Ở miền tây xứ Thanh hiện có ít nhất ba hang 'cá thần' nằm hai bên bờ sông Mã. Dù đã rất quen thuộc đối với du khách gần xa, nhưng dường như bí ẩn về các suối cá này vẫn còn nguyên vẹn.
“Cá thần” sắp trở thành... cá cảnh
Suối cá dược biết đến nhiều nhất là suối Ngọc (Cẩm Lương, Cẩm Thủy). Được khám phá đầu tiên, nằm ở vị trí thuận lợi nên suối cá này sớm được đưa vào khai thác du lịch.
Điểm nhấn của hang cá này chính là dòng suối cạn nước trong vắt chảy ra từ hang núi, có hàng ngàn con cá lớn nhỏ quần tụ bơi lội hiền hòa trước cửa hang.
Gần 20 năm trước, khi suối cá mới được công bố, những câu chuyện truyền miệng rùng rợn huyền bí về quả báo khi xâm hại đàn cá khiến chúng trở nên nổi tiếng, nhờ kích thích trí tò mò thích khám phá của du khách.
Rất nhiều cư dân quanh vùng khẳng định, đàn cá đông đúc như vậy vì thịt chúng quá nhão, nhạt, gầy và nhiều xương. Mấy chục năm trước, khi nhỡ bữa, họ vẫn phải dùng tạm loại cá này.
Có người còn bảo, du khách bị ngăn cản cho cá ăn dù cá rất gầy do nước suối trong veo ít thức ăn, đơn giản vì mục đích lợi nhuận của du lịch. Khi cá no, chúng sẽ không kéo ra ngoài kiếm ăn nữa.
Cuộc đại chiến của các Long vương sông Mã
Lục tìm trong các tài liệu cũ của người Thái, chúng tôi bắt gặp huyền tích về ông Pú Quán Muôp và cuộc thủy chiến kinh hoàng của các Long vương sông Mã.
Ông Cao Bằng Nghĩa, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo huyện Quan Hóa cho biết, Pú Quán Muôp là chuyện về người đầu tiên khai mở vùng đất của xã Phú Nghiêm hiện nay.
Ông Pú Quán Muôp có tài bắn tên bách phát bách trúng, được Long vương Pha Tém là Lý Lai cai quản đoạn sông qua xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) mời xuống Long cung.
Lý Lai tiếp đón ông Pú Quán Muôp hết mực trang trọng, rồi tâm sự: “Long vương Pha Bố (thuộc khúc sông vùng Cửa Hà, Cẩm Thủy) muốn cai quản cả dòng sông Mã, đã sai đại tướng Ngao Vương đem quân đi đánh chiếm khắp nơi.
Ngao Vương là đại tướng hùng mạnh, dễ dàng khuất phục Long vương Cơm Hạo (ở khúc sông vùng Lâm Xa, Bá Thước), sắp dẫn quân ngược lên chiếm nốt Long cung Pha Tém. Vì vậy, xin ông dùng tài bắn tên để tiêu diệt quân địch bảo vệ Long cung”.
Mấy ngày sau, nước sông Mã đang mùa cạn bỗng dâng cao, báo hiệu cuộc chiến của các Long vương dưới lòng sông Mã bắt đầu. Đội liên quân của Long vương Pha Bố - Cơm Hạo ầm ầm tiến lên, nước dâng cao, mây đen, sấm chớp tối sầm cả một vùng.
Đại tướng Ngao Vương vốn là con thuồng luồng có chiếc mào đỏ và sáng choang như ánh mặt trời, ngạo mạn xông pha phía trước. Ông Pú Quán Muôp giương nỏ, nhằm vào chỗ sáng chói nhất và lẫy cò. Mũi tên độc vừa bay đi, rồi tiếng la hét đau đớn của đại tướng Ngao Vương vang lên kinh động.
Quân lính của Ngao Vương lập tức tan tác, mạnh ai nấy chạy. Có một cánh quân chạy thục mạng, làm đá núi lở xuống đè chết ba con voi đang qua sông, hiện nay vẫn còn ba cái mông voi hóa đá.
Một cánh quân khác chạy nhanh quá làm sập cả chân cầu thang nhà ông tạo bản Chăm, rồi tiếp tục chạy trốn vào hang đá Chiềng Ban (xã Văn Nho, Bá Thước hiện nay). Những con cá thần chúng ta nhìn thấy chính là hóa thân của đội quân này.suối cá thần, suối Ngọc, cá thần Thanh HóaĐàn cá luôn bơi hướng về trong hang.
Đội quân của đại tướng Ngao Vương thua trận chạy về, bị Long vương Pha Bố nổi giận đuổi ra khỏi Long cung. Ngao Vương đành đem tàn quân ngược dòng, trú thân ở hang đá Cẩm Lương hiện nay.
