• Zalo

Giấc mộng no bụng của những đứa trẻ ở vùng đất trơ trọi nóng bỏng

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 25/04/2018 06:30:00 +07:00Google News

Chỉ có ngôi trường bán trú, cuộc đời của 700 đứa trẻ, và cả ngàn đứa trẻ sắp lớn lên ở vùng đất “sa mạc khô cháy” miền biên viễn này mới có cơ hội thay đổi.

Hôm ấy, nhóm nhà báo chúng tôi lên Điện Biên, tận mắt xem “cây tổ ong” với lúc lỉu những tổ ong khổng lồ trên cây, livestream cái “cây tổ ong” ấy để mọi người cùng xem chuyện lạ.

Bỗng có số điện thoại của người lạ, gọi đến bảo: “Anh ơi, nếu các anh đã lên Điện Biên, thì mong các anh bớt chút thời gian ghé cái vùng đất nghèo nhất tỉnh Điện Biên, chắc cũng nghèo nhất nước luôn. Bọn em đã dùng fly cam bay trên giời, chĩa máy quay xuống đất, cứ như sa mạc cháy anh ạ. Sa mạc trên núi cao ở Tây Bắc Việt Nam thì anh có tin được không? Những đứa trẻ vùng đất nóng rẫy ấy đang đói lắm, thương lắm!”.

Chúng tôi đến huyện Điện Biên Đông, Trưởng phòng GD&ĐT, anh Cù Huy Hoàn bảo: “Tôi cũng đi nhiều nơi, nhưng đúng là không thấy đâu đói và khổ như mảnh đất tận cùng Chiềng Sơ các nhà báo ạ. Các anh đã lên đến đây rồi, thì cố vào đó, nó là sự thật. Ở đó, cuộc sống đồng bào ngày càng khốn khó, tương lai các em học sinh thì không biết thế nào, nếu thầy cô và chính quyền không căng sức tìm cách”.

Gần 20 năm trước, tôi đã đi cung đường này. Đó là con đường dốc ngược, lầy lội ngày mưa, xuyên qua những đại ngàn xanh thẳm. Dòng sông Mã nước chảy ào ào. Những bản làng êm đềm bên vách núi. Những ánh mắt trẻ thơ trong veo. Rừng đầy thú, cá đầy sông. Những con cá chiên nặng 50-70kg, vần lên từ dòng sông dữ dằn, cả bản chia nhau ăn uống vui như hội.

Hôm chúng tôi lên, trời đất thủ đô se lạnh, người ra đường mặc áo khoác mỏng, ấy thế nhưng, vùng đất này đã hầm hập nóng. Đi miên man cả trăm cây số dọc dải giáp Lào, chỉ thấy những dãy núi trọc lốc nhấp nhô. Rừng bị tàn phá, đồi núi bị cạo trọc, gió Lào nóng hầm hập, khiến những quả núi pha cát biến thành sa mạc nóng bỏng khô cháy.

IMG_0472 4

 Quanh bản Huổi Hu cũng như cả Chiềng Sơ chỉ thấy đồi trọc, nắng cháy.

Anh chàng người Xinh Mun chở tôi trên chiếc xe cà tàng vào bản Huổi Hu, thuộc xã Chiềng Sơ, nằm bên kia sông Mã vừa đi vừa kể: “Dễ chục năm nay em không được ăn miếng thịt thú rừng nào. Trước lợn rừng, nai, hoẵng, thậm chí voi kéo đàn về phá nương, nhưng giờ đến con chuột rừng, con sóc cũng hết. Sông Mã xưa cá lăng cá chiên núp đầy khe đá, giờ thì sông chẳng còn con gì. Mấy năm trước quăng lưới cả buổi chỉ được mớ cá bằng cái đũa. Giờ thì cá cũng chẳng còn vì mấy cái mỏ quặng họ thải chất độc ra sông”.

Dọc đường vào Chiềng Sơ, nơi có tháp cổ soi bóng của người Lào, tôi thấy lời anh Hoàn nói thật đúng: Đồng bào ngày càng khốn khó, tương lai học sinh thì không biết thế nào.

Cả vùng đất mênh mông giáp Lào như một sa mạc nóng rẫy và khô khốc.

Bản Huổi Hu hiện ra dưới một thung lũng, bao quanh tứ phía là những dải núi trọc lốc lên đến tận đỉnh. Nước không có, người dân chọt ít hạt ngô, hạt thóc vào lỗ, rồi phó mặc cho giời. Giời thương đổ cơn mưa, thì ngô lên, sắn mọc, còn không thì chết đói.

