Chiều 10/12, phát biểu tại lễ trao giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” 2021, ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết, đây là giải báo chí đầu tiên về ô nhiễm nhựa đại dương sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 1407 ngày 16/8 về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương và thành công của Hội nghị cấp Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và các đối tác.
Theo ông Đỗ Tiến Sỹ, trong công tác bảo vệ môi trường, các cơ quan truyền thông, báo chí giữ vai trò rất quan trọng, là mắt xích không thể thiếu trong công tác tuyên truyền về các chính sách về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân.
Tuy nhiên, các nhà báo về môi trường đang phải đứng trước rất nhiều thách thức như áp lực thương mại của báo chí, khó khăn từ tòa soạn, nhận thức và hiểu biết của độc giả và sự phức tạp của vấn đề môi trường.
Ngoài ra, môi trường tác nghiệp của báo chí đối với ô nhiễm nhựa đại dương lại càng khó khăn do việc tiếp cận thực địa quá rộng, không phản ánh hết được thực trạng ảnh hưởng của rác thải nhựa đối với môi trường biển và con người.
Đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống đại dịch COVID-19, đội ngũ phóng viên báo chí đã có những ngày tháng lao động đầy thách thức.
"Chính vì vậy, Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” là sự ghi nhận, tôn vinh những thành tựu, đóng góp của báo chí, phóng viên, biên tập viên trong sự nghiệp bảo vệ môi trường nói chung và giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương nói riêng. Giải thưởng cũng là nơi ươm mầm cho những giải pháp chính sách, mô hình sáng tạo về bảo vệ môi trường, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước", ông Đỗ Tiến Sỹ nói.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News, Trưởng Ban tổ chức giải cho biết, chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương mới được nêu lên tại Việt Nam trong vài năm gần đây, Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” cũng được tổ chức lần đầu tiên, lại trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát nên rất khó khăn cho đội ngũ các nhà báo, cộng tác viên khai thác thông tin và đi tác nghiệp thực tế.
"Thế nhưng, chỉ trong gần 2 tháng Ban Tổ chức đã nhận được hơn 200 tác phẩm báo điện tử, tạp chí điện tử đề cập một cách sâu sắc về ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và ô nhiễm nhựa đại dương nói riêng từ khắp mọi miền đất nước, trong đó có những tỉnh miền núi xa xôi.
Ban tổ chức còn nhận được những bài tham dự thi của các cháu học sinh trường THCS Phú Thọ, tỉnh An Giang. Điều này cho thấy giải thưởng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người, nhiều đơn vị và ngành nghề", ông Hải nói.
Theo ông Ngô Văn Hải, các tác phẩm dự thi có chất lượng nội dung tốt, chủ đề phong phú, đa dạng, phản ánh được thực trạng ô nhiễm nhựa đại dương và đưa ra các giải pháp để cải thiện. Nhiều tác phẩm được trình bày hiện đại, công phu dưới dạng Mega Story, E-magazine, bài viết kèm các phóng sự truyền hình hấp dẫn… Một số tác phẩm đã thể hiện được sự dấn thân của tác giả để có những thước phim, hình ảnh ấn tượng, thông tin độc đáo.
Từ 32 tác phẩm vòng sơ khảo, Hội đồng chung khảo đã chọn ra được 13 tác phẩm xứng đáng và xuất sắc nhất để trao giải Nhất, hai giải Nhì, ba giải Ba, năm giải Khuyến khích, hai giải Tác phẩm có tác động mạnh mẽ và Tác phẩm có đề tài ấn tượng.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Giải báo chí về “Ô nhiễm nhựa đại dương” một lần nữa khẳng định sự quan tâm, ghi nhận của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế và của chính đồng nghiệp đối với các nhà báo môi trường.
