội là nhãn tiền. Qua vụ cháy ở 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy), tôi thấy suy nghĩ của mình là hoàn toàn có cơ sở”, Giám đốc Công an TP nhấn mạnh.

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương đề nghị Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP có cơ sở để tạo điều kiện cho lực lượng cảnh sát PCCC làm tốt công tác này.

“Lực lượng cơ sở chúng ta rất coi trọng, nhưng rất yếu. Nhiều cơ sở, khi kiểm tra cũng thấy để bình chữa cháy, nhưng tôi hỏi thì không biết sử dụng, mãi mới tháo được ra. Với thời gian tôi kiểm tra thì cháy rụi rồi”, ông nói.

Nghiệp vụ chữa cháy chưa tốt

Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam nêu 4 nguyên nhân gây ra cháy nổ. Theo đó, ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa tốt, còn chủ quan, coi công tác này không phải của mình mà là của cảnh sát PCCC.

Tướng Khương: Chữa cháy, áo chống nóng lại mua cỡ người nước ngoài

 Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam.

Ngoài ra, nhiều nơi, chính quyền chưa thực sự quyết tâm, chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC. Công an tại các quận, huyện, xã, phường chưa thực sự vào cuộc quyết liệt.

“Khi xảy ra vụ cháy ở Cầu Giấy, chúng ta bắt đầu ngồi kiểm điểm với nhau. Sau đó mới chỉ ra phải thế này, thế kia, nhưng sau một thời gian im ắng lại đâu vào đấy. Các cơ sở karaoke vẫn bật đèn sáng choang, các biển quảng cáo vẫn che hết. Các chung cư, chúng ta yêu cầu lồng phải cắt ra, làm ô cửa đề phòng khi xảy ra cháy còn cứu người được. Nhưng vừa rồi, phải dùng kìm cộng lực để cắt ra”, ông Nam nêu nguyên nhân tiếp theo.

Ông Nam cũng chỉ ra việc kỹ năng, nghiệp vụ chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng chưa tốt nên khi cháy thì cháy hết, cứu hộ cứu nạn cũng không hiệu quả.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, mỗi năm TP vẫn còn trên 800 vụ cháy và chưa có chiều hướng giảm. Một trong những nguyên nhân là có sự buông lỏng quản lý của các đơn vị liên quan.

“Với đô thị 10 triệu dân, nguyên nhân cháy thì có nhiều, nhưng trước hết người đứng đầu các cấp quản lý từng ngành phải chịu trách nhiệm. Mỗi vụ cháy nổ xảy ra phải thấy trách nhiệm quản lý chứ không đổ lỗi cho người dân được”, ông Hải nói. 

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn