Tiến sĩ Allen Đặng, trường Y Harvard (Đại học Harvard - Mỹ) tự hào khi nhắc đến cái tên VinFuture. Trước đây, khi bà giới thiệu là người gốc Việt, các sinh viên, nhà khoa học quốc tế chỉ đơn giản nhắc đến một đất nước ở châu Á, giáp Trung Quốc, từng có nhiều cuộc chiến tranh… ngoài ra họ không có thêm chút ấn tượng nào.
Hai thập kỷ trở lại đây, khi mọi thông tin về địa chính trị, thành tựu, vị thế các quốc gia trở nên không biên giới, giúp cho thế giới đã biết Việt Nam nhiều hơn. Trong đó, phải kể đến tiếng vang của giải thưởng VinFuture, dù rất non trẻ nhưng đang góp phần giúp Việt Nam khẳng định dấu ấn ngày càng mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.
Tiến sĩ Allen Đặng cho hay, sinh viên y khoa ở Mỹ rất quan tâm đến các phát kiến, nghiên cứu học thuật liên quan đến lĩnh vực sức khoẻ. Trong một tiết học vào đầu tháng 10/2023, khi lớp đang nghiên cứu các vấn đề liên quan đến vaccine, dịch bệnh, sinh viên thảo luận rất sôi nổi về TS Katalin Kariko và Drew Weissman - chủ nhân giải Nobel Y Sinh 2023 cho nghiên cứu về công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa COVID-19 hiệu quả.
Không chỉ giải Nobel, các em cũng còn nhắc đến VinFuture - giải thưởng toàn cầu đầu tiên do người Việt khởi xướng, từng vinh danh những nhà khoa học này từ trước, cũng chính ở công trình này. “Tôi thật sự vui khi sinh viên nhắc đến Việt Nam nói chung và một giải thưởng non trẻ như VinFuture nói riêng”, nữ tiến sĩ chia sẻ.
Với kinh nghiệm 21 năm giảng dạy, nghiên cứu bậc đại học, bà kỳ vọng nền khoa học công nghệ Việt Nam không chỉ là một phần của thế giới mà sẽ hoà chung vào dòng chảy nghiên cứu, phát kiến của nhân loại. Điều đó sẽ sớm thành hiện thực với những đóng góp vượt bậc từ VinFuture.
Đánh giá cao giải thưởng VinFuture sau 2 năm tổ chức, GS.TS Nguyễn Đức Chiến, Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, cho rằng, giải thưởng đã, đang và sẽ tạo động lực rất lớn trong nghiên cứu cũng như xóa bỏ dần các rào cản giúp các nhà khoa học Việt có thể vươn tầm quốc tế.
Theo GS Chiến, trước đây, cộng đồng các nhà khoa học luôn mong chờ sự kiện thường niên “Gặp gỡ Việt Nam” do GS Trần Thanh Vân và vợ kết nối, mời các GS đoạt giải Nobel đến giảng bài, chia sẻ kinh nghiệm cho cán bộ khoa học trẻ trong nước. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ này độ lan toả chưa cao.
Hay gần đây khoa học Việt Nam cũng tiếp cận, hội nhập quốc tế qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted). Tuy nhiên, do phụ thuộc vào ngân sách nên nguồn lực còn nhiều hạn chế, chưa nhiều nhà khoa học được tiếp cận, đặc biệt là nhà khoa học trẻ.
VinFuture ra đời, cùng lúc giải quyết được 2 bài toán khó trên. Quỹ VinFuture giúp thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Minh chứng rõ nhất chủ nhân giải Nobel Y Sinh 2023 đã được VinFuture vinh danh từ trước đó 2 năm, ngay khi dịch COVID-19 còn đang bùng phát mạnh trên toàn cầu.
Ông cũng thẳng thắn, đến nay, rất ít tổ chức khoa học công nghệ của Việt Nam có khả năng kết nối và mời được nhiều diễn giả, chuyên gia đầu ngành toàn cầu đến chia sẻ, thảo luận học thuật như VinFuture.
“Khi các nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam, họ không chỉ chia sẻ kiến thức mà còn tìm kiếm, kết nối những cơ hội hợp tác học thuật, mở rộng nghiên cứu… Từ đó, các nhà khoa học Việt sẽ kéo gần khoảng cách hơn với quốc tế”, GS Chiến nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam cũng cho rằng, trước đây, chỉ có một vài lĩnh vực của Việt Nam được thế giới chú ý, chúng ta vẫn thuộc vùng trũng của khoa học công nghệ toàn cầu, chưa có quá nhiều nổi bật.
Giải thưởng VinFuture phần nào làm thay đổi cách nhìn của thế giới với Việt Nam, cho thấy chúng ta rất chú ý đến khoa học - công nghệ. Khi các đối tác quốc tế thấy trong nước rất chú ý đến khoa học công nghệ, họ sẽ sẵn sàng tham gia hợp tác, đầu tư, về lâu dài sẽ tốt cho Việt Nam.
Mùa 3 giải thưởng VinFuture nhận được số lượng đề cử tăng gấp 3 so với mùa đầu tiên. Đây là con số hết sức ấn tượng, không chỉ đơn thuần vì giá trị lớn mà mục tiêu rất hấp dẫn, đó là khoa học phụng sự nhân loại. “Khó có giải nào có nhiều người đăng ký như thế và tiếng vang của VinFuture đã rất lớn, truyền bá đi khắp nơi”, ông đánh giá.
PGS.TS Phạm Hoàng Lương, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, rất mong chờ các nhà khoa học lớn trên thế giới cùng quy tụ về Việt Nam để chia sẻ, thảo luận những vấn đề nghiên cứu, toàn cầu. Đây là cơ hội mang kết quả nghiên cứu của nhà khoa học tầm cỡ chia sẻ để cộng đồng khoa học Việt nắm được.
Ông gọi những chia sẻ của nhà khoa học từ nước phát triển là "giá trị gia tăng" từ VinFuture, khi mang đến kiến thức khoa học và các bài học kinh nghiệm trong nghiên cứu, ứng dụng trong điều kiện Việt Nam.
PGS Lương đánh giá cao VinFuture đã mời được nhiều chuyên gia các lĩnh vực được quan tâm như nông nghiệp, năng lượng, sức khoẻ... hướng tới phát triển bền vững. "Việc tiếp cận khác nhà khoa học thế giới sẽ giúp cộng đồng Việt biết thêm thông tin những phát kiến mới trong khoa học, nhất là lĩnh vực năng lượng, là hướng dẫn dắt tốt cho Việt Nam", PGS Lương nói.
VinFuture không chỉ là giải thưởng quy mô toàn cầu được giới nghiên cứu trong và ngoài nước trông đợi mỗi dịp cuối năm, sự kiện thường niên này đã trở thành cầu nối giữa các nhà khoa học Việt và trên thế giới thông qua các tọa đàm, giao lưu. Qua những sự kiện, nhà khoa học Việt dễ dàng gặp gỡ, trao đổi với nhiều GS, chuyên gia hàng đầu thế giới.
PGS Lương cũng thẳng thắn, nếu không sự kiện VinFuture thì có lẽ rất lâu, rất lâu các nhà khoa học Việt, đặc biệt là đội ngũ trẻ, mới có thể tiếp cận được với các chuyên gia này, những tinh hoa thực sự của nhân loại.
Mong chờ đến Tuần lễ Khoa học - Công nghệ VinFuture mùa 3 năm nay, TS Lê Xuân Lực, Khoa Nano IT Design Fusion, Đại học Khoa học và Công nghệ quốc gia Seoul chia sẻ, hiệu ứng sâu rộng và tác động tích cực của giải thưởng đến nền khoa học và công nghệ hiện đại có thể dễ dàng nhìn thấy.
Theo TS Lực, việc mời những tên tuổi lớn trong Hội đồng giải thưởng, các nhà phát minh quốc tế cùng chia sẻ các đóng góp và thành tựu khoa học góp phần thúc đẩy tiến bộ nhân loại.
"Những điều này tạo nên tiếng vang lớn đến nền khoa học và công nghệ thế giới cũng như Việt Nam", TS Lực nói và thêm rằng, giải được xem là "uy tín lớn trong giới học thuật". Đây là cơ hội lớn để các nhà khoa học Việt tiếp cận, học hỏi và phát triển, đồng thời thúc đẩy mối liên kết sâu sắc giữa khoa học trong nước và quốc tế.
"Cần lan tỏa và khích lệ các nhà khoa học trong nước mạnh dạn tham gia, học hỏi và tạo nên các kết nối giữa khoa học trong nước và quốc tế", TS Lực nói.