Khi nước sông Mã rút xuống, đội quân ấy hóa thân thành đàn cá đông đúc, luôn có tư thế bơi hướng về trong hang đá để trú ẩn. Ngôi đền bên cạnh dòng suối là thờ Ngao Vương, tướng quân một thời hiển hách của sông Mã.
Video: Cụ bà kể chuyện về hang cá thần ở Thanh Hóa
Theo truyền thuyết thì những hang cá thần là nơi tàn quân của Long vương Pha Bố và Cơm Hạo ẩn trốn sau khi thua trận ở Pha Tém. Có thể, nhiều hang núi đá vôi dọc khúc sông từ Phú Nghiêm đến Cửa Hà còn chứa những bại quân này.
Ông Pú Quán Muôp được Long vương Pha Tém trọng thưởng, nhưng ông từ chối vàng bạc, chỉ đem về ít cám, vỏ trấu, đặc biệt là con gà trống kỳ lạ đã làm thay đổi cả vùng đất này…
Trên đường về, túi vỏ trấu bị gió thổi bay xuống sông, hóa thành loài cá mại. Trên sông Mã có một vũng xoáy cực nhiều cá mại, đến nay vẫn còn. Túi cám cũng bị rơi, hóa thành loài tôm đặc biệt ngon, nhìn rất khác biệt so với các con tôm sông, chỉ riêng có tại Phú Nghiêm.
Vén bức màn truyền thuyết, tạm hiểu rằng, những con cá ở sông Mã đã tràn vào các piềng bãi và sống lại trong các hang nước trong thời điểm ngập lụt, nước sông dâng rất cao. Thời điểm ấy, người Thái ở Mường Ca Da lý giải là do cuộc thủy chiến kinh hoàng của các Long vương trên dòng sông Mã.
Theo các khảo sát dân tộc học của nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh, người Thái từng có nhiều cuộc di cư từ thượng nguồn sông Mã về cuối nguồn và ngược lại, còn rất nhiều dấu tích phong tục, mộ táng, địa danh, nhân vật.
Không loại trừ khả năng suối cá Cẩm Lương và Cẩm Liên (huyện Cẩm Thủy) trong miền đất người Mường hiện nay chính là những vũng cá cấm của người Thái, nơi đàn cá được cả cộng đồng bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ cùng nhau đánh bắt một lần trong dịp lễ tết hàng năm.
Hoặc trước đây, rất nhiều dòng tộc lớn của người Thái đã cai quản các vùng đất này và tạo nên các vũng cá cấm (một phong tục lâu đời của người Thái) này chăng?
Cơ sở để đặt nghi vấn này chính là từ đền thờ thần rắn, loài linh vật thiêng liêng của người Thái vốn tự coi mình là Ngu Hống (thuồng luồng, rắn hổ mang… có mào đỏ).
“Chỉ mới nghe nói cá thần linh thiêng”
So với đàn cá Cẩm Lương, cá ở Chiềng Ban không tập trung dày đặc trước cửa hang, mà bơi lội tản mát, chỉ nổi lên khi được cho ăn. Điều đặc biệt là câu chuyện truyền miệng về sự xuất hiện của bà cá chúa to lớn đeo vòng vàng và những câu chuyện rùng rợn về cá thần báo oán.
Ai đến đây cũng mong nhìn thấy "bà chúa" một lần. Tuy nhiên, lượng nước khá lớn, lòng hang dài ăn sâu vào trong núi nên việc nhìn thấy đàn cá đã khó, chưa nói đến việc gặp bà cá chúa.
Ông Hà Văn Thân, người trông coi đàn cá ở đây thật thà: “Cũng gần đây mới nghe nói cá thần linh thiêng, còn trước đây bà con vẫn ăn”.
Nói vậy nhưng ông Thân lại rất mực thành kính khi đứng trước bàn thờ trong ngách hang đá phía trên cửa hang cá.
"Đây là nơi cả đất Mường Ký thờ cúng sơn thần thổ địa cùng cụ tổ Hà Công Vụ có khai phá vùng đất này", ông Thân cho biết.
Đàn “cá thần” có từ 400 năm trướcTheo ông Hà Nam Ninh, nguyên Phó Chủ tịch huyện Bá Thước, sự tích đàn cá ở Chiềng Ban có chừng 400 năm trước, gắn với việc Quận công Hà Công Vụ gây dựng Mường Ký (xã Văn Nho hiện nay).
Ông Hà Công Vụ thuộc gia tộc dòng dõi ở huyện Vĩnh Lộc, có nhiều người làm quan lớn dưới triều Hậu Lê. Một hôm, ông mở tiệc thết đãi bạn bè, có kẻ mưu hại khiến nhiều người dự tiệc bị ngộ độc.
Sợ chết uổng, ông Hà Công Vụ giả làm người bán thuốc nhuộm vải, ngược dòng sông Mã đi trốn, mang theo một bình cá giống, dặn người nhà: “Nếu bình yên thì hãy ngược lên miền núi, tìm nơi nào có giống cá này thì tôi ở đó”.
