Lâu nay, chúng ta nghe nhiều đến Đàn Xã Tắc qua các cuộc khảo cổ di chỉ ở ngã ba Kim Liên Mới – Tôn Đức Thắng (Hà Nội) và đặc biệt là các cuộc tranh luận của các nhà khoa học. Thế nhưng, ít ai biết Đàn Xã Tắc là gì.
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp UIA), là người có một số nghiên cứu về Đàn Xã Tắc, trong đó, nghiên cứu sâu về mặt kiến trúc, tâm linh.
Đàn Xã Tắc bắt nguồn từ tín ngưỡng của các triều đình phong kiến Trung Quốc. Một số nước Đông Nam Á có nền văn minh lúa nước cũng làm theo tín ngưỡng này, trong đó có các triều đại nước ta.
Theo ông Khanh, Đàn Xã Tắc được xây dựng theo nhiều mức độ tùy theo tín ngưỡng của vua chúa triều đình phong kiến xưa. Các mức độ đó gồm: Đại tự, trung tự và quần tự.
Đàn Xã Tắc có quy mô lớn nhất (đại tự), do vua làm chủ tế vào các năm có khánh tiết. Vua có thể ủy quyền cho các đại thần làm chủ tế.
Khu vực phát hiện Đàn Xã Tắc |
Vào thế kỷ 11, thì một trượng tương đương 3,33m, thế kỷ 18,19 độ dài của một trượng khoảng từ 4,25 đến 4,7m.
Như vậy, diện tích của nội đàn ít nhất cũng phải rộng tới 6.400m2. Nội đàn được bày đặt các cung theo 4 phương và ở giữa là khu Trung ương.
Điều đáng lưu lý là đất đắp đàn tế phải bằng đất sạch từ các địa phương chuyển về. Các triều đại sau kiêng kỵ, nên không dùng đất cũ làm đàn tế. Các thầy phong thủy sẽ cho vét sạch đất cũ, nền móng, đắp đất mới hoàn toàn.
Các vật liệu trang trí và lát trong nội đàn gồm 5 màu (vàng, xanh, trắng, đỏ, đen) ứng với 5 phương vị (Trung ương, Đông, Tây, Nam, Bắc...).
Khu hộ đàn bao quanh lễ đàn mỗi cạnh cũng khoảng 64 trượng, tức là trên 211m. Sở dĩ khu hộ đàn rộng như vậy là để giữ cho trang nghiêm về tâm linh cũng như để bảo vệ an ninh tuyệt đối cho nhà vua khi đăng đàn. Với độ lớn của hộ đàn như vậy, các cung thủ, sát thủ không thể ám sát nhà vua được.
TS. Vũ Thế Khanh |
Rộng hơn nữa còn là khu "vành đai cương tỏa" có tường và cây cối bao bọc theo luật âm dương ngũ hành.
Trong khu vực rộng 4,5-5,4ha ấy, không gian, cảnh vật hoàn toàn thanh tịnh, không được đặt công trình hoặc các vật, gây ra mùi xú uế...
Khi triều đình đổi ngôi thì Đàn Xã Tắc của triều đại trước cũng bị xóa bỏ và tìm địa điểm mới. Chẳng hạn, thời nhà Ngô lập đàn ở Sơn Tây, nhà Đinh lập đàn ở Hoa Lư, thời nhà Lý lập đàn ở Thăng Long, thời nhà Trần lập đàn ở Thiên Trường, thời nhà Hồ lập đàn ở Thanh Hóa, thời nhà Nguyễn lập đàn ở Huế...
Các triều đại sau luôn phế bỏ quyền thống trị của triều đại trước và đương nhiên cũng phế bỏ long mạch, linh khí liên quan đến Đàn Thái Miếu, Đàn Xã Tắc của triều đại trước, rồi dựng nên tín ngưỡng cho triều đại mình.
Về chiều cao của các bức tường thành, của các tầng, số bậc và chiều cao của mỗi bậc được độn toán theo cung số của vương triều.
Pháp chủ, là phải giữ chay tịnh từ 49 hoặc 100 ngày. Pháp khí là các đồ thờ cúng, tế lễ, các thành tố kiến trúc được bày đặt theo thuật phong thủy tương ứng với vương triều. Sấu sớ tế cáo là nội dung căn bản của đàn tế.
Trong tế Đàn Xã Tắc thì ít nhất cũng phải có 2 phần chính là Thái Xã và Thái Tắc.
Thái Xã tức là tế cáo thổ thần cai quản đất đai (bờ cõi quốc gia) và danh xưng chủ quyền sở hữu đối với đất đai đó (là dòng họ đương triều).
Thái Tắc là tế cáo thần linh dạy cho dân công nghệ canh nông. Tắc là kê, lúa mạch, nhưng cũng mang nghĩa tượng trưng cho các loại ngũ cốc, đặc trưng của những quốc gia sống chủ yếu vào nghề canh nông.
