• Zalo

Giá xăng tăng dựng đứng, túi tiền người dân ngày càng vơi đi nhanh hơn

Tài chínhThứ Hai, 15/11/2021 15:26:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều chuyên gia cho rằng giá xăng liên tục tăng dựng đứng đã đánh thẳng vào túi tiền người dân và thêm gánh nặng chi phí lên doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc xăng dầu tăng phi mã trong bối cảnh kinh tế vừa trở lại hoạt động theo trạng thái bình thường mới sẽ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp và đời sống người dân.

Áp lực đè nặng nền kinh tế

Giá xăng tăng dựng đứng, túi tiền người dân ngày càng vơi đi nhanh hơn - 1

Giá xăng dầu liên tục tăng nóng tạo áp lực nặng nề lên nền kinh tế.

Chia sẻ với VTC News, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho biết xăng dầu là đầu vào của nhiều nhiều ngành kinh tế nên việc giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng khác trong thời gian tới.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, sức mua còn yếu, việc tăng giá này sẽ khiến quá trình hồi phục kinh tế chậm lại. Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay là nhanh chóng kìm hãm đà tăng của giá xăng để ngăn chặn những biến động tiêu cực của thị trường.

“Nền kinh tế đang bước vào giai đoạn đầu hồi phục, các hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu nối lại. Nhưng giá xăng dầu tăng quá cao sẽ đẩy chi phí đầu vào của hàng hóa, tạo gánh nặng chi phí doanh nghiệp, đánh thẳng vào túi tiền người dân, kéo giảm đà hồi phục của toàn nền kinh tế”, ông Long nói.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.

Giá xăng dầu tăng cũng tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.

Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ phải cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu và điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

“Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế”, ông Lâm nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh giá xăng dầu tăng cao như hiện này sẽ ảnh hưởng nhất định đến giá cả của một số hàng hoá và mặt bằng giá cả trong nền kinh tế quốc dân.

Theo đó, giá xăng dầu tăng sẽ có tác động trực tiếp đến khách hàng mua lẻ và các ngành vận tải, còn tác động gián tiếp là giá cả các mặt hàng, dịch vụ khác. Nguyên nhân do các ngành sản xuất và tiêu dùng đều cần đến nhiên liệu để vận hành máy móc, thiết bị và thông qua các khâu vận chuyển, nếu giá xăng tăng sẽ khiến giá chi phí nhiên liệu và chi phí vận chuyển tăng.

Cùng đó, giá xăng dầu tăng cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng khả năng lạm phát tăng cao trong những tháng cuối năm.

Tìm 'thuốc' hạ nhiệt giá xăng

PGS.TS Ngô Trí Long cho hay giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh hai “van” là thuế và quỹ Bình ổn giá (BOG). Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ BOG cạn kiệt, thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào “van” thuế.

Theo tính toán, hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường từ 3.800 - 4.000 đồng/lít. Nhưng trong số này, chỉ có thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm. Hiện thuế nhập khẩu đã ở mức thấp trong khi nghị quyết mới đây của Quốc hội về giảm thuế VAT cho các hàng hóa, dịch vụ thì mặt hàng xăng dầu không được đề cập đến.

Tuy nhiên, ông Long thừa nhận việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Thu thuế đối với mặt hàng nhiên liệu đóng vai trò rất lớn trong thu ngân sách.

“Rõ ràng là bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, ở nước ta xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do nhà nước quản lý giá. Giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo quy định Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu. Đồng thời, hai bộ cùng các doanh nghiệp nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng quỹ BOG xăng dầu.

"Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022", ông Lâm nói.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tăng trưởng. Do đó, nên dùng công cụ mà nhà nước đang quản lý để duy trì giá xăng dầu cho hợp lý, đó là giảm thuế nhập khẩu hoặc thuế bảo vệ môi trường.

"Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế đang cần phải phục hồi, nếu giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh sẽ kéo theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác. Đặc biệt lĩnh vực giao thông vận tải đang chịu tác động rất nặng của giá xăng dầu. Chúng ta phải xem lại những khoản gì để làm cho giá xăng dầu đội lên như thuế nhập khẩu, các khoản phí về kiểm soát... để cắt giảm nhằm ổn định giá xăng dầu", đại biểu Cường nói.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang), chính sách điều hành giá xăng dầu hiện nay cần đảm bảo sự minh bạch, phù hợp với thị trường và có thể xem xét điều chỉnh chính sách thuế hợp lý công bằng là cần thiết.

Ông Lâm đề nghị, để tạo dư địa cho phát triển, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thì chính sách thuế phí có thể tính đến việc điều chỉnh như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản phí.Tuy nhiên, vấn đề này cần phải được tính toán căn cơ, bài bản lâu dài chứ không phải chạy theo biến động thị trường. Bởi nếu chính sách biến động quá nhiều, có sự thay đổi và điều chỉnh nhiều thì có thể gây bất lợi đến việc đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn