Chiều 23/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết thực tiễn xảy ra nhiều câu chuyện buồn khi cán bộ lãnh đạo cận kề thời gian nghỉ hưu đã không vượt qua sự cám dỗ bình thường, làm trái công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
"Chính vì thế báo chí mới có nhiều thuật ngữ: Hội chứng nhiệm kỳ cuối, chuyến tàu vét cuối cùng, ga cuối cùng, để thể hiện thực trạng đáng buồn đó. Câu hỏi đặt ra là tại sao thực tiễn có vấn đề mà pháp luật không điều chỉnh", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.
Cũng theo Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định nguyên tắc xử lý tham nhũng: "Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn bị xử lý hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện".
Dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, nguyên tắc này vẫn được đề cập.
Vị đại biểu Nghệ An cho biết gần đây người dân cả nước tin tưởng, phấn khởi khi Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm sai phạm của quan chức đã về hưu, có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn, được xã hội đồng thuận cao.
"Đó là những căn cứ rất thuyết phục. Còn Ban soạn thảo cho rằng Luật Cán bộ, công chức, viên chức không quy định trách nhiệm của người nghỉ hưu để loại bỏ trách nhiệm là không thuyết phục. Quốc hội sẽ sửa đổi luật này vì đã hơn 10 năm, không còn phù hợp với thực tiễn", đại biểu Cầu nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị bổ sung quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu khi còn là công chức bị vi phạm pháp luật mà chưa phát hiện.
"Dù Luật công chức, viên chức chưa có quy định về việc xử lý đối với người đã nghỉ hưu, nhưng nếu không quy định sẽ bỏ sót vi phạm, dễ dẫn đến "hạ cánh là an toàn", đại biểu Hòa nói.
Video: Cách chức ông Vũ Huy Hoàng: "Về hưu không phải hạ cánh an toàn"
Bình luận