• Zalo

Giải mã chuyện ly kỳ về những ‘thây ma sống’ gây kinh hãi

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 21/08/2014 02:00:00 +07:00Google News

Với người dân ở Haiti, zombie, tức thây ma sống là những sinh vật thực sự tồn tại.

Mọi người đều biết những "thây ma sống" hư cấu trong phim hay truyện, nhưng đối với người dân ở Haiti, zombie là những sinh vật thực sự tồn tại.


Xác sống ở Haiti

Đảo quốc Haiti nằm ở vùng biển Ca-ri-bê, là một phần của đảo Hispaniola, nơi đây có một nền văn hóa lâu đời gắn liền với những câu chuyện có thật về xác sống, mà người dân ở đây gọi là các zombie

Theo quan niệm của người Haiti, “thây ma sống” là những người được tái sinh nhờ các thầy phù thủy Voodoo (văn hóa Haiti gọi là các bokor hay houngan). Trong nhiều trường hợp, họ cho rằng zombie là một hình phạt đối với những kẻ phạm tội ác nghiêm trọng chống lại cộng đồng và sẽ bị biến thành “thây ma sống”, làm nô lệ để trả giá cho tội lỗi mà chúng gây ra trong quá khứ.

Năm 1982, nhà thực vật học, dân tộc học, nhân chủng học Wade Davis đến Haiti để điều tra về một trường hợp kì lạ bị đồn thổi là xác sống, người này có tên là Clairvius Narcisse.

Một bức ảnh của Narcisse sau một năm trở lại 

Narcisse được cho là đã bị chính người anh ruột biến thành xác sống, vì Narcisse không bán đất cho anh ta. Người này nói ông đã chết vào năm 1962 tại bệnh viện Albert Schweitzer ở Desxchapelles, Haiti và cho rằng ông có ý thức nhưng cơ thể bị liệt.

Sau đó ông được một bokor hồi sinh để trở thành một “thây ma sống” và bị ép buộc làm việc như nô lệ cho một trong những đồn điền trồng mía ở Haiti. Ông đã làm việc một cách vô thức như một xác sống trong suốt 16 năm. Chỉ đến khi bokor chết thì ông mới được giải thoát khỏi cuộc sống nô lệ.

Sau đó, Narcisse dần dần sáng suốt trở lại và trở về ngôi làng của mình. Ban đầu, người ta không tin và hỏi ông về ký ức tuổi thơ mà chỉ người thân mới biết.

Cuối cùng gia đình Narcisse đã công nhận ông là một zombie hồi sinh. Vụ việc cực kì khó lí giải theo hướng khoa học, bởi trên thực tế là các bác sĩ đã kiểm tra xác chết của Narcisse khi ông qua đời và đã chính thức tuyên bố rằng ông đã chết.

Một trường hợp khác được phát hiện bởi nhà nhân chủng học và nghiên cứu về văn hóa dân gian người Mỹ - Zora Neale Hurston năm 1973 về một người phụ nữ tên là Felicia Felix-Mentor.

Xác sống Felicia Felix-Mentor. 

Người dân địa phương ở đây giải thích rằng người phụ nữ đã chết vào năm 1907 và 20 năm sau thì bà ấy trở lại với hình dạng là một xác sống. Người phụ nữ này có tình trạng tinh thần bị hạn chế, không có khả năng hoạt động thể chất linh hoạt, rất giống với miêu tả về những xác sống.

Lý giải và tranh cãi


Sau chuyến đi điều tra, nhà khoa học Wade Davis tuyên bố ông đã tìm thấy một loại bột được các “bokor” sử dụng để tái sinh người chết thành “thây ma sống”. Đó là một chất độc thần kinh mạnh mang tên tetrodotoxin, tồn tại trong một số loại động vật và thực vật. Loại bột này có thể được sử dụng để đầu độc và đẩy nạn nhân vào trạng thái giống như một thây ma.

Davis cho rằng độc tố tetrodotoxin khiến nạn nhân bị tê liệt giống như đã chết nên gia đình lo mai táng. Sau đó “bokor” sẽ lấy cắp “xác” từ trong mộ và sử dụng loại bột này để hồi sinh và làm họ tin họ là “zombie”. Mặc dù luận điểm Davis khá thuyết phục, song nó vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Sau đó Davis xuất bản một cuốn sách tựa đề “The Serpent and the Rainbow”, tác phẩm được chuyển thể thành kịch bản phim kinh dị cùng tên của đạo diễn Wes Craven. Ông được vinh danh với tư cách là người làm sáng tỏ bí ẩn về “zombie”.

Tác phẩm nghệ thuật ở Haiti vẽ lại quá trình biến nạn nhân thành những xác sống. 

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã hoài nghi các kết luận của ông. Họ cho rằng luận cứ của ông đều phi khoa học, những mẫu bột tạo ra “zombie” mà ông cung cấp hoàn toàn không phát huy tác dụng, lượng neurotoxin chứa trong những mẫu này không đủ lớn để có thể tạo ra những “thây ma sống”. Hơn nữa, liều lượng mà “bokor” sử dụng phải chính xác, vì lượng độc tố toxin quá lớn có thể gây chết người một cách dễ dàng.

Một luận cứ khác khiến các nhà khoa học còn hoài nghi kết luận của Davis là: Chưa ai phát hiện ra bất kỳ trang trại hay đồn điền trống mía nào có các “thây ma sống” lao động khổ sai tại Haiti.

Trong cuốn sách thứ hai, được xuất bản năm 1988 và mang tựa đề "Passage of Darkness: The Ethnobiology of the Haitian Zombie", Davis thừa nhận nhiều lỗ hổng trong kết luận của ông và rút lại một số tuyên bố giật gân trước đây.

Cá nóc mang chất độc tetrodotoxin. 

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, niềm tin về zombie của người Haiti có thể xuất phát từ những bằng chứng về việc nhiều người bị đầu độc bởi chất cực độc tetrodotoxin và sau đó được hồi sinh. Để hỗ trợ cho quan điểm này, ông chỉ ra nghiên cứu từ Nhật Bản, nơi mà cá nóc là một món ăn phổ biến, về ảnh hưởng của chất độc tetrodotoxin của cá gây ra tình trạng chết giả, phù hợp với tình trạng mà Davis đã mô tả.

Việc người Haiti tin vào zombie chỉ là một trong những tàn dư của một nền văn hóa vốn tin vào quyền năng của phù thủy. Trong văn hóa Haiti, phù thủy không chỉ tạo ra zombie mà còn có thể ám hại hoặc mang đến may mắn cho người khác bằng phép thuật.

Do vậy, những câu chuyện về các “thây ma sống” ở Haiti vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay.

Theo định nghĩa trong cuốn từ điển Oxford, từ “zombie” lần đầu xuất hiện vào khoảng năm 1810, khi nhà sử học Robert Southey đề cập trong cuốn sách “Lịch sử Brazil”. Khái niệm trong từ điển Oxford cho rằng, khi linh hồn rời khỏi cơ thể người sống, họ sẽ bị phù phép để tái sinh và trở thành “thây ma” vô thức, không có tư duy, linh hồn hay cả trí thông minh. Họ bị điều khiển nhằm phục vụ các mục đích cụ thể như làm nô lệ. Thông qua hoạt động buôn bán nô lệ, người ta đưa họ từ châu Phi tới Haiti và một số nước khác.


TheoNgười đưa tin
Bình luận
vtcnews.vn