• Zalo

Giải ngân vốn chậm, Phó Thủ tướng yêu cầu 'xem lại chính sách sai ở đâu'

Bất động sảnThứ Năm, 22/02/2024 17:35:40 +07:00Google News
(VTC News) -

Trước phản ánh của các doanh nghiệp về việc giải ngân gói 120.000 tỷ đồng chậm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu xem lại chính sách sai ở đâu.

Tại Hội nghị triển khai đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" trong năm 2024, diễn ra hôm nay (22/2), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, mới có 6 dự án nhà ở xã hội ở các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 531 tỷ đồng, tức hơn 0,4% gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Trước tiến độ giải ngân chậm gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thẳng thắn nói: "Với gói tín dụng cho nhà ở xã hội phải nhìn nhận vì sao giải ngân chậm".

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các ngân hàng thương mại cần hết sức "cách mạng" với việc này.

"Với gói 120.000 tỷ đồng, phía ngân hàng cần rà soát, đánh giá lại, không thể duy ý chí. Cần xem lại chính sách sai ở đâu đó, không nên đề ra những chính sách không đúng với thị trường", Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp nói khó tiếp cận vốn vay. Vì thế, phía các ngân hàng thương mại kinh doanh cũng phải tính toán lợi nhuận, nên chính sách ưu đãi giảm 1,5 - 2% lãi suất có thể chưa phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, trong khi vay các lĩnh vực khác cao hơn 1,5 - 2%.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. (Ảnh: Bộ Xây dựng).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. (Ảnh: Bộ Xây dựng).

Ngân hàng Nhà nước cần tính toán lại, không thể duy ý chí, tiền để không rất nhiều nhưng không cho vay được. Cần xem lại chính sách chưa hợp lý ở đâu, có thể tính tới việc nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại thì họ mới triển khai chính sách hạ lãi suất cho vay”, Phó thủ tướng gợi ý.

Báo cáo về viêc giải ngân chậm, Thứ trưởng Sinh nêu ra 2 lý do. Thứ nhất là có ít dự án triển khai, thứ hai là về điều kiện tiếp cận tín dụng.

Theo báo cáo của các ngân hàng, có một số doanh nghiệp vướng nợ xấu. Chính nợ xấu đã ảnh hưởng đến việc giải ngân. Do đó, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các ngân hàng xem xét tháo gỡ cho từng dự án.

Phó Thủ tướng khẳng định, để thực hiện đề án, phát triển nhà ở xã hội cần có nguồn tài chính ổn định trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo cùng với sự tham gia của doanh nghiệp, xã hội.

Doanh nghiệp đề xuất gì?

Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch Vinhomes cho biết, việc thực hiện nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, với doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải xác định tiền thuê đất. Ngoài ra, việc xác nhận đối tượng mua cũng tốn thời gian. Ông Hoa kiến nghị rút ngắn thủ tục hành chính.

Ông Hoa cũng cho rằng, hiện nay suất đầu tư làm nhà ở xã hội thấp hơn 25% so với nhà ở thương mại. Hiện, nhà ở xã hội cũng cần đầu tư chất lượng, kiểu mẫu nên nên Bộ Xây dựng xem lại suất đầu tư này.

Nhà ở xã hội cần có cơ chế riêng, nhanh gọn hơn, chất lượng cũng cần tốt hơn. Cách nhìn, tư duy đối tượng nhà ở xã hội rộng rãi hơn, bình đẳng hơn”, ông Hoa nói.

Ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Viglacera, chia sẻ thực tế, doanh nghiệp này đã đầu tư hoàn thành 8.000 căn hộ. Trong đó, mới đưa 5.000 căn vào sử dụng, còn tồn kho 3.000 căn. 

Trong 3.000 căn tồn kho, đa phần là dự án nhà ở công nhân xung quanh các khu công nghiệp. Các dự án này đầu tư cơ bản đồng bộ với hạ tầng, kỹ thuật, tiện ích... không thua kém nhà ở thương mại giá từ 250-600 triệu đồng/căn, giá thuê căn hộ từ 1,2-2,4 triệu/tháng. Dù giá thành hợp lý nhưng hiện nay vướng một số quy định công nhân trong khu công nghiệp mới được mua”, ông Ngọc Anh cho hay. 

Từ đó, doanh nghiệp kiến nghị cần có cơ chế với nhà ở công nhân, nên cho 10 đối tượng như nhà ở xã hội được mua để khuyến khích doanh nghiệp, tránh việc xây nhà ở công nhân nhưng không có người ở.

Đồng quan điểm, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Hưng cũng chỉ ra một thực tế, hiện thủ tục pháp lý làm nhà ở xã hội "quá lâu". Có doanh nghiệp chuyên làm dự án nhà ở xã hội đã phải “cắp cặp” đi hàng chục tỉnh, nhưng mới được 11 tỉnh chấp thuận, do thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai phức tạp và lâu quá.

Đặc biệt, việc tiếp cận vốn vay “rất nan giải” khiến gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng không đi vào cuộc sống.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn