‘Thần dược" lan kim tuyến
Trong những chuyến đi rừng với “người rừng” Trần Ngọc Lâm, rồi lương y Phạm Văn Thanh (Nhà thuốc Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, chuyên chữa bệnh dạ dày), tôi được chỉ cho vô số loại cỏ, cây, củ, quả, toàn những thứ được coi là thần dược. Những loài thảo dược kỳ lạ mà hầu như người Việt Nam chưa biết đến, cũng không có trong sách vở thực vật.
Trong số đó, có một thứ thảo dược rất đặc biệt, khi có lớp lông mềm mịn như nhung trên lá, và những sợi óng ánh như kim tuyến phát sáng ban đêm. Dân gian gọi chúng là cỏ nhung, cỏ kim tuyến, hay cỏ kim cương là theo cách mô tả đặc điểm của lá. Chúng là loài lan, nên còn được gọi là lan kim tuyến.
Hơn chục năm trước, trong mỗi chuyến đi rừng, lúc nấu ăn, ông Lâm, rồi lương y Thanh thường leo lên núi cao nhổ một số loại cỏ để nấu canh, trong đó đánh giá rất cao những chiếc lá nhỏ hình trái tim, có màu xanh tía, với những sợi óng ánh như kim tuyến.
Theo lương y Thanh, người Trung Quốc đã thu mua nó ở Hoàng Liên Sơn từ những năm 1990, nhưng khi đó, anh cũng không biết tác dụng của nó và không hiểu họ thu mua nó làm gì.
Có những thời điểm, giá cỏ kim tuyến ở Sapa lên đến 5 triệu đồng một kg tươi, số tiền rất lớn thời đó. Tôi đã nhổ cỏ kim tuyến trên đỉnh Fan mang về Hà Nội, hỏi một số giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành đông y, nhưng chẳng vị nào biết về loại cỏ này. Có vị còn bảo nó chả có giá trị gì cả. 12 năm trước, tôi cũng đã từng kỳ công dẫn bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng đi xe xuyên đêm lên Sapa xem loài cỏ này, để tìm cách bảo tồn, nhưng ông cũng mù tịt nốt. Ông đem về Hà Nội nghiên cứu nhưng cũng không có kết quả gì.
Thời điểm khoảng năm 2010, người Trung Quốc thu mua ráo riết trên toàn lãnh thổ Việt Nam, gây nên nhiều đồn đoán.
Trong khi các thương lái thu mua với giá bạc triệu cho một kg cỏ kim tuyến tươi, thì một số nhà nghiên cứu của ta vẫn khẳng định trên báo chí rằng loài cỏ này có giá trị rất thấp, chỉ sánh ngang… lá lốt.
Chính vì không hiểu họ mua để làm gì, nên không ít người có tính suy diễn đặt ra chuyện kẻ xấu lừa đảo đồng bào.
Ngành đông y nước Việt xét về tổng thể quả thực còn non trẻ so với người phương Bắc. Có vô số loài cây cỏ bí ẩn, là những thần dược thực sự, nhưng chưa được biết đến. Thậm chí, chẳng biết là cây gì, có tác dụng gì. Vậy nên, người ta vô tư thu mua những cây cỏ quý với giá… cỏ rác.
Lương y Phạm Văn Thanh người nổi tiếng với bài thuốc 5 đời trị dạ dày, hiện sống ở Lào Cai cho biết, người Trung Quốc cực kỳ cao thủ trong việc thu mua nguyên liệu thảo dược từ nước ngoài. Họ không bao giờ họ tiết lộ công dụng những thứ mà họ sẽ mua. Bởi vì, nếu công dụng của thứ họ mua lộ ra, người khác sẽ biết cách chế biến, sử dụng, như vậy, họ sẽ khó thu mua tiếp, hoặc phải thu mua với giá cao.
Lương y Thanh có đến cả trăm ví dụ về sự khôn lanh của người phương Bắc. Họ làm giàu trên sự ngây thơ của chúng ta. Vô số loài thảo dược quý đã bị họ tận thu, mà chúng ta lại cười họ rằng bỏ tiền thu mua thứ vớ vẩn.
Sau này, dịch một số trang mạng mua bán ở nước ngoài, mới biết cỏ kim tuyến có giá cực kỳ đắt đỏ. Không chỉ người Trung Quốc, mà người Nhật còn mua nó với giá đắt hơn nhiều. Thậm chí, có thời điểm, ở Nhật, giá cỏ kim tuyến khô lên tới 100 triệu đồng/kg. Thời điểm đó, vài kg lan kim tuyến đổi được mảnh đất Hà Nội.
Theo lương y Thanh, lúc đầu, người Trung Quốc mua với giá 50 ngàn/kg, sau tăng lên 100 ngàn, 500 ngàn, 2 triệu đồng, có lúc đến 5 triệu đồng cho một kg cây tươi gồm cả rễ dính đất. Khi cỏ kim tuyến lên tới giá đó, thì Hoàng Liên Sơn đã sạch bóng loài cỏ này.
