Kết thúc 9 ca phẫu thuật trong một ngày đầu tuần cũng là lúc quá giờ ăn trưa, PGS.BS Vũ Bá Quyết vội vã trở về phòng của mình, giải quyết đống giấy tờ đang chất chồng trên bàn làm việc.
Suốt cuộc trò chuyện, cánh cửa phòng làm việc của ông không lúc nào ngớt tiếng gõ cửa. Bảng ghi nhắc việc hằng ngày của ông không có lấy một chỗ trống. Những ca mổ, hội chẩn, khám bệnh… cứ cuốn ông đi, đến mức ông nói ‘Lúc nào tôi cũng trong tình trạng quá tải’.
- Người ta thường đùa: ‘Một người đàn bà hiện đại phải cần 4 người đàn ông bên cạnh: Một là chồng, hai là tình nhân, ba là bác sĩ phụ sản, bốn là luật sư’. Trên cương vị là một bác sỹ phụ sản, ông suy nghĩ như thế nào về quan điểm này?
Với tôi, quan điểm này hoàn toàn đúng.
Phụ nữ có hai thiên chức là làm vợ và làm mẹ. Trong đó, thiên chức làm mẹ thì ai cũng cần có bác sĩ sản phụ khoa chăm sóc, trước kia gọi là bà mụ, bà đỡ, hiện đại hơn gọi là bác sĩ sản phụ khoa còn miền núi gọi là cô đỡ thôn bản.
Rõ ràng bác sĩ sản phụ khoa đã góp phần chăm sóc một nửa thế giới này.
- Ông vừa khẳng định bác sĩ sản phụ khoa đã góp phần chăm sóc một nửa thế giới. Vậy việc trở thành bác sĩ phụ khoa đã thay đổi cuộc sống của ông như thế nào?
Sau khi học trường y, chúng tôi ai cũng thích đi sâu vào ngành phẫu thuật, nhất là nam giới. Lúc đầu, tôi có thiên hướng phẫu thuật ngoại khoa nhưng do quá đông, tôi chuyển sang chuyên ngành sản phụ khoa, có ít người lựa chọn hơn.
Thôi thì mình không chọn được nghề thì nghề chọn mình, gắn định mệnh với nó. Và việc trở thành bác sĩ phụ sản đã thay đổi cuộc đời tôi rất nhiều.
- Bác sĩ phụ sản là người được quyền xâm nhập cơ thể phụ nữ một cách chính đáng và hợp pháp. Cảm xúc của ông trong lần đầu tiên và đến tận bây giờ khác nhau như thế nào?
Mình phục vụ người bệnh lúc này chính là khách hàng, người bệnh là thượng đế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, coi đó là sứ mệnh.
Bệnh nhân tự cởi áo, tự cởi quần ra rồi lên bàn khám. Khi người bệnh đã giao cho mình trọng trách chữa bệnh cho người ta thì mình phải làm đúng thiên chức của mình. Tôi là nhà quản lý nên càng phải gương mẫu, giáo dục.
Đây là công việc thiêng liêng mà vô cùng nhạy cảm. Trong phạm trù y đức không cho phép chúng tôi làm điều gì đó sai với lương tâm ngành y.
Nó nhạy cảm, mình không làm tốt, không làm gương cho thế hệ sau, vi phạm lời thề y đức thì lương tâm của mình cũng cắn rứt.
- Như ông chia sẻ, là một bác sĩ phụ sản, những bí mật thâm sâu nhất của chị em phụ nữ, ông là người nắm rõ nhất. Làm công việc này lâu như vậy, đã bao ông rơi vào trạng thái cảm xúc chai lì, không còn sự thu hút giới tính nữa?
Bác sĩ sản phụ khoa chúng tôi cũng là con người. Nhưng khi với vai trò là bác sĩ, đứng trước mình là người bệnh cần cứu chữa. Lúc này, người bệnh là khách hàng của mình, sự sống của họ là trên hết.
Trong thương mại gọi khách hàng là thượng đế thì chúng tôi cũng phục vụ người bệnh làm sao để họ cảm thấy yên tâm và hài lòng nhất. Tôi coi đó là sứ mệnh của mình.
Nhìn họ, hỏi chúng tôi có rung động không? Có bị hấp dẫn giới tính không? Ai nhìn thấy hoa hậu ai mà không thích, mọi người từ già đến trẻ chắc chắn phải xem. Trông thấy ai đó xinh chắc chắn chúng ta cũng phải thốt lên ‘trông đẹp thế, xinh thế’.
