• Zalo

Giải mã rắn lạ được coi là 'xà thần' ở Tuyên Quang

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 11/08/2015 06:39:00 +07:00Google News

Loài rắn này không chỉ xuất hiện trên núi, phơi nắng trên các mỏm đá, mà còn thường xuyên bò vào trong đền, quấn trên xà nhà.

(VTC News) - Loài rắn này không chỉ xuất hiện trên núi, phơi nắng trên các mỏm đá, mà còn thường xuyên bò vào trong đền, quấn trên xà nhà.

Kỳ 2 (kỳ cuối): Giải mã 'xà thần'

Như đã nói ở kỳ trước, ngôi đền Cấm thờ rắn ở xã Tràng Đà (TP. Tuyên Quang), có vô số lời đồn kinh dị liên quan đến loài rắn lạ. Vì là đền thờ rắn, nên tượng rắn khổng lồ được trang trí khắp nơi.

Cùng với tượng rắn ở “hòn giả sơn” trước đền, thì những tượng rắn trong chánh điện cũng thực sự kiến những người đến đền lần đầu phải dựng tóc gáy.

Trên xà chánh điện, có tới 4 con rắn khâu bằng vải, màu xanh đỏ lòe loẹt, bạnh mang, có mào đỏ chót, há miệng nhe nanh nhìn xuống trông phát khiếp.

Khi hỏi về hai cặp rắn trên xà nhà, Trương Xuân Đô, trưởng ban quản lý đền Cấm cho biết: “Tôi mới nhận quản lý đền Cấm, nên không nắm rõ được lịch sử của đền, tuy nhiên, chuyện rắn lạ xuất hiện ở đền và núi Cấm thì rất thường xuyên. Bản thân tôi cũng chụp và quay phim được rất nhiều cảnh rắn đỏ xuất hiện.

Hai cặp rắn trong đền được mô phỏng theo lời tả của các cụ ngày xưa, là loài hổ mang, có mào, chứ không phải rắn đỏ ở đền.

Đền Cấm nhìn từ trên xuống
Đền Cấm nhìn từ trên xuống 

Mới đây thôi, cũng có một con rắn to bằng bắp tay, nặng cỡ 5kg, đầu và đuôi đỏ chót phơi nắng ở bãi đá ngay trước đền. Nhiều người được xem con rắn đó, thậm chí trẻ con còn sờ vào đuôi rắn mà nó không có phản ứng gì”.

Mặc dù quay, chụp được nhiều hình ảnh của rắn lạ, nhưng ông Trương Xuân Đô không cung cấp cho phóng viên, cũng không phóng ảnh, không cho ai xem.

Theo ông Đô, đây chỉ là loài rắn bình thường, không độc, không phải thánh thần gì, nên ông sợ cung cấp hình ảnh rồi người đời lại thổi phồng lên, gán cho ông tội tuyên truyền mê tín dị đoan.

Cũng theo ông Đô, loài rắn này không chỉ xuất hiện trên núi, phơi nắng trên các mỏm đá, mà còn thường xuyên bò vào trong đền, quấn trên xà nhà. Chúng rất hiền lành, chưa tấn công ai bao giờ. Chúng cứ ở trong đền, mặc người vào ra, cúng bái, hành lễ. Nhiều khi, chúng ở trong đền vài tiếng, rồi mới lại thong thả bò vào núi và trốn vào hang sâu.

Hình nộm rắn ở chánh điện
Hình nộm rắn ở chánh điện 
Theo chỉ dẫn của người dân quanh đền Cấm, thì người nắm rõ lịch sử ngôi đền này nhất là cụ Nguyễn Hữu Cự, là thầy cúng, cũng là người từng trông nom ngôi đền từ thời xưa.

Nhà cụ Cự ở trên mỏm một quả đồi thấp, ngay cạnh núi Cấm cao sừng sững. Dù đã 93 tuổi, nhưng cụ Cự vẫn minh mẫn, kể lể chi tiết những câu chuyện kỳ lạ về quả núi và ngôi đền có nhiều loài rắn bí ẩn.

Theo cụ Cự, ngôi đền Cấm có lịch sử chưa lâu, chỉ vào đầu thế kỷ 20. Ngày đó, rừng rú hoang rậm, thú rừng thường xuyên tìm về quấy phá cuộc sống người dân. Bố đẻ cụ Cự là cụ Nguyễn Hữu Chu, vào chân núi Cấm khai phá, trồng trọt.

Thế nhưng, ruộng nương thì bị khỉ, lợn rừng phá; lợn, gà, dê, bò thì bị hổ vồ. Nhiều hôm, con hổ to tướng mò về quắp con lợn tha đi trước mặt cụ, mà không biết phải làm gì để đối phó.

Cụ Nguyễn Hữu Cự, người nắm rõ về đền Cấm và những loài rắn lạ
Cụ Nguyễn Hữu Cự, người nắm rõ về đền Cấm và những loài rắn lạ 

Ông cụ Chu đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ ở chân núi Cấm để thờ thần rừng, thần núi, cốt thú rừng đỡ phá phách. Ngôi miếu rất đơn sơ, chỉ gồm 4 cây tre và mấy tấm ván gỗ làm mái. Bên trong ngôi miếu có bát hương. Điều kỳ lạ, là từ khi ngôi miếu lập nên, thú rừng không về phá phách cuộc sống người dân ở chân núi Cấm nữa.

Ông cụ Chu làm nghề bốc thuốc, nên nhiều người bệnh tìm đến để được ông chẩn bệnh, bốc thuốc. Bệnh nhân tìm đến chữa bệnh, thấy ngôi miếu thì thắp hương cầu sức khỏe.

