Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã liên tục đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%; cao nhất trong 10 năm qua. Năng lược cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc (đứng thứ 55/137 quốc gia), chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) tăng 12 bậc, chỉ số tín nhiệm quốc gia từ ổn định lên tích cực, đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực Châu Á, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 20 bậc.
Có được các kết quả trên là nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, áp dụng những thành tự của Cách mang công nghiệp 4.0, đẩy mạnh ĐMST trong thời đại kỷ nguyên số. Nhận thấy tầm quan trọng của KHCN và ĐMST trong thời đại mới, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam cùng các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo”.
Tham gia hội thảo, có bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, các diễn giả là chuyên gia, giám đốc những công ty hàng đầu về công nghệ; cùng đại diện các cơ quan, doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Nam cho biết: Với mỗi cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra, kinh tế thế giới sẽ có một bước thay đổi cực lớn, từ nền sản xuất cũ sang nền sản xuất mới trên cơ sở những công nghệ mới. Chính bước tiến ấy tạo ra sự giàu có, phát triển của một số nước tận dụng được cơ hội, tận dụng công nghệ mới đưa vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra năng suất mới, sự phát triển mới.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tạo ra những cơ hội như vậy, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tận dụng được nếu không có sự chuẩn bị cụ thể, chi tiết, sự hiểu biết và nhận thức rõ ràng. Đây là cơ hội duy nhất, trăm năm mới có để một nước kém phát triển hơn có thể tạo nên một bước nhảy vọt, đuổi kịp những nước đi trước. Việt Nam cần nắm lấy cơ hội này”.
Trong đó, “đội quân chủ lực” để đưa nền kinh tế của bất kể quốc gia đi lên là doanh nghiệp. xây dựng đội ngũ doanh nghiệp vững mạnh, linh hoạt, phát triển. Chỉ có đổi mới doanh nghiệp thì mới có thể thúc đẩy nền kinh tế. Do đó, muốn nắm lấy cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0 thì doanh nghiệp chính là đối tượng cần được quan tâm nhất.
Vì vậy, hội thảo được tổ chức với mục tiêu giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về phát triển bền vững cũng như lợi thế bền vững đến từ sự sáng tạo. Muốn tồn tại và phát triển trong thời đại kỷ nguyên số, doanh nghiệp phải thay đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và quản trị. ĐMST đã tạo ra và duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hợp tác ĐMST, kết nối các ngành kinh tế hình thành các chuỗi giá trị khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hội thảo gồm 2 phần: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thời đại số; Số hóa doanh nghiệp Việt Nam và quốc gia khởi nghiệp. Các diễn giả và khách mời đã cùng phân tích, làm rõ nhiều nội dung đáng quan tâm như: Thực tế ứng dụng số hóa trong doanh nghiệp Việt Nam; Những thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh doanh thay đổi, hướng dẫn cạnh tranh toàn cầu; Chuyển đổi kinh doanh trong ngành công nghiệp 4.0; Ứng dụng số hóa trong doanh nghiệp; Quy trình chuyển đổi doanh nghiệp sang mô hình doanh nghiệp số; Các xu hướng tiếp thị số làm thay đổi mô hình kinh doanh…
Bình luận