Vì sao quân Mông Cổ bất khả chiến bại?
Quân Mông Cổ không lúc nào trên 110 nghìn người nhưng đánh đâu thắng đấy, lập nên một đế quốc rộng lớn bậc nhất nhân loại. Quân Mông Cổ chủ yếu là kỵ binh, được trang bị đầy đủ nhưng nhẹ nhàng nên dễ xoay trở. Kỵ binh thường đội mũ sắt, mặc áo giáp bằng da ngựa ngâm nước tiểu ngựa thành ra rất cứng, tên bắn không thủng, dao chém không rách, tay trái cầm mộc nhỏ, tay phải cầm giáo để đâm hoặc kích để vừa đâm vừa móc… và có biệt tài phi ngựa. Người Mông cổ có thể vừa phi ngựa, vừa bắn tên về phía trước hoặc ngoái lại bắn về phía sau rất chính xác và có thể bắn 6 mũi trong một phút, gây kinh hoàng cho đối thủ…
Lịch sử thừa nhận, quân Mông Cổ có kỷ luật thép, cưỡng lệnh cấp trên là xử tử liền tại chỗ nên rất tàn bạo và chỉ biết tiến lên dù phải chết. Họ tàn sát hầu hết kẻ bại trận, không mấy khi tha mạng, chỉ trừ những thợ khéo bắt về để xây những kiến trúc hoặc bắt nô lệ. Phụ nữ bên bại trận thì bắt đi làm bia đỡ đạn. Tiếng hung bạo đã được loan truyền sang tận châu Âu đến nỗi người Âu đã phải thốt ra: “Cỏ không mọc được dưới vó ngựa Hung Nô”. Quân Mông Cổ độc ác đến mức, khi chuyển quân họ lùa phụ nữ và gia súc đi trước làm lá chắn, làm nô lệ tình dục và làm thức ăn khi cần…
Năm 1225, Thành Cát Tư Hãn lên đường về Mông Cổ. Lúc này tên tuổi của ông khiến bất cứ vị vua của quốc gia nào nghe tiếng cũng phải run sợ. Trên đường quay về, ông không về thẳng quê mà lại tạt qua thành Hạ Châu, kinh đô của nước Đại Hạ vào năm 1226 để hỏi tội vua nước này. Nguyên năm 1218, trước khi đi đánh nước Khwarzim (nay là nước Ouzbékistan), ông ngỏ lời mượn quân của Đại Hạ. Vua nước này đã không cho mượn lại còn nói ngược ngạo sao đó mà ông ta để bụng thù. Khi ở phương tây về quê, ông quyết tiêu diệt nước này… Tuy nhiên, trong khi vây thành Hạ Châu, vị hoàng đế quyền uy này đã đột ngột qua đời năm 1227, thọ khoảng 60 tuổi. Có nhiều sự giải thích về cái chết bí ẩn của ông nhưng đáng tin nhất vẫn là giả thiết ông chết vì bạo bệnh…
Mãi mãi an giấc trong thiên thu mà không bị "quấy rầy"
Trong rất nhiều những bí ẩn về cuộc đời Thành Cát Tư Hãn thì một trong những điều quan tâm lớn nhất của hậu thế chính là cái chết và nơi chôn cất, an táng ông.
Theo Mông Cổ bí sử ghi chép Thành Cát Tư hãn qua đời vào năm 1227 ở tuổi 65. Nguyên nhân qua đời vẫn còn là ẩn số chưa có lời giải.
Có nhiều giả thuyết được đặt ra rằng: Do ông bị trúng tên độc trong một cuộc Bắc phạt, cũng có thể bị ám sát hoặc có giả thuyết khác cho rằng trong một lần đi săn trong rừng ngựa hồng của ông gặp đàn ngựa rừng nên bất ngờ lồng lên khiến ông không kịp trở tay bị ngã ngựa sau đó ốm nặng và qua đời.
