Trên thị trường hiện nay, giá xăng E5 RON92 bán ra ở mức 20.340 đồng/lít, giá xăng RON95 bán ra ở mức 21.200 đồng/lít - mức thấp nhất từ tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giá mặt hàng xăng dầu còn có thể giảm hơn nữa, xuống dưới 20.000 đồng/lít nếu nhà điều hành không trích lập quỹ bình ổn giá.
Xăng dầu càng rẻ, doanh nghiệp càng đỡ khó
Trả lời VTC News, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội cho rằng giá xăng dầu hiện đã giảm bớt sức nóng, qua