Còn trong nghề, thấy người nào có ngoại hình xấu, chúng tôi không được dè bỉu, bĩu môi chê bai ‘xấu thế’.
- Ông coi bệnh nhân cũng như khách hàng của mình, phục vụ họ như thượng đế và ông vẫn nhắc đi nhắc lại mang lại niềm vui cho bệnh nhân và người nhà họ cũng khiến ông vui. Có khi nào nhu cầu của họ khiến ông khó xử chưa?
Chúng tôi bị tác động bởi cả xã hội về niềm tin với thầy bói của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Cả xã hội theo mấy ông thầy bói về việc chọn giờ sinh tháng đẻ bằng cách can thiệp mổ bắt con.
Nếu chúng tôi từ chối thì có người này, người kia tìm đủ mọi cách can thiệp để nhờ vả. Có những người nói ‘Nếu em không được mổ đẻ vào giờ này thì mấy năm sau con em sẽ chết’… Quá nhiều áp lực với chúng tôi.
10 bà đẻ, 9 bà đẻ thường thì cười nhưng chẳng may bà thứ 10 đẻ ra con bị vấn đề tý thì họ thắc mắc ầm ĩ lên, nào là gia đình xin mổ nhưng bác sĩ thờ ơ, vô tâm không mổ…
Chúng tôi bị áp lực kinh khủng khiếp từ xã hội. Chính áp lực thế khiến tỷ lệ mổ đẻ tăng lên.
- Ông vừa nói chính những áp lực khiến tỷ lệ mổ đẻ gia tăng, có nghĩa là bệnh viện ông cũng đồng ý chiều theo nhiều bệnh nhân có nhu cầu chọn giờ để mổ đẻ?
Tôi vừa là người quản lý cao nhất lại là người trong Hội Sản khoa nên tôi cố gắng hạ thấp tỷ lệ chọn giờ mổ đẻ đó.
Chúng tôi vẫn đang từng ngày ra sức tuyên truyền, giải thích nhưng có những trường hợp chúng tôi phải đầu hàng.
Nếu bệnh nhân và người nhà vẫn khăng khăng không đồng ý sau khi lắng nghe chúng tôi tư vấn, họ bảo không thì chúng tôi mời họ đi viện khác.
- Tính đến nay cũng đã gần 40 năm ông bước chân vào nghề bác sĩ sản phụ khoa, cái được nhất ông nhận được là gì?
Những người tới đây thì 99% người bệnh và người nhà cùng cười khi ra về. Bác sĩ cũng được vui lây.
Việc chăm sóc bệnh nhân mang đến niềm hạnh phúc cho cả người bệnh, gia đình họ và cho cả bác sĩ, nhất là những người đỡ đẻ.
Khi nhìn những người thân của sản phụ, chồng và hai bên dòng họ, nếu mà hợp ý họ con trai con gái nữa thì thấy cả gia đình ầm ầm hân hoan. Lúc đó tôi cũng thấy vui. Điều này khiến tôi gắn bó với nghề nghiệp này hơn.
Trước đây, người ta tưởng bác sĩ sản phụ khoa chỉ đỡ đẻ thôi nhưng giờ đây, bác sĩ sản phụ khoa xuất hiện đóng vai trò quan trọng trong rất nhiều lĩnh vực: chăm sóc sức khoẻ bà mẹ từ khi mang thai, chăm sóc trẻ sơ sinh, chăm sóc phụ nữ với đa dạng bệnh lý cả về độ khó và phức tạp như: khối u, vô sinh, nội tiết, cấy trinh, kế hoạch hoá gia đình, mãn kinh…
Chuyên khoa này tưởng bé mà lớn, đa dạng nên nó là một trong tứ trụ của ngành y: nội, ngoại, sản, nhi.
- Như ông nói, hầu hết tất cả bệnh nhân và người nhà sau khi điều trị tại bệnh viện đều trở về trong niềm vui. Vậy đã bao giờ ông bị người nhà của bệnh nhân đánh ghen chưa, những người chồng thắc mắc: ‘Tại sao khám phụ khoa lại là bác sĩ nam? Bệnh viện này hết nữ bác sĩ rồi à?...’. Khi đó ông đã xử lý như thế nào?