Không rõ do ngôi miếu linh thiêng, hay tài bốc thuốc, mà nhiều người khỏi bệnh. Ngoài việc tìm vào tài bốc thuốc của cụ Chu, thì nhiều người đồn thổi ngôi miếu ở chân núi Cấm linh thiêng, nên tìm đến cầu cúng rất đông.

Vì ngôi miếu nhỏ nổi tiếng quá, nên người ta tìm đến hầu đồng. Tuy nhiên, cụ Chu là người ghét mê tín dị đoan, nên đã cấm tiệt những trò đồng bóng. Cụ vốn đặt tên ngôi miếu là Xâm Lĩnh Linh Từ, nhưng vì cấm trò đồng bóng, nên đổi tên ngôi miếu thành miếu Cấm. Và núi Cấm cũng có tên từ đó.

Có thể loài rắn xuất hiện ở đền Cấm là loài sọc đuôi khoang
Có thể loài rắn xuất hiện ở đền Cấm là loài sọc đuôi khoang 
Điều kinh ngạc, là từ khi xuất hiện ngôi miếu nhỏ, thì rắn ở khắp nơi tìm về quả núi này. Rất nhiều loài rắn mò về ngôi miếu trú ngụ, gồm hổ mang bành, hổ chúa, hổ đất… rồi những loài rắn lạ như rắn đỏ, rắn trắng, rắn sọc, rắn xanh, rồi rắn có mào đỏ chót như mào gà.

Từ loài rắn nhỏ xíu, chỉ to bằng cái đũa, đến những con rắn to bằng cái phích ngổm ngổm bò dưới đất, vắt vẻo treo trên cây đều xuất hiện ở núi Cấm, khiến không ai dám bước chân vào quả núi này.

Lạ nhất, phổ biến nhất ở núi Cấm là rắn có đầu, đuôi và sống lưng màu đỏ và loài rắn có thân hình trong suốt, nhìn rõ xương sống.

Tôi hỏi cụ Cự rằng, liệu loài rắn có đầu, đuôi và sống lưng màu đỏ có phải là trăn đá không, thì cụ Cự xua tay bác bỏ: “Tôi là người sống ngót trăm năm ở núi Cấm, biết đủ các loại rắn. Loài trăn đá đúng là có đầu, đuôi đỏ, chuyên ăn chuột, nhưng loài rắn đầu đỏ ở đây lại không ăn chuột bao giờ và có nhiều điểm khác biệt hoàn toàn với trăn đá, đặc biệt là cái mõm không giống nhau chút nào”.

Clip rắn hổ chạm trán thằn lằn


Theo cụ Cự, loài rắn ở núi Cấm và đền Cấm đều dạn người. Hồi cụ Chu mất, vợ chồng cụ Cự tiếp quản ngôi miếu, thì xây dựng khang trang hơn.

Sáng nào vợ chồng cụ cũng quét dọn miếu, trông nom, hương khói. Có hôm, vợ chồng cụ đang ngồi ăn cơm, con rắn đỏ khổng lồ bò từ mái xuống, thả đầu cọ vào vai cụ bà. Có hôm, chúng còn trườn lên người, vắt trên vai khi cụ bà quét dọn miếu.

Nhiều người đến miếu, thấy bát hương cứ lục ục, rồi những chiếc nón treo trên mái đền đong đưa, hóa ra rắn bò lổm ngổm ở trong. Lắm hôm, rắn về nhiều quá, vợ chồng cụ Cự phải bê chúng vào cung cấm để khách thập phương đến chiêm bái đỡ sợ.

Cũng vì ngôi miếu có “xà thần”, nên khách thập phương tìm đến nhiều, cúng tiến nhiều, nên dân làng có điều kiện xây dựng ngôi miếu khang trang hơn và nâng cấp thành đền Cấm. Mới đây, dân làng còn xây cả miếu thờ rắn, đắp cả tượng rắn rất lớn.

Cũng theo lời cụ Cự, loài rắn ở núi Cấm rất hiền lành, chưa tấn công ai bao giờ,vì thế, đổ cho chúng báo oán người nọ, người kia là không đúng. Những sự kiện tấn công rắn, rồi gặp rủi chẳng qua là trùng hợp mà thôi, nhưng lại bị đồn thổi vô căn cứ.

Cụ Cự cũng mong rằng, người dân, du khách không quá tin vào chuyện nhảm nhí như cầu cúng rắn, tôn rắn lên thành thần, rồi đồn thổi rắn báo oán này nọ khiến mọi người hoang mang. Cụ cũng mong các nhà khoa học đến nghiên cứu, để giải mã tên tuổi một số loài rắn lạ ở núi Cấm, để người dân được rõ.

Anh Nông Văn Huy, thợ săn ở bản Nà Tông (Lâm Bình, Tuyên Quang): "Tôi đã được tận mắt loài rắn lạ ở đền Cấm. Đầu, đuôi và sống lưng chúng có màu đỏ. Đây là loại rắn sọc đuôi khoang thuộc họ rắn nước. Loài rắn này rất hiền, không độc và gần như không cắn người. Rắn sọc đuôi khoang sống chủ yếu ở vùng núi đá, nhất là hang có dơi sinh sống bởi thức ăn chính của rắn là loài dơi và một số ít ếch nhái. Người ta thường thấy rắn sọc đuôi khoang ở nhiều nơi như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị...

Nguyệt Anh
Bình luận
vtcnews.vn