Trả lời VTC News, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông TP.HCM) cho biết, trong năm 2024, Ban sẽ tập trung hoàn thành 5 mục tiêu, nhiệm vụ của UBND TP.HCM giao.
“Ban Giao thông sẽ huy động các nguồn lực, đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công tác chuyển đổi số và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả và đưa vào phục vụ người dân thành phố các công trình, dự án phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đô thị.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% kế hoạch vốn được giao năm 2024. Đồng thời, Ban tập trung phát triển các dự án giao thông mới theo quy hoạch và kế hoạch đã được phê duyệt”, ông Phúc nói.
Theo Giám đốc Ban Giao thông TP.HCM, chỉ tiêu năm 2024, Ban sẽ trình phê duyệt dự án và điều chỉnh 24 dự án, trong đó có 9 dự án phê duyệt, 15 dự án phê duyệt điều chỉnh. Bên cạnh đó, có 29 gói thầu sẽ được khởi công với các dự án trong tâm như: Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (Quận 1, Quận 4, Quận 7); Xây dựng đường Vành đai 2 đoạn 1 và đoạn 2.
Để hoàn thành chỉ tiêu năm 2024, theo Giám đốc Ban Giao thông TP.HCM, đơn vị sẽ thi công hoàn thành 38 dự án, gói thầu với các dự án trọng tâm như: Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình); Hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; Xây dựng cầu Nam Lý; Xây dựng cầu Rạch Đỉa, (Quận 7 - huyện Nhà Bè); Mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa); Mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân); Mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy).
“Ngoài ra, Ban Giao thông sẽ quyết toán 22 dự án. Phối hợp Sở Giao thông Vận tải TP.HCM lập và chủ trương đầu tư 30 dự án. Đồng thời, hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho 40 dự án. Đặc biệt, trong năm 2024, Ban Giao thông quyết tâm đạt giải ngân trên 95%, tương đương 12.838 tỷ đồng”, ông Phúc nói.
Theo ông Lương Minh Phúc, năm 2023 Ban Giao thông TP được giao tổng vốn là 31.287 tỷ đồng, nguồn vốn này có thể chia thành 2 nhóm gồm: Nhóm vốn có thể giải ngân với tổng giá trị 20.587 tỷ đồng và nhóm vốn do những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng nên đã không thể giải ngân với tổng giá trị 10.700 tỷ đồng.
“Nếu chỉ tính với lượng vốn có thể giải ngân là 20.587 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân năm 2023 là 98% (khoảng 20.219 tỷ đồng), gấp 4 lần lượng vốn giải ngân năm 2022. Đây là kết quả cố gắng rất cao của tập thể Ban Giao thông và sự chỉ đạo quyết liệt, sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo TP.HCM cùng các tổ công tác đặc biệt và các Sở ngành, quận huyện”, ông Phúc nói.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, năm 2024, tổng vốn Ban Giao thông TP được giao giảm so với năm 2023, tuy nhiên, khối lượng công việc quản lý dự án không giảm mà tăng vì phải chuẩn bị hồ sơ mới theo tinh thần Nghị quyết 98. Do đó, từng dự án cần được Ban rà soát, tổ chức, sắp xếp chặt chẽ từ số lượng đến con người cụ thể và mạnh dạn ứng dụng công nghệ, áp dụng phương pháp quản lý dự án tiên tiến để giảm nhân sự mà vẫn đảm bảo được khối lượng công việc.
“Ban Giao thông cần tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm, những hồ sơ dự án cần trình thẩm định phải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện và trình UBND thành phố sớm, kịp thời triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Mặt khác, các dự án khởi công và hoàn thành cần được lên kế hoạch chi tiết để giám sát và đảm bảo tiến độ”, ông Mãi đánh giá.
Bình luận