Khi khám cho bệnh nhân, chúng tôi luôn luôn có hai người, nhất là nam giới thì bắt buộc 100% đều có một người giúp việc cho mình là điều dưỡng hoặc hộ lý là nữ giới. Với những phòng khám dịch vụ thì cho bà mẹ và cho nam giới vào cùng.
Tôi hiểu được nhân quyền người phụ nữ, mình phải tôn trọng người phụ nữ hơn bao giờ hết. Điều này cũng khiến bệnh nhân yên tâm hơn.
Tuy nhiên, cũng có những riêng tư trong phòng khám. Nhiều người bệnh đề nghị ‘Bác sĩ đừng cho chồng em vào’. Tại sao? Họ đi khám vô sinh, hỏi ra thì bệnh nhân nói từng đi nạo hút rồi. Nếu có mặt chồng lúc đó thì hỏi làm sao được, rồi vợ chồng đâm ra lục đục.
Người ta tới khám vô sinh, khi 2 vợ chồng vào thì câu đầu tiên không bao giờ tôi hỏi ‘Vợ hút nạo bao giờ chưa?’ mà tôi chỉ khám xong chốc chồng đi ra ngoài tôi nhẹ nhàng ‘Cháu đã hút nạo lần nào chưa? Có rồi chứ gì?’ nhưng tôi không bao giờ ghi vào bệnh án. Tôi biết mà lẳng lặng có phương án xử lý, cách chữa cho người bệnh.
- Ông chia sẻ cái được nhất là sự hài lòng của bệnh nhân và người nhà. Còn những điều mất là gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ chúng tôi ai cũng vắt kiệt sức cho ngành.
Hầu như chưa bao giờ tôi dám nhận lời đi ăn trưa với ai cả, toàn phải từ chối. Vì nghỉ trưa có 1 tiếng đồng hồ, mình lại là lãnh đạo bệnh viện, ra sớm về muộn, nhân viên rồi mọi người lời ra lời vào đi đâu không hay. Hai là do công việc nhiều.
Chính những lúc người ta nghỉ ăn trưa thì tôi lại đi mổ, từ 11 giờ đến 1h30 chiều thì tôi lại trong phòng cầm dao mổ. Rồi 17 giờ, 18 giờ tôi lại mổ tiếp.
Bạn bè cũng hỏi sao không đi chơi golf rồi bảo tôi làm gì đó để thư thái đầu óc nhưng quả thực tôi không có thời gian làm gì khác ngoài công việc của mình ở viện. Thậm chí có những thứ 7, chủ nhật tôi cũng đến bệnh viện như ngày thường.
- Gần 40 năm lao động không ngừng nghỉ là một con số không nhỏ, ngoài niềm vui ông mang đến cho bệnh nhân và người nhà họ đã níu chân ông ở lại với nghề thì còn điều gì khác không?
Gần 40 năm làm nghề, tôi có rất nhiều kỉ niệm, từ lúc là sinh viên nội trú mới ra trường năm 1981 đến bây giờ. Cách đây 30 năm, mổ thì mổ ngang, mổ mở.
Sau đó, tôi đi học ở nước ngoài về, mang được kỹ thuật mổ thẩm mỹ về Việt Nam. Từ việc mổ để lại vết sẹo dài trên bụng chị em, tôi đã áp dụng kỹ thuật mổ chỉ còn những đường mổ ngắn, khâu đẹp.
Bệnh nhân bảo ‘Bác sĩ mổ đẹp thế’. Mỗi lúc thế tôi thấy vui lắm. Rồi bây giờ tôi mổ nội soi thì không cò sẹo nữa hoặc mổ qua đường âm đạo cũng không để lại sẹo. Dần dần mỗi lần mình chinh phục một điều gì mới thì đều có kỷ niệm và đều có niềm vui.
Nghe nhiều thế giới mổ khố u nặng hàng cân rồi hôm trước chúng tôi vừa mổ nội soi 1 ca có khối u nặng 1.200 gram, là kỷ lục Việt Nam thì coi như đó cũng là niềm vui. Tự mình vui với mình, thấy mình đã vượt qua được chính bản thân mình.
Tâm niệm của tôi là luôn luôn có gắng vượt qua đỉnh tháp, cái điểm nhìn mình đã thấy để chinh phục những đỉnh cao mới.
