(VTC News)-Các CLB của Tây Ban Nha đang “làm mưa làm gió” ở châu Âu, nhưng phía sau những ánh hào quang của họ là một cục nợ to tướng.
Ở La Liga, Real và Barca đang cùng nhau chia sẻ vị trí đội bóng số 1 và 2. Còn tại đấu trường Champions League, họ đã lọt tới vòng bán kết và nhiều khả năng sẽ gặp nhau ở trận chung kết.
Với chừng ấy “chiến tích” hẳn nhiều người nghĩ hai gã khổng lồ của bóng đá Tây Ban Nha sẽ thu về được rất nhiều tiền và cuối năm sẽ có một bản báo cáo tài chính cực đẹp, nhưng sự thực chẳng phải vậy.
Phía sau sự hào nhoáng của Real và Barca là một cục nợ to tướng. |
Theo công bố mới nhất của Giáo sư kinh tế Jose Maria Gay de Liebana, hiện tổng số nợ của Real đã lên tới 589 triệu euro. Trong khi con số này của Barcelona là 578 triệu euro. So với cùng kỳ mùa giải trước, tổng số nợ của cả Real và Barca đã tăng thêm hơn 100 triệu euro.
Không chỉ Real và Barca, ba đội của La Liga vừa lọt vào bán kết Europa League là Valencia, Atletico, Bilbao cũng nợ đầm đìa, với tổng số nợ ước vào khoảng từ 380 triệu euro tới 520 triệu euro.
Bi đát hơn, theo báo chí Tây Ban Nha, 6 đội ở La Liga, gồm Rayo Vallecano, Racing Santander, Real Betis, Zaragoza, Granada và Mallorca hiện đang đứng trên bờ vực phá sản.
Để giải quyết tình trạng hiện nay, Bộ Thể thao thông báo sẽ lập một kế hoạch chi tiết để bảo đảm thời gian tới các CLB sẽ trả hết nợ. Nhưng dựa vào tình hình kinh tế khó khăn thực tại của Tây Ban Nha thì thật khó để giải quyết vấn đề trong một sớm một chiều.
“Tình trạng nợ quá nhiều đã nói lên sự quản lý yếu kém trong vấn đề tài chính của các đội bóng ở La Liga. Nó cũng chính là tấm gương phản chiếu nền kinh tế của Tây Ban Nha vào thời điểm này. Trong những năm qua, bóng đá chúng ta đã tiêu quá nhiều, vì thế khủng hoảng nợ lại càng trầm trọng hơn”, Giáo sư kinh tế Jose Maria Gay de Liebana, người đang làm việc tại trường Đại học Barcelona phân tích.
Để có được Kaka và Ronaldo, Real đã bỏ rất nhiều tiền. |
Ông lấy Valencia làm ví dụ điển hình trong việc chi tiêu không có kế hoạch. Năm 2007, khi tình trạng của nền kinh tế bắt đầu khó khăn, BLĐ “Bầy dơi” đã quyết định làm mới SVĐ bằng việc nới rộng khán đài, nâng số chỗ ngồi lên 70.000 trong khi số CĐV thực sự của đội bóng chỉ khoảng 39.000.
Hai năm sau, kinh tế thế giới lâm vào khủng khoảng, các khoản nợ của các đội bóng trở nên khó trả. Còn bây giờ, khi khủng hoảng kinh tế thế giới đã tạm qua thì Tây Ban Nha lại đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.
Thế nên, trong thời gian tới, theo Giáo sư Jose Maria Gay de Liebana, Chính phủ cần phải ban hành luật thắt chặt chi tiêu đối với các CLB để tránh một sự đổ vỡ tài chính trong môn thể thao mà Tây Ban Nha đang rất tự hào với thế giới.
Tuyết Mai
Bình luận