Thần dân phải quy hướng theo Thái Xã, Thái Tắc, Thái Miếu của đương triều, nếu có ý tưởng phục hồi quyền bính, tín ngưỡng của triều đại cũ thì sẽ bị chu di tam tộc.
Khai quật di chỉ Đàn Xã Tắc. Ảnh Hạnh Phương |
Theo ông, Đàn Xã Tắc không phải là quốc bảo, không có tính truyền thừa, không có tính kế tục như các công trình văn hóa khác, mà chỉ là tín ngưỡng của riêng từng triều đại phong kiến. Các triều đại sau luôn phá bỏ nội dung và nghi thức tế Đàn Xã Tắc của triều đại trước, nó chỉ là “đàn tế di động”, chứ không phải nhà thờ.
Đàn Xã Tắc chỉ có ý nghĩa lịch sử. Chúng ta tôn trọng Đàn Xã Tắc vì nó ghi lại tín ngưỡng của từng triều đại thống trị ngày xưa, là tiếng vọng của quá khứ chứ không nhất thiết di tích đó là long mạch, là thiêng hay không thiêng, có phù hợp với thời cuộc hay không.
Chẳng hạn nhà tù Côn Đảo, nhà tù Hỏa Lò, di tích Dinh Độc Lập… chỉ có ý nghĩa về chứng tích lịch sử chứ không phải vì sự thiêng liêng của nó, không phải vì tôn sùng hoặc phục chế quyền uy của nó.
TS. Vũ Thế Khanh nhấn mạnh: “Ta tôn trọng di tích tín ngưỡng của người xưa trong việc tế lễ trời đất chứ không phải coi cái tín ngưỡng của người xưa là trời đất. Ta tôn trọng di tích tín ngưỡng của người xưa trong việc tế Đàn Xã Tắc chứ không phải coi cái đàn tế của người xưa là tổ tiên. Bởi cái tín ngưỡng đó chưa chắc đã đúng, đã là đại diện cho tín ngưỡng của toàn dân tộc, đã là đủ, đã phù hợp với thế hệ mai sau”.
Cũng từ những phân tích ở trên, thì không thể coi một diện tích nhỏ bé toen hoẻn ở ngã ba Tôn Đức Thắng và Xã Đàn (đường Kim Liên Mới) là Đàn Xã Tắc. Chỉ có thể coi đây là địa điểm có một số dấu tích của Đàn Xã Tắc.
Nếu theo chuẩn diện tích của Đàn Xã Tắc, thì hiện nay đường Xã Đàn (còn gọi là đường Kim Liên Mới), đường Nguyễn Lương Bằng, Đê La Thành, Tôn Đức Thắng, cùng cả ngàn ngôi nhà đang nằm trọn trên khu nội đàn của Đàn Xã Tắc.
Cũng từ những nhận định trên, TS. Vũ Thế Khanh cho rằng, kết quả khảo cổ chưa đủ căn cứ để khẳng định khu vực ngã ba Ô Chợ Dừa là trung tâm Đàn Xã Tắc.
Theo kết quả khai quật, dưới lớp gạch thời Lý lại là lớp gạch thời Lê, điều đó chứng tỏ đây chưa phải là nội đàn, vì khi đắp khu nội đàn thì các vật liệu, linh khí làm đàn tế của triều đại trước bị hót bỏ hoàn toàn, thay vào đó là đất đắp và vật liệu trang trí của triều đại mới. Khu nội đàn tế nhà Lý chắc chắn không thể lát bằng gạch thời nhà Lê ở phía dưới được.
Vị trí hiện nay chưa chắc đã là trung tâm của đàn tế, mà có khi chỉ là vùng ngoại vi của đàn tế mà thôi. Những vỉa gạch lát đào được chỉ là đường đi vào khu nội đàn.
Theo ông Khanh, cần phải tiếp tục khảo cứu thêm để tìm ra dấu tích của khu nội đàn, với các thành tố kiến trúc đặc trưng, như các bức tường thành của khu nội đàn, vệ đàn, các loại vật liệu ngũ sắc, pháp khí và các thành tố kiến trúc khác.
Muốn tạo được độ tin cậy, cần khoanh vùng khảo cứu trên quy mô ít nhất là từ 5 đến 7ha của khu trung tâm quận Đống Đa, thì mới đủ cứ liệu để xác định vị trí chính thức của nội đàn, còn nếu chỉ có số diện tích ít ỏi, toen hoẻn như hiện nay, thì chỉ nên gọi là dấu tích Đàn Xã Tắc.
Việc nhận định ngã ba Ô Chợ Dừa là Đàn Xã Tắc, hay dấu tích một phần Đàn Xã Tắc là việc rất quan trọng, để có cách ửng xử với di tích cho phù hợp.
Phong Nguyệt
Bình luận