Nhưng sẽ không bao giờ lên tới được đỉnh cao trong ngành y cả, vì kiến thức y học mênh mông, mình chỉ lên được 1 phần nào đó với giai đoạn của mình, thời đại của mình với những kỹ thuật của mình thì mình làm được những cái gì thì mình sẽ làm hết sức.
- Người ta hay nói về đam mê giúp mình có niềm hứng khởi mỗi sớm mai thức giấc. Với ông, điều gì khiến ông luôn hào hứng mỗi ngày?
Ai cũng có đam mê của riêng mình. Với tôi, đó là phẫu thuật. Lần đầu tiên tôi sang Pháp học siêu âm, tôi chỉ học có tháng thôi rồi xin họ cho đi học mổ, tôi xin họ đến các bệnh viện có kỹ thuật mổ tiên tiến.
Tôi là một trong những người đến với các bệnh viện nổi tiếng về phẫu thuật nhất ở Pháp, học các giáo sư giỏi nhất về phẫu thuật tại đây.
Đến bây giờ nhìn lại, quyết định đi tới các phòng mổ để học hỏi chính là quyết định đúng nhất của mình. Khi bắt tay vào phẫu thuật, mình cần có sự khéo léo, ngay cả đỡ đẻ khi khâu lại tầng sinh môn cũng là phẫu thuật.
Tôi tân trang lại cho họ những chỗ rách, làm cho đẹp đẽ lại. Nhiều người tìm đến tôi đề nghị ‘Bác vá màng trinh cho em’, tôi bảo ‘Không, đừng dùng từ đấy, tôi sẽ khâu lại cho cô đẹp đẽ. Ông chồng trừ khi là bác sĩ thì mới biết là em còn hay không’.
- Ông nói phẫu thuật chính là niềm đam mê của mình. Vậy những khi không đi mổ, ông có thấy nhàm chán với các phần việc khác của mình không?
Tôi may mắn được làm việc ở bệnh viện tuyến cuối nên gặp nhiều trường hợp bệnh nhân đa dạng. Đó là điều thử thách với mình.
Nên bản thân mình luôn luôn phải học tập và tìm tòi, trau dồi kiến thức, từ đồng nghiệp, bạn bè, các bác sĩ trẻ, có kỹ thuật gì mới chúng tôi cũng lao vào làm, lấy công việc làm niềm vui. Thành quả lao động đạt được thì đó là niềm vui nhất.
Có phải khoa Phụ ung thư chính là nơi chắp cánh niềm đam mê của ông không, khi mà hiện tại dù là Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhưng ông vẫn giữ chức trưởng khoa Phụ 3 này?
- Điều tôi hài lòng có lẽ là mình được làm ở một bệnh viện lớn, đầu ngành chuyên về sản phụ khoa, được thử thách tất cả những cái mình học được từ các thầy, bạn bè, đồng nghiệp của mình.
Điều tiếc nuối nhất có lẽ mình đã quá già để đi học về công nghệ dùng robot. Nếu còn trẻ thì tôi cố gắng làm để không thua kém gì thế giới cả.
Trước kia, cách đây 20 năm, tôi ra nước ngoài thấy người ta mổ nội soi, quan sát thao tác họ mổ như múa, lúc đó tôi nghĩ thế hệ mình chắc chẳng làm được, chắc thế hệ con em mình. Thế rồi tôi đã đem kỹ thuật đó về Việt Nam, đến bây giờ tôi đã làm được. Đấy là điều mình vui nhất.
Đam mê đi mổ luôn cháy rừng rực trong tôi. Nên tôi vẫn đảm đương công việc bên khoa Phụ ung thư. Đó vừa là cách để tôi truyền đạt lại kiến thức của mình cho thế hệ kế tiếp.
Ngày xưa, giáo sư Dương Thị Cương, người thầy của tôi nói tôi phải làm cho khoa này phát triển. So với ngành ung thu thì khoa tôi là khoa phát triển nhất cả về phẫu thuật và cả về hoá chất. Nhưng cũng tới lúc xây dựng đội ngũ để sẵn sàng anh em thay thế mình.
- Đam mê với những ca phẫu thuật, có những ngày ông đứng mổ chục cả ca bệnh, làm thế nào để ông lấy lại sức lực và cân bằng được?