Sau khi mất, việc an táng cũng diễn ra hết sức bí mật và không được ghi chép cụ thể trong sử sách. Nhiều sử gia cho rằng đám tang của ông được thực hiện ở chính quốc Mông Cổ, các binh sĩ giết chết tất cả những người có mặt ở đám tang và những người nhìn thấy trên đường đưa tang.
Ngựa được dùng để chà đạp trên bề mặt để phi tang mọi vết tích, thậm chí họ còn khơi thông nắn dòng một dòng sông để phủ qua mộ để vị tướng lỗi lạc này, giúp Thành Cát Tư Hãn được yên giấc thiên thu không bị hậu thế quấy rầy. Rồi tất cả các binh sĩ sau khi xong việc đồng loạt tự vẫn.
Mọi ý kiến đưa ra đều là giả thuyết bởi hiện tại chưa có bất cứ bằng chứng hoặc vết tích nào thu thập được khẳng định về nguyên nhân sự qua đời và nơi an táng của Thành Cát Tư Hãn.
Một dũng tướng, bậc thầy chuyện chăn gối: 16 triệu hậu duệ rải khắp Á, Âu
Các tài liệu lịch sử còn lại cho đến ngày nay (cả sử Mông Cổ lẫn sử thế giới) đều không chép lại chi tiết việc vị Đại hãn vĩ đại này có cả thảy bao nhiêu người con. Chỉ biết rằng, ông có với người vợ cả là bà Bật Tê (con gái của Khả Hãn bộ lạc Sung Ri Rát) 9 người con, trong đó có 4 nam và 5 nữ.
Tính từ thời điểm lên ngôi cho tới khi qua đời, ông có 5 bà hậu và khoảng 500 vương phi, cung tần. Nhưng theo tục lệ của người Mông Cổ lúc bấy giờ thì người vợ cả sẽ cho chồng lấy vợ lẽ mà không hề ghen nhưng các bà vợ lẽ đó phải ở dưới quyền kiểm soát của vợ cả. Người vợ cả giữ quyền phân phát chiến lợi phẩm của chồng mang về và con cái của họ sau này sẽ được nối nghiệp cha. Những người con của vợ thứ sẽ không được dự vào hàng quý tộc và tham gia việc đại sự. Họ chỉ sống như những người bình thường khác với những đặc quyền rất ít.
Với vị thế là một thủ lĩnh tối cao của các bộ lạc Mông Cổ, lại thường xuyên thực hiện những cuộc viễn chinh, có thể đoán định rằng, Thành Cát Tư Hãn có vô số con rơi trải khắp từ Á sang Âu.
Kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học quốc tế bao gồm các nhà khoa học Mông Cổ, Pakistan, Uzbekistan, Trung Quốc và Anh công bố năm 2003 thực sự gây chú ý.
Theo đó, 8% nam giới đang sống trên những vùng đất trước kia thuộc đế chế Mông Cổ (tương đương với khoảng 16 triệu người) mang nhiễm sắc thể Y có đặc điểm di truyền giống nhau và có chung nguồn gốc từ một tổ tiên sống cách đây khoảng 1.000 năm, tức là khi đế quốc Mông Cổ bắt đầu bành trướng ra bên ngoài.
Kết quả nghiên cứu khác của các nhà khoa học Nga và Ba Lan công bố năm 2007 cho biết thêm nhiều tình tiết mới. Tỷ lệ mang nhiễm sắc thể Y như trên cao nhất thuộc về người Mông Cổ, chiếm khoảng 35% nam giới. Trong khi đó, ở Nga, những người mang nhiễm sắc thể này chỉ phân bố ở các vùng biên giới tiếp giáp với Mông Cổ, vốn là nơi Thành Cát Tư Hãn từng thực hiện cuộc chiến xâm lược nước Nga.
Từ những sự trùng hợp này, các nhà khoa học cho rằng, có thể 16 triệu người trên đều là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn. Tất nhiên, điều này vẫn chỉ là những đồn đoán mà chưa có chứng minh cụ thể.
Video: Cậu bé Mông Cổ hát về mẹ từng khiến hàng triệu người bật khóc giờ ra sao?
Bình luận