Đây chính là nguồn động lực cổ vũ để phát huy hơn nữa vai trò chủ lực của báo chí trong công tác truyền thông bảo vệ môi trường biển và giảm thải rác thải nhựa đại dương.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định ủng hộ việc tổ chức Giải báo chí này trong những năm tiếp theo và đề nghị tiếp tục tổ chức Giải dưới hình thức thường niên, chuyên sâu hơn nữa về vấn để rác thải nhựa đại dương cũng như mở rộng thêm các cơ cấu giải để tạo được sân chơi lớn hơn nữa, tăng tính cạnh tranh và chuyên sâu qua đó góp phần nâng cao kiến thức, động viên khuyến khích đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên theo dõi lĩnh vực môi trường thật tốt về bản lĩnh, tinh thông nghiệp vụ, sâu sát với cơ sở, nhân dân.
Tại buổi lễ, bà Trần Thị Hải – Giám đốc chương trình Phát triển bền vững, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF tại Việt Nam chia sẻ: Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Tuy vậy, biển và đại dương hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm rác thải trong đó phần lớn là rác thải nhựa. Các đại dương trên thế giới hàng năm phải tiếp nhận hơn 11 triệu tấn rác nhựa với nhiều hiểm họa đến môi trường sống và sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã.
"Điều này đặt ra sự cấp bách cần hành động của cả xã hội để chung tay bảo vệ môi trường biển nói chung và giảm ô nhiễm nhựa trên biển nói riêng. Trong đó, báo chí là một phương tiện truyền thông vô cùng quan trọng. Các hoạt động và nỗ lực phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương trên thế giới và tại Việt Nam cần được các cơ quan báo chí tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận và lan tỏa trong cộng đồng.
Thông qua đó có thể nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn thể các bộ, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong công tác phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững", bà Hải nói.
Giám đốc chương trình Phát triển bền vững, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF tại Việt Nam chia sẻ thêm mặc dù việc tổ chức Giải báo chí về “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” diễn ra trong tình hình dịch COVID-19 còn rất phức tạp, nhưng WWF Việt Nam đánh giá rất cao công tác tổ chức và sự tham gia tích cực của các phóng viên, biên tập viên, nhà báo trên toàn quốc.
"Được phát động từ tháng 10/2021, Giải báo chí đã thu hút được sự quan tâm với hàng trăm tác phẩm chất lượng được gửi đến từ mọi miền trên Tổ quốc. Tôi đã xem và đọc các bài tham dự. Thông qua những tác phẩm phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, các anh/chị phóng viên, biên tập viên, nhà báo đã đề cập đến nhiều vấn đề xoay quay rác thải đại dương. Đi từ các tỉnh miền núi, đến vùng biển và xuống dưới sâu đại dương, các loại rác thải nhựa như lưới ma, túi nilong, rác ở rạn san hô. Nhiều góc khác nhau được xem xét: từ vấn đề luật pháp, kinh tế, thói quen, cách thức truyền thông.
Những phân tích sắc sảo về các vấn đề còn bất cập và đặc biệt khắc hoạ được những gương điển hình, những ví dụ mô hình, cá nhân điển hình, như các mô hình kết hợp giảm thiểu rác trong sản xuất, trong thuỷ sản, đoàn tàu khai thác xa bờ, du lịch biển đảo… Xin trích dùng 1 từ mà một tác giả dự thi đã dùng- khi đọc các tác phẩm, thấy được “Năng lượng từ sự... đồng cảm, chung sức” trong việc tham gia vào công tác phòng chống ô nhiễm nhựa, nâng cao nhận thức cho người dân, giảm thiểu thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần và tiến tới xóa bỏ ô nhiễm nhựa.
Hy vọng giải báo chí về “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” là sự ghi nhận dành cho những thành tựu cũng như những đóng góp công sức, trí tuệ của các anh chị, đồng thời cũng là một khích lệ để tiếp sức cho các anh chị trong sự nghiệp bảo vệ môi trường biển nói chung và giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương nói riêng tại Việt Nam", bà Hải chia sẻ.
Bình luận