Đến bến đò Vạn Cha, thấy cáo thị tầm nã mình, ông bèn bỏ thuyền lên bộ, lần theo con suối nhỏ.
Lúc này, dân ở đất Mường Muồn (lớn hơn xã Văn Nho) làm chết con voi vua ban, bị triều đình phạt vạ. Dân bản sợ hãi bỏ trốn vào rừng sâu, chỉ còn lại gia đình ông quan Chuông già nua và năm người con trai cao lớn lười biếng.
Đàn con của ông quan Chuông sớm mồ côi mẹ, sinh ra hư hỏng, suốt ngày rượu chè lêu lổng. Bữa ấy mưa gió rét mướt, đàn con trên nhà sàn đốt lửa uống rượu để mặc cha già lủi thủi ra đồng thả trâu.
Đang uống rượu thì chiếc còi (làm bằng sừng trâu dùng múc nước cho bình rượu cần) bị rơi xuống gầm sàn. Cả đám đùn đẩy, không đứa nào chịu xuống nhặt. Có đứa nghĩ ra cách dòng dây thừng xuống kéo lên.
Do sừng nhọn nên cứ ngoắc dây vào thì lại tuột ra, mãi không lấy được. Đang loay hoay thì thấy ông Chuông dắt trâu về, đàn con bất hiếu gọi váng lên: “Bố, bố, mau nhặt còi lên cho bọn con uống rượu”.
Cay đắng chảy nước mắt, biết các con hư chỉ vì dốt nát, ông quan Chuông quyết đi tìm thầy về dạy chữ cho con. Tình cờ gặp ông Hà Công Vụ đang tất tả ngược đường. Nghe chuyện, ông Hà Công Vụ bèn theo quan Chuông về nhà làm thầy giáo.
Đem đàn cá thả xuống cửa hang nước lớn, thấy chúng tung tăng bơi lội, ông Hà Công Vụ tin đây là đất tốt nên bỏ nhiều công sức dạy dỗ đám thanh niên. Các chàng trai này gây dựng lại mường bản, đưa dân phiêu tán trở về sinh sống yên vui, tôn thầy giáo làm tạo mường, đổi tên Mường Muồn thành Mường Ký.
Sau này, người nhà theo dấu đàn cá tìm đến báo tin đã được minh oan, nhưng vì yêu cảnh mến người, ông Hà Công Vụ tiếp tục ở lại. Đàn cá do ông nuôi thả ngày càng sinh sôi đàn lũ đến tận bây giờ.
Sự thật về bà cá chúa đeo khuyên vàng
Cũng theo ông Hà Nam Ninh, chuyện những con cá có đeo khuyên tai vàng chỉ mới xuất hiện sau năm 1945, khi đất nước vừa giành được độc lập. Khi ấy, nhiều tổ công tác của chính quyền cách mạng được cử lên vùng cao vận động bà con cùng tham gia kháng chiến chống Pháp.Trong một nhóm công tác hoạt động ở vùng Mường Ký, có một người tên là Hà Hào Lam. Ông Lam là thanh niên thuộc gia đình giàu có, dòng dõi ở đất Vĩnh Lộc, khi ở Chiềng Ban thường hay tắm ở dòng suối này.
Lúc này suối Chiềng Ban còn khá cạn, chưa có đập ngăn cao như bây giờ. Ông Lam thực sự thích thú khi thấy đàn cá hiền hòa bơi lội xung quanh mình.
Bản thân ông Lam vốn xuất thân từ vùng đất Đa Bút (Vĩnh Lộc), quê của cụ tổ Hà Công Vụ, có quan hệ máu mủ thân thiết với Mường Ký, nên dường như có tình cảm đặc biệt với đàn cá.
Đàn cá cũng rất thân thiện và bạo dạn, nhiều con còn để ông bế trên tay nâng lên khỏi mặt nước như những đứa trẻ. Nô giỡn vui thích quá, ông bèn rút những chiếc nhẫn vàng, vòng bạc đeo trên tay, bẻ rộng ra rồi bấm vào mang tai cá rồi thả chúng trở lại với dòng suối.
Những chiếc nhẫn ngày xưa luôn làm hở để tùy ngón tay to nhỏ mà điều chỉnh, nên việc đeo cho cá rất dễ dàng và khi bấm lại cũng đủ chắc để không bị rơi ra ngoài.
Nếu hang cá Chiềng Ban được hạ mực nước, trả lại phong cảnh cũ, đàn cá sẽ trở nên đông đúc, dạn dĩ như xưa và du khách hoàn toàn có thể bắt gặp những con cá lớn đeo khuyên tai vàng theo đàn ra ngoài cửa hang tắm nắng.
Video: Hang cá thần ở xã Văn Nho (Bá Thước, Thanh Hóa)
Bình luận