Những năm đầu tiên của thế kỷ 21, người Anh sốc trước liên tiếp tấn bi kịch liên quan tới các trường hợp người Trung Quốc nhập cư bất thành vào xứ sở sương mù. Thảm kịch hôm 23/10 với 39 người thiệt mạng lại gợi nhắc về nỗi đau mà người dân đất nước tỷ dân đang cố tìm cách chôn chìm 20 năm qua.
Ngày 20/6/2000, thi thể của 58 người Trung Quốc được tìm thấy bên trong một container chở cà chua ở thành phố cảng Dover. 2 người cùng tới Anh trong container này may mắn sống sót nhờ có thêm dưỡng khí khi những người khác chết đi và dừng hô hấp. Cảnh sát cho biết các nạn nhân điên cuồng đập vào container trước khi tắt thở.
Thủ tướng Anh Tony Blair khi đó khẳng định sự kiện đau lòng này cho thấy sự cấp thiết trong việc dập tắt nạn buôn người ở Anh.
4 năm sau đó, một nhóm người nhập cư bất hợp pháp Trung Quốc dù đã vào được Anh vẫn không thể kéo dài cuộc sống khốn khổ ở nơi đất khách.
21 người đi cào thuê sò chết đuối ở vịnh Morecambe, Tây Bắc Anh vì không chạy kịp nước triều dâng. Các nạn nhân được cho là làm việc cho một tổ chức gọi là "đầu rắn", chuyên đưa lậu người Trung Quốc sang các nước phương Tây. Tổ chức này làm "kinh tế đen", kiếm tiền trên mồ hôi, sức lao động của những người nhẹ dạ mong muốn sang trời Tây để đổi đời.
Trong những năm sau đó, chủ đề di cư bất hợp pháp từ Trung Quốc sang Anh bị lu mờ bởi các khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc và sự gia tăng số người di cư và tị nạn từ Trung Đông và châu Phi.
Nhưng cách đây vài ngày, cảnh sát Anh tuyên bố tìm thấy thi thể 39 người ở thùng hàng chất trên chiếc xe tải đậu tại một khu công nghiệp ở Grays, Essex. Hôm 24/10, nạn nhân được xác định mang quốc tịch Trung Quốc.
Tin tức về thảm kịch kéo theo phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Hu Xijin, Tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo bức xúc đặt câu hỏi Trung Quốc đâu có nghèo hay chìm trong nội chiến mà nhiều người phải di cư bất hợp pháp sang Anh.
Đại sứ quán Trung Quốc tại London cho biết họ đọc báo cáo về cái chết của 39 người tại Essex trong một tâm trạng nặng nề.
"Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với cảnh sát Anh để làm rõ vụ việc và xác nhận các báo cáo có liên quan", Đại sứ Trung Quốc tại London Lưu Hiểu Minh viết trên Twitter.
Không có thống kê cụ thể về số công dân Trung Quốc sống "chui" ở Anh nhưng ước tính con số này lên tới hàng trăm nghìn. Nhiều người tới vì lý do chính trị, cũng có người đến vì nguyên nhân kinh tế.
Từ năm 2012, chính phủ Anh ban hành các chính sách mạnh tay nhắm vào người di cư bất hợp pháp từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc.
Mùa hè năm 2018, nhân viên nhà hàng tại một khu phố Tàu ở London tổ chức biểu tình rầm rộ chống lại các biện pháp này. Họ nói rằng pháp luật đang không được thực thi công bằng.
Nhưng các cuộc điều tra về người nhập cư bất hợp pháp Trung Quốc chỉ ra rằng nhiều công dân từ đất nước tỷ dân sau khi tới Anh bị bóc lột sức lao động thậm tệ. Sau thảm họa vịnh Morecambe, nhiều trong số này chỉ được trả 1 bảng Anh (gần 30.000 đồng) cho 1 ngày làm việc quần quật 9 giờ liên tiếp trong điều kiện nguy hiểm.
Cảnh sát Anh đổ lỗi cho các băng đảng "đầu rắn" đưa lậu người Trung Quốc vào Anh.
Lin Liang Ren, gã cầm đầu băng đảng để 21 người cào sò Trung Quốc chết chìm bị kết án 14 năm tù vì tội ngộ sát.
Sau khi các thi thể bị phát hiện trong thùng container ở Dover, tài xế Hà Lan cũng chịu mức án tương tự. Người sống sót sau thảm kịch này nói họ trả cho băng đảng 26.000 USD để qua Anh vì tin vào lời hứa hẹn sẽ đáp máy bay sang miền đất hứa.
Mặc dù giới chức Anh tăng cường hàng loạt các biện pháp để chặn nạn buôn người từ sau các thảm kịch này, nhưng cảng Purfleet, nơi phát hiện thi thể 39 công dân Trung Quốc không được trang bị công nghệ cần thiết để quét container.
Charlie Elphicke, một thành viên của Nghị viện Anh khẳng định đã đến lúc chấm dứt các thảm kịch này và chặt đứt các đường dây đưa lậu người vào Anh.
Bình luận