Đại diện Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng nhận xét, qua 2 mùa, VinFuture đang góp phần định vị Việt Nam trở thành điểm đến mới của khoa học công nghệ thế giới. Đồng thời, giải thưởng cũng tạo cơ hội kết nối, tạo mối quan hệ hợp tác trực tiếp, đa chiều giữa các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam.
Theo ông hầu hết các quốc gia trên thế giới chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học công nghệ có ứng dụng cao. Việt Nam cũng không ngoại lệ, chúng ta coi phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu nhằm phát triển kinh tế xã hội, phát triển nhanh bền vững.
Đồng thời, việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn là chủ trương lớn thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, vị đại diện nói và cho biết mong chờ vào bữa tiệc khoa học đỉnh cao của VinFuture năm nay.
PGS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho hay, việc giải thưởng VinFuture duy trì tổ chức hàng năm đã mở ra cơ hội tiếp cận thường xuyên với khoa học đỉnh cao cho giới nghiên cứu Việt Nam. Đây rõ ràng là cơ hội trước nay chưa từng có, mang lại cơ hội hợp tác phát triển cho các nhà khoa học Việt, từ đó góp phần tạo nên sự đột phá cho khoa học công nghệ trong nước.
“Giải thưởng là cầu nối đưa các nhà khoa học nói riêng, nền khoa học Việt Nam nói chung tiến gần hơn đến khoa học đỉnh cao thế giới”, ông nói.
Trong khoa học, đa số các nhà nghiên cứu đều muốn vươn tới cái tuyệt đối, tức là đỉnh cao của nghiên cứu. Việt Nam không thiếu người tài năng nhưng do điều kiện như nguồn lực đầu tư, cách phát triển khoa học, nhìn nhận của xã hội nên họ chưa có nhiều công trình tầm cỡ.
“Giải thưởng VinFuture đã tạo ra cú hích giúp thay đổi nhận thức để tất cả cùng thấy nhà khoa học được tôn vinh xứng đáng ra sao và khoa học có thể đóng góp thế nào tới thế giới. Từ đó, chúng ta có thể hướng tới xã hội tôn vinh khoa học công nghệ, tôn vinh kiến thức, phục vụ lợi ích người Việt và nhân loại”, ông Hà nói.
Sau 2 mùa tổ chức, nhiều nhà khoa học tầm cỡ thế giới sẽ biết đến Việt Nam, họ cùng đến đây và tạo nên những “cây cầu” kết nối khoa học trên cả thế giới. Với Việt Nam, ông Hà cho rằng, VinFuture là nơi để chính các nhà khoa học Việt được truyền cảm hứng, phấn đấu để thực sự làm nên những công trình xứng đáng
Tại lễ trao giải thưởng VinFuture 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giải thưởng VinFuture đã bước đầu khẳng định được uy tín và vị thế với giới khoa học quốc tế dù giải thưởng còn non trẻ.
"Không chỉ là sợi dây bền chặt gắn bó các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, VinFuture còn là nhịp cầu để các nhà nghiên cứu, phát minh trên toàn cầu hiện thực hóa những khát vọng khoa học lớn lao để phụng sự nhân loại. Điều đó đúng như TS Katalin Kariko, một trong những chủ nhân của Giải thưởng chính VinFuture lần thứ nhất, đã nói: 'Từ VinFuture, các nhà khoa học thế giới đã hiểu biết hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại.
Đồng thời người đứng đầu Quốc hội cũng đánh giá cao sáng kiến cũng như những nỗ lực của Quỹ VinFuture và người sáng lập là Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương - phu nhân của ông Vượng, trong việc góp phần tôn vinh giá trị của khoa học công nghệ, từ đó mang tới tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người.
Quỹ VinFuture ra mắt vào 20/12/2020, nhân ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại – là quỹ hoạt động phi lợi nhuận do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân là bà Phạm Thu Hương đồng sáng lập.
Hệ thống giải thưởng gồm có Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD, là một trong các giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới; ba Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD, dành cho Nhà khoa học nữ, Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Mùa giải thứ 3 ghi nhận 1.389 hồ sơ đề cử tham gia xét giải, và 1/5 đối tác đề cử là các tác giả thuộc nhóm Top 2% các nhà nghiên cứu hàng đầu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới.
Bình luận