Video: Bị cấm hoạt động, lang băm vẫn quảng cáo "thần dược" chữa ung thư
Nhìn những chuyến xe chở lan kim tuyến ùn ùn sang bên kia biên giới thật xót lòng. Thương lái mua của đồng bào với giá 50 ngàn đồng và họ bán với giá 5 triệu đồng, thậm chí là 10 triệu đồng một kg tươi ở nước họ, hoặc bán sang Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản. Nếu là lan kim tuyến sấy khô thì có giá cả trăm triệu đồng một kg. Đau xót không tưởng tượng nổi. “Vàng ròng” đã chảy hết sang bên kia biên giới.
Bây giờ, giá lan kim tuyến không còn sốt như những năm trước, là bởi vì, người Trung Quốc đã nhổ cạn kiệt ở Việt Nam, đem sang Trung Quốc gây giống và giờ đây, ở nước họ xuất hiện những trang trại trồng lan kim tuyến rộng mênh mông, cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dược liệu.
Cho đến lúc này, một sự thực, là cả các chuyên gia dược liệu, các nhà chức trách vẫn chưa biết lan kim tuyến để làm gì, có tác dụng gì. Chẳng lẽ người ta bỏ cả núi tiền mua cỏ về cho dê ăn?
“Thần dược” có độc?
Mới đây, theo chân mấy chuyên gia dược liệu từng có nhiều năm du học đông dược ở Trung Quốc, tôi đã có cơ hội tìm hiểu một số loại dược liệu bí ẩn từng gây sốt ở Việt Nam, trong đó có cỏ nhung.
Trong phòng trưng bày các sản phẩm dược liệu cao cấp của tập đoàn Đông Nam, có doanh thu ngót tỷ đô ở TP. Tuyền Châu (Phúc Kiến), bên cạnh những củ sâm trị giá 60-90 tỷ đồng tiền Việt/1kg khô, những mẫu đông trùng hạ thảo cao cấp vài tỷ đồng/kg, thì lan kim tuyến được trưng bày rất trang trọng. Trên tường, bức tranh lan kim tuyến được phóng to kèm theo mô tả lịch sử.
Ông Hoàng Quyền Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đông Nam cho biết, lan kim tuyến, tức cỏ nhung, được người Trung Quốc sử dụng mấy ngàn năm nay. Dòng họ ông đã dùng nó suốt 5 đời và hiện tập đoàn của ông đã trồng được nhiều. Các trang trại trồng cỏ kim tuyến được bảo vệ nghiêm ngặt và kỹ thuật trồng là bí truyền của tập đoàn. Ông Thành đánh giá chất lượng loại trồng tốt không kém gì tự nhiên, bởi không áp dụng biện pháp kích thích nào cả.
Mặc dù đã nhân giống, trồng được số lượng lớn, nhưng nhà máy của đại gia đình ông vẫn phải thu gom thêm từ các nguồn khác với giá 30 triệu/1kg khô để chế biến. Về tác dụng của cỏ kim tuyến, ông Thành không giấu giếm. Theo ông, cỏ kim tuyến không có tác dụng chữa bệnh ung thư nào cả. Tác dụng nổi trội nhất của nó là chữa viêm gan, vàng da. Như vậy, các con buôn Việt quảng cáo tràn lan cỏ kim tuyến chữa ung thư bán với giá cắt cổ là bịa tạc, lừa đảo người tiêu dùng.
Điều mà ông Thành đặc biệt lưu ý là không được dùng lan kim tuyến bừa bãi. Phải thầy thuốc hiểu biết, giỏi mới sử dụng được thứ thảo dược đặc biệt này. Thầy thuốc phải có kinh nghiệm lâu năm, căn cứ vào thể trạng bệnh nhân để bốc thuốc với liều lượng phù hợp. Bởi vì, theo ông, trong lan kim tuyến có một loại độc tố rất hại cho thận, dùng nhiều gây suy thận, mà dẫn đến liệt dương. Thầy thuốc chỉ dùng nó với liều lượng nhất định, trong một thời gian nhất định đối với bệnh viêm gan, vàng da.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Lâm, người có nhiều năm tìm hiểu về cỏ kim tuyến lại khẳng định, cỏ kim tuyến không có độc tố. Theo quan điểm của ông Lâm, tất cả các loại thảo dược trị bệnh về gan, thì đều không có độc tố và không có phản ứng phụ. Cũng theo ông Lâm, cỏ kim tuyến có tác dụng tốt với bệnh viêm xương, viêm tủy.
Như vậy, đến giờ, thảo dược lan kim tuyến đắt tiền vẫn còn nhiều bí ẩn, rất cần các nhà khoa học nghiên cứu thêm. Người Trung Quốc đã trồng nó với số lượng lớn, mua rất đắt tiền, nên không thể nói là “lá lốt” được. Tuy nhiên, việc nó có độc tố gây suy thận hay không, thì rất cần làm sáng tỏ, để người sử dụng được biết.
Trong hoàn cảnh đó, bệnh nhân nên thận trọng, chớ để đám buôn dược liệu thiếu hiểu biết bịa ra tác dụng chữa ung thư, để rồi tiền mất tật mang.
Bình luận