Việc Man United chi 25 triệu bảng để đem về Memphis Depay từ PSV Eindhoven khiến không ít người cho rằng đó là bản hợp đồng điên rồ.
Nhưng những đồng đội của Depay ở PSV lẫn tuyển Hà Lan lại coi anh là “Cristiano Ronaldo của Hà Lan”. Cá tính của cầu thủ 21 tuổi này được thể hiện qua dòng chữ “thành công” được xăm ở phần dưới của môi. Anh ta có phải là người thích phô trương? Depay chẳng hề lảng tránh câu hỏi đó: “Nếu bạn muốn gọi tôi như thế cũng chẳng sai”.
Depay luôn mong muốn trở thành cầu thủ số 1 thế giới |
Depay & luồng ý kiến trái chiều
Đó là câu chuyện diễn ra khi Depay tham dự World Cup 2014 trên đất Brazil. Dù còn khá trẻ, anh tỏ ra không hề ngán ngại áp lực lần đầu góp mặt ở một sân chơi lớn: “Tôi chẳng chịu áp lực nào, cũng không thấy hồi hộp. Áp lực có thể giúp gì cho tôi khi chơi bóng? Chẳng gì hết”.
Depay tỏ ra khá nhiệt tình khi nói về Louis van Gaal, người thầy sắp tới ở Man United: “Van Gaal đối xử với tôi theo khía cạnh của một con người. Ông quan tâm tới hoàn cảnh, suy nghĩ, tham vọng của tôi, những gì tôi thường làm lúc rảnh rỗi.
Ông có thể tỏ ra nghiêm khắc và đòi hỏi cao trên sân nhưng tôi cần mẫu HLV như thế. Ngoài đời, Van Gaal lại là một con người dễ gần”. Còn về người đồng đội, đồng hương Van Persie? Depay mô tả rằng không chỉ đơn thuần là một tấm gương, một thủ quân mà còn là một người bạn.
Trước khi chính thức là người của Man United, Depay từng được một đội bóng ở Premier League là Southampton tiếp cận, cùng với nhiều đội bóng khác. Erwin Koeman, trợ lý của HLV Ronald Koeman, mô tả về Depay: “Anh ta rất nhanh, mạnh và luôn khát khao ghi bàn. Sẽ là cơ hội tuyệt vời dành cho Depay để quen dần với bóng đá Anh ở một đội bóng trình độ thấp hơn như Southampton, với hai HLV đã quá hiểu rõ và tin tưởng vào anh ta. Đáng tiếc, Depay đã từ chối cơ hội ấy”.
Không phải lúc nào Depay cũng nhận được những nhận xét tích cực. Wim Kieft, cựu cầu thủ Ajax, PSV và đội tuyển Hà Lan, người từng làm việc với Depay khi còn trẻ, tỏ ra nghi ngờ về tinh thần của cầu thủ này. Kenneth Perez, cựu tiền vệ tấn công của Ajax và PSV, còn nghĩ rằng Depay là một cầu thủ điên rồ.
Depay đáp lại nhẹ nhàng những chỉ trích ấy: “Tôi đã đọc những gì họ nói. Tôi có thể nói gì? Họ chẳng biết gì về tôi cả”.
Video Depay ghi bàn vào lưới Chile ở World Cup 2014
Nuôi động lực từ tuổi thơ khốn khó
Khao khát được trở thành cầu thủ hay nhất thế giới của Depay đáng được cổ vũ thay vì chỉ trích. Anh sẵn sàng tỏ ra giận dữ, dù PSV đã giành thắng lợi và cầu thủ này cũng mang về một bàn thắng, chỉ vì một tình huống bỏ lỡ đáng tiếc của bản thân. Đó là lý do vì sao anh được gọi là “Cristiano Ronaldo của bóng đá Hà Lan”, dù anh vẫn tỏ ra hạnh phúc nếu một đồng đội lập công.
Hai HLV Dick Advocaat và Phillip Cocu đều đánh giá rất cao sự chăm chỉ của Depay. Advocaat cho biết: “Depay luôn là người rời sân tập muộn nhất. Cậu ta luôn cố gắng cải thiện năng lực bản thân, không ngần ngại tấn công bất cứ đối thủ nào. Cậu ta có mọi tố chất để trở thành cầu thủ đẳng cấp”.
Cocu chia sẻ suy nghĩ tương tự: “Depay không cần thời gian thích nghi cho bất cứ giải đấu nào. Kể cả không ghi bàn hay kiến tạo, cậu ta vẫn luôn là mối đe dọa cho bất cứ đối thủ nào”.
Quá trình trưởng thành của Depay không hề suôn sẻ. Lúc 4 tuổi, cha anh, một người Ghana đã bỏ rơi Depay cùng mẹ. Cuộc sống không hạnh phúc bên người bố dượng khiến anh trở thành một cậu bé ngỗ nghịch. HLV của Sparta, Kevin Valkenburg, phải thốt lên Depay là một chàng trai khó bảo.
Nhưng bước ngoặt đến với Depay khi anh chuyển sang PSV khi mới 12 tuổi. Đó là nơi anh gặp HLV Joost Leenders. Ông thôi thúc anh bằng những câu động viên hướng đến những người thân yêu nhất, đồng thời giúp Depay toàn tâm toàn ý cho bóng đá.
Ở Man United, Depay sẽ tái ngộ với một người thầy cũng nắm rất rõ con người anh: Van Gaal. Anh có những tố chất để tỏa sáng ở Old Trafford.
Nguồn: Thể thao văn hóa
Bình luận