Kết thúc ca phẫu thuật, tôi lại đi khám bệnh. Mấy năm làm quản lý, trên bàn tôi lúc nào cũng có đống hồ sơ, giấy tờ phải xem xét rồi họp hành triền miên, những cuộc hội chẩn liên tiếp. Hàng chục năm nay lúc nào tôi cũng trong tình trạng quá tải. Làm việc đến 9, 10 giờ đêm là bình thường.
Không có thời gian nhiều cho việc tập luyện nâng cao sức khoẻ, công việc lại đòi hỏi dùng nhiều sức lực và áp lực nên tôi cố gắng đi bộ càng nhiều càng tốt. Tôi tranh thủ từng tý thời gian một cho bản thân mình. Tôi không bao giờ dùng thang máy, trong ngày có bao nhiêu lần đi lên đi xuống là tôi đều đi bộ hết.
Là người quản lý, không bao giờ tôi được tắt điện thoại, chuông reng 1 cái là tôi bắt máy ngay. Nhiều khi tôi ước về nhà ngủ 1 giấc thật say, mong cả đêm chuông điện thoại không reo. Kết thúc 1 ngày làm việc cũng là khi đêm về.
Tôi thường đọc sách để tự giải toả và cân bằng. Tôi rất thích đọc truyện. Tôi đọc tôi cảm nhận và hiểu những điều người ta viết nhưng để cho viết thì tôi không viết được.
Ngày càng nhiều nam giới chọn trở thành bác sĩ sản phụ khoa. Vừa là người đi trước lại vừa cùng thuộc nam giới, ông muốn nhắn nhủ với họ những điều gì?
- Tỷ lệ bác sĩ nam sản phụ khoa ở bệnh viện tôi nhiều hơn nữ. Tôi thuộc người cuối cùng thế hệ đầu tiên của bệnh viện nên tôi là người rõ nhất, chứng kiến sự thay đổi của bệnh viện. Từ lúc có cái nhà đơn sơ, ít bệnh nhân rồi bây giờ là hơn 1.000 giường bệnh, thực hiện được những kỹ thuật tiên tiến so với thế giới.
Tôi cho rằng thế hệ trẻ bây giờ các bạn ấy tài giỏi hơn chúng tôi rất nhiều vì các bạn biết ngoại ngữ, máy vi tính, được tiếp cận với nền văn minh, những kỹ thuật mới từ lúc rất trẻ nên tôi hoàn toàn tin tưởng vào thế hệ trẻ này.
Trong tương lai, tôi cố gắng còn công tác ngày nào thì làm những điều tốt đẹp cho bệnh viện, xây dựng đào tạo lớp trẻ có niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề.
Hãy làm việc bằng lòng đam mê. Tôi chỉ nói với các bạn trẻ điều ấy thôi. Làm với niềm đam mê rồi những niềm vui sẽ tìm đến với mình. Quan trọng là các bạn luôn luôn phấn đấu, tìm tòi, học hỏi không ngừng nghỉ, vì y học không ngừng phát triển, mình không được tự mãn những việc mình làm hôm nay.
Trước kia tôi mổ 1 ca tử cung nặng 100 gram, 300 gram đến 1 cân là đã thấy to lắm, sau này mổ ca 1,2 cân mình cũng đã làm được thành công. Đấy là những niềm vui tự thưởng cho mình.
Tuy nhiên, công việc này cũng khiến các bạn phải đối mặt với những áp lực khủng khiếp. Các ngành khác thì từ tốn được còn ngành chúng tôi thì không thể. Đang ăn mà có bệnh nhân thai suy chẳng hạn thì phải bỏ hết tất cả để cứu 2 mẹ con.
Trong cuộc đời sự nghiệp tôi đã cứu được nhiều bệnh nhân nặng. Có lẽ nếu không có mình thì có thể bệnh nhân sẽ còn bị ảnh hưởng nhiều hơn, truyền nhiều máu hơn hoặc cũng có người sẽ chết. Đấy là điều tôi đã làm được.
- Chặng đường gần 40 năm lao động cống hiến cho ngành sản phụ khoa nói chung và cho bệnh viện Sản Trung ương, ông mong ước điều gì?
Ngày chủ nhật hằng tuần, tôi cố gắng ngủ được đến 7 giờ, 8 giờ là tôi sướng lắm rồi. Nhưng đôi khi hơn 6 giờ đã có người gọi điện thoại cho tôi rồi.
- Có 1 quy tắc trong ngành y, đó là dù có là bác sĩ phẫu thuật giỏi thì cũng không bao giờ được cầm dao mổ cho người thân. Ông thấy thế nào về quan điểm này?
Điều này là dễ hiểu thôi. Cùng một bệnh đó, tôi mổ cho người khác bình thường thì không sao nhưng chẳng may mổ cho người nhà của mình lúc đó lại run tay chẳng hạn, thì sẽ dẫn đến những điều không hay.
Người ta sẽ quay sang hỏi mình ‘Tại sao? Có vấn đề gì trong đó không?’
- Như vậy, khi vợ ông sinh nở hay gặp vấn đề gì về phụ khoa, ông sẽ không can thiệp?
Trong lần vợ tôi sinh con đầu, tôi ở cùng vợ lúc đó, trực tiếp đứng bên khi vợ đẻ. Tôi không tham gia việc đỡ đẻ cho vợ vì xung quanh mình có nhiều đồng nghiệp giúp cho vợ mình chứ. Và tôi cũng vậy.
Còn khi vợ sinh đứa thứ 2, tôi đang đi học ở nước ngoài nên cũng nhờ anh em đồng nghiệp cả.
- Hằng ngày, ông tiếp xúc với rất nhiều người bệnh là nữ giới, là một công việc nhạy cảm. Người đầu ấp tay gối với ông đã bao giờ ghen với công việc chồng mình làm không?
Tôi nghĩ yêu và lấy chồng làm bác sĩ sản phụ khoa, phụ nữ bị thiệt thòi. Tôi chỉ nói vậy thôi. Còn phụ nữ ghen thì yêu mới ghen hoặc đôi khi ghét nhau mới ghen.
Hằng ngày, 7h kém tôi ra khỏi nhà, khoảng tầm 9-10 giờ tối tôi mới rời bệnh viện nên cuộc sống gia đình cũng bị đảo lộn nhiều. Nhiều khi, tôi muốn có những bữa tối cả nhà quây quần bên nhau, vừa thong thả ăn cơm vừa xem thời sự cũng khó. Nên vợ với các con ăn trước, cũng không chờ được cơm tôi.
Thi thoảng có vợ chờ cơm thì cũng phải 10 giờ đêm mới được ăn. Nhưng cứ đợi mãi tôi nghĩ cũng không ổn nên dặn vợ nhà ăn gì thì phần tôi cái đó.
Tối nào tôi cũng cố gắng ăn bữa cơm nhà nhưng nhiều khi muộn quá nên đành ăn tạm cơm tối ở viện rồi làm việc tiếp.
Còn các sự kiện lớn thì mình cũng phải cố gắng, sắp xếp hy sinh cho gia đình. Dù bận mấy thì gia đình vẫn là quan trọng nhất, vì mình là trụ cột trong gia đình.
Video: Hy hữu bác sĩ đang đỡ đẻ cũng trở dạ sinh con luôn
Tôi rất may mắn vợ tôi cũng là bác sĩ nên cũng chia sẻ, thông cảm với tôi.
- Hai vợ chồng cùng làm nghề y, công việc ở viện bận rộn, chưa kể những hôm phải trực. Ông và vợ của mình đã chia sẻ công việc nhà như thế nào?
Ngày trước, hai cháu nhà tôi còn bé thì tôi đưa con đi học hằng ngày, chiều vợ chịu trách nhiệm đón về. Tôi giáo dục cho con mình cách sống tự lập. Từ lớp 5, lớp 6 phải tự đi học bằng xe đạp vì công việc của bố mẹ rất bận, không thể lúc nào có thể kè kè bên các con được.
Sau này, tính tự lập bố mẹ hình thành cho các con đã giúp các cháu rất nhiều trong quá trình học tập tại nước ngoài.
- Hai người con của ông có ai theo nghiệp bố mẹ không?
Quay lại nhìn con đường mình đã đi, tôi thấy mình như đã vượt qua cái thác lớn nên không muốn cho con cái mình theo nghiệp hai vợ chồng.
Với lại, các cháu từ khi bé cho đến khi lớn lên, trưởng thành, chứng kiến bố mẹ bận rộn vất vả với nghề cũng không muốn theo.
Có những thời điểm 2 vợ chồng cùng trực, 3-4 ngày cả gia đình không khi nào ở nhà đông đủ 4 thành viên.
Bình luận