Chiều 23/3, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề xuất của Chính phủ.
Cụ thể, giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít đối với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu diesel, dầu mazút, dầu nhờn, mỡ nhờn (giảm 50% so với các mức thuế hiện hành); và 300 đồng/lít với dầu hỏa (giảm 70% so với mức thuế hiện hành).
Thời gian áp dụng mức thuế mới từ 1/4 đến hết 31/12/2022, sau đó sẽ quay lại mức cũ.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu góp phần kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và bình ổn thị trường xăng dầu trước bối cảnh giá dầu thô tăng cao.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 và phù hợp với bối cảnh chung của đất nước trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việc giảm thuế nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước (NSNN).
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban này thống nhất với các mức giảm thuế theo đề xuất tại tờ trình của Chính phủ về việc giảm thuế.
Ông Cường phân tích, trên thực tế, vừa qua giá dầu thô trên thị trường thế giới đã biến động khó lường. Tại thời điểm Chính phủ dự thảo tờ trình, giá dầu có lúc đã lên tới mức 130 USD/thùng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, giá dầu thô đã giảm xuống quanh mức 100 - 110 USD/thùng.
Từ đó, ông Cường đề nghị Chính phủ giải trình rõ các căn cứ để xác định và đề xuất mức giảm đều 50% đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu và bổ sung số liệu so sánh giá xăng, dầu với các nước trong khu vực để tránh buôn lậu, chuyển xăng, dầu ra bên ngoài.
Về vấn đề loại thuế được lựa chọn giảm, ông Cường cho hay, đa số ý kiến cho rằng, trong điều kiện và thực tế của Việt Nam hiện nay, việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường để điều tiết giá xăng, dầu là biện pháp chính sách phù hợp.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay, một số ý kiến cho rằng, đa số các quốc gia thực hiện giảm thuế thông qua chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (với vai trò là thuế gián thu để hạn chế tiêu dùng, được sử dụng như công cụ điều tiết tiêu dùng và qua đó là cả sản xuất).
"Vì vậy, đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin, làm rõ hơn về kinh nghiệm của các nước trong việc giảm thuế bảo vệ môi trường", ông Cường nói.
Ông Cường cũng cho biết, nhiều ý kiến đánh giá, thuế nhập khẩu cũng là một công cụ chính sách phù hợp, có thể được sử dụng để linh hoạt điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước.
Bình luận