Tôi đã đi gần như dọc dài đất nước, đến các bản làng xa xôi diệu vợi cả ngày cuốc bộ, nhưng đúng là chưa gặp ở đâu cảnh điêu tàn như những mái nhà bản Huổi Hu, khi mà tất cả các ngôi nhà đều là vách nứa thưa thếch, cái nào cũng xiêu vẹo như thể sắp đổ.

IMG_0481 5

Bản Huổi Hu của người Xinh Mun với những mái nhà xiêu vẹo. 

Xinh Mun là dân tộc thiểu số, cả nước chỉ có hơn 20 ngàn dân, chủ yếu sống ở hai tỉnh là Sơn La và Điện Biên. Đây vốn là dân tộc sống du canh, du cư, dựa vào săn bắn hái lượm là chủ yếu. Giờ rừng không còn, thú hết sạch, sông chẳng còn cá, họ chỉ còn biết trông vào hạt lúa hạt ngô trên nương, nhưng cả vùng Chiềng Sơ gió Lào nắng cháy, nước giời hiếm như hạt ngọc, nên đói rách là điều hiển nhiên.

Đi vòng quanh bản, chẳng thấy đàn ông, chỉ thấy người già và con trẻ. Vài người phụ nữ mới đẻ, hoặc sắp “nhảy ổ” thì nhốt mình trong căn nhà xiêu vẹo, hé ánh mắt qua kẽ vách vầu, miệng cứ cười chứ hỏi gì cũng chẳng nói.

Ngôi nhà đẹp nhất, xịn nhất, chắc chắn nhất, chính là điểm trường tiểu học Huổi Hu, nơi có 50 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, với hai phòng học, do hai thầy phụ trách là Lò Văn Dẫn và Lò Văn Quỳnh. Một phòng dành cho lớp 2 và lớp 4, một phòng cho lớp 1 và lớp 3. Học sinh hai lớp ngồi ghép chung phòng, nhưng quay ngược lưng lại nhau. Thầy dạy lớp này mấy phút, lại đến cuối lớp dạy lớp kia.

Đó là ngôi nhà gỗ, chắp vá lởm chởm. Mùa đông, gió lạnh lùa tứ bề, hai thầy giáo phải đốt đống lửa to tướng ở giữa lớp để giữ khí ấm cho các con. Mùa hè thì cả vùng “sa mạc nóng bỏng” này như một lò bát quái, cả thầy lẫn trò nóng như chảy mỡ.

IMG_0465 6

Học sinh trường Huổi Hu. 

Tan học, tôi theo anh chàng Vi Văn Tuấn, học sinh lớp 1 đi về nhà ăn trưa. Nhà Tuấn ngay đầu bản, cũng siêu vẹo tường liếp như tất cả mọi nhà. Mẹ Tuấn, chị Mùa, sinh năm 1993, đã có 3 mặt con. Cậu lớn lớp 1, cô em 3 tuổi đang học mẫu giáo, và một bé con đang bồng trên tay. Chồng Mùa lên nương từ sáng đến tối mới về.

Video: Em Vi Văn Tuấn đi học về chỉ có nẹp cơm trắng và ngọn rau

Tôi đi vòng quanh nhà, chẳng thấy thứ gì có giá trị. Ngó vào chiếc gùi cũng không thấy gạo đâu. Việc tìm thấy gạo thóc trong bản của người Xinh Mun này là một việc rất khó.

Hỏi trưa ăn gì, chị Mùa nhấc chiếc nẹp tre ở góc nhà, mở nắp ra, tôi thấy có nẹp cơm nấu từ sáng. Sớm tinh mơ, chị dậy nấu cơm, nắm cho chồng lên nương, chỗ còn lại hai mẹ con ăn trưa. Tôi hỏi ăn với gì, chị chỉ mấy cọng rau vừa hái ở bìa rừng. Nồi nước sắp sôi, thả mấy cuộng rau vào, hai mẹ con ăn qua bữa. Tôi hỏi: “Có thịt cá ăn không?”, chị Mùa lắc đầu bảo: “Không có đâu. Thi thoảng chồng bẫy được con chuột thì ăn thôi”.

Ở bản Huổi Hu, theo một thông tin, thì hầu hết đàn ông đều bỏ xứ đi làm thuê ở xa. Nhưng, có một điều đáng buồn, là rất nhiều đàn ông, kể cả phụ nữ nghiện ngập. Xưa kia, họ trồng thuốc phiện trong rừng để tự túc hút, nhưng giờ rừng không còn, thì bỏ xứ đi làm thuê, kiếm tiền chủ yếu phục vụ cơn nghiện. Vợ con, bố mẹ già cả mặc kệ nơi xó núi.

Rời căn nhà xiêu vẹo cỉa chị Mùa, tôi gặp cậu bé Lường Văn Lương tha thẩn đầu không giữa cái nắng gay gắt. Tôi ngẫu nhiên theo Lương về nhà.

IMG_0586 3

Đại gia đình Lường Văn Lương ăn chung nẹp cơm trắng. 

Ông nội Lương là Lường Văn Chung ngồi ở bậu cửa, phóng ánh mắt xa xăm. Mấy đứa trẻ nằm co quắp ở các góc ngôi nhà sàn. Thật không tin nổi, bữa trưa của Lương, ông bà nội và mấy đứa trẻ, chỉ có nhõn nẹp cơm trắng.

Ông Chung bảo, con cái ông, cả trai gái dâu rể bỏ nhà đi xa hết, không rõ đi đâu, cuối năm mới thấy về, mang cho ông được 1-2 triệu để nuôi các cháu. Tôi hỏi: “Bố mẹ thằng Lương nghiện phải không?”, ông gật đầu bảo “có nghiện, nhưng không biết đã cai được chưa”.

Mấy người con đều có nhà riêng siêu vẹo trong bản, riêng bố mẹ và em Lương thì ở với ông bà nội. Bố mẹ, các chú bác đi làm thuê vất vưởng, nên ông bà nội ở nhà trông cả đàn cháu. Cuối năm, mấy người con mang ít tiền về, ông bà mua gạo, ăn từ đầu năm đến giờ, mới được hơn tháng đã hết sạch.

Video: Cả đại gia đình 9 người lớn bé chỉ có mỗi nẹp cơm trắng, mỗi người bốc được một nắm

Tôi hỏi ông Chung: “Bố mẹ chúng nó không gửi gạo về, thì ăn bằng gì?”, ông bảo “Toàn người Mông họ cho thôi, chứ không chết đói”. Hóa ra, ông là thầy cúng nổi tiếng trong vùng. Đồng bào quanh vùng có sự việc gì, mời ông đến cúng thuê. Cúng xong, họ cho nắm gạo. Nhờ tài cúng bái của ông, mà đám cháu lít nhít không bị đói. Nhìn cảnh từ già đến trẻ, 9 miệng ăn quây quanh cái nẹp cơm, mỗi người được quá một bốc, tôi không hiểu họ sống ngày qua ngày kiểu gì.

Vòng vèo mãi trong bản, thì tôi mới tìm thấy điểm trường mầm non Huổi Hu nằm chênh vênh trên sườn núi, dưới bóng mấy cây xoan. Nếu không có dòng chữ ở cổng, chắc tưởng chuồng gà, vì ngôi trường bé xíu, đen sì, trát bùn đất.

IMG_0534

Cô trò ở Huổi Hu 

Trong căn phòng bé tin hin, 43 đứa trẻ từ 3-5 tuổi lúc nhúc ở trong như đàn chuột. Mặc dù nhà ở ngay cạnh, nhưng bọn nhóc này không về nhà, vì ở trường được thầy cô nấu cho ăn. Mỗi đứa, mỗi ngày đi học, được nhà nước cho 5 ngàn đồng ăn hai bữa, nên bữa ăn có được mấy hạt lạc, hoặc lâu lâu được cải thiện miếng thịt mỏng như tờ giấy.

Học sinh cấp 1 ở điểm trường phải về nhà ăn, nên quanh năm suốt tháng chỉ có cơm trắng, hoặc sang chút thì có mấy cọng rau rừng luộc, chan nước ăn cho căng bụng.

Giải pháp duy nhất cho tương lai bọn trẻ

Tôi ngồi dưới gốc đào trước điểm trường trò chuyện với thầy Nguyễn Đức Long, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chiềng Sơ. Thầy bảo, xã Chiềng Sơ có tất cả 24 điểm trường, ở 24 bản, và tất cả đều đói nghèo rách nát như nhau. Toàn bộ 50 hộ dân ở Huổi Hu đều thuộc diện đói nghèo, và bản thân thầy cũng đỏ cả mắt đi tìm khắp 24 bản, chưa thấy có hộ nào thoát nghèo.

Tôi ngồi cả buổi nghĩ giải pháp với thầy Long. Thầy bảo, nhà nước bỏ chút tiền, hơn trăm ngàn mỗi tháng, cho gia đình nào có con đi học, thì họ mới cho bọn trẻ đến trường, thế nhưng, tiền vào nhà rách, như gió vào nhà trống, không vào miệng các con được miếng gì.

“Nếu cứ để thế này, thì một là các con sẽ đói, suy dinh dưỡng nặng, không đủ sức đi học, mà cho miếng ăn cũng không phải giải pháp lâu dài. Chỉ có cách duy nhất là lập trường bán trú, đưa các con xuống học, để thầy cô chăm sóc cho các con từ đầu đến đuôi” - thầy Long chia sẻ.

IMG_0454

 Thầy cô cùng lãnh đạo huyện đi xin xỏ suốt nhiều năm mới đủ tiền xây 5 phòng học, nên không biết bao giờ mới xong trường để 700 đứa trẻ Chiềng Sơ được học bán trú.

Thầy Long cùng các thầy lấy xe máy, chở tôi xuống trung tâm xã, rồi vòng lên một quả đồi, nơi có bãi đất rộng, bằng phẳng, tới một héc ta. Đây là phần đất phẳng nhất của xã, mà thầy cô xin được từ các hộ dân. Chỗ ấy, đang mọc lên vài căn phòng nhỏ.

Ở Chiềng Sơ, có 24 điểm trường. Điểm xa nhất phải đi bộ 1 ngày nếu trời mưa, còn trời nắng thì đi xe máy mất buổi sáng. Điểm gần cũng đi xe máy mất ngót tiếng. Chính vì thế, việc đi lại kiểm tra rất khó khăn. Thầy cô điểm chính đi hết các điểm trường mất cả tháng. Nhưng dù xa hay gần, thì cũng đói rách như nhau. Nhiều điểm bản, như Huổi Hu, bố mẹ còn nghiện ngâp tè le, nên con cái mặc kệ. Người Xinh Mun lại sống bản năng, vô lo vô nghĩ, làm ngày nào ăn ngày đấy theo thói quen du canh, du cư, nên tương lai các con rất ảm đạm.

IMG_0467 7

Chỉ có ngôi trường bán trú, nhà nước nuôi dưỡng, mới hy vọng cuộc đời 700 đứa trẻ ở Chiềng Sơ thay đổi. 

Theo quy định, nếu các con học ở điểm trường, sẽ không được nhà nước cấp gạo, thịt cho trường, nên các con sẽ bị đói. Nhưng Chiềng Sơ lại không nằm trong diện được nhà nước xây dựng trường bán trú, nên chỉ có cách, làm thế nào, để một ngôi trường “mọc lên” ở trung tâm xã, từ đó nộp hồ sơ đến Sở GĐ&ĐT, để 700 đứa trẻ cấp 1 ở 24 điểm trường, được cấp tiền, cấp gạo, được ăn học bán trú. Ở đây, các con sẽ có chỗ ở, chỗ học, và đặc biệt là có được miếng ăn, và chỉ chú tâm vào học hành, tách hẳn môi trường đói rách, thậm chí nghiện ngập của thế hệ ông bà cha mẹ. Chỉ có cách đó, cuộc đời của 700 đứa trẻ, và cả ngàn đứa trẻ sắp lớn lên ở vùng đất “sa mạc khô cháy” miền biên viễn này mới có cơ hội thay đổi.

Cả huyện đã vào cuộc. Tất cả các thầy cô, cán bộ lãnh đạo, thậm chí cả đồng chí bí thư huyện, đã đi xin xỏ khắp nơi, nhưng bao năm qua mới chỉ đủ tiền xây được 5 phòng học, mỗi phòng trị giá 50 triệu đồng. Chưa biết bao giờ, các thầy cô mới xin đủ được mười mấy phòng học, rồi dãy nhà bán trú, để những đứa trẻ vùng đất khô khốc, nghèo đói nhất nước này, có được chỗ ăn học, có được miếng ăn no bụng.

Báo Điện tử VTC News kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhóm từ thiện, hãy một lần đến Chiềng Sơ, để tìm hiểu cuộc sống của bọn trẻ.

Đêm ngủ ở vùng đất cổ người Lào từng sinh sống, với tháp Chiềng Sơ rêu phong nghiêng ngả, tôi mơ thấy lá cờ đỏ phấp phới, và ngôi trường khang trang, với 700 đứa trẻ Mông, Xinh Mun quàng khăn đỏ rực sân trường chào cờ trong bình minh rực rỡ...

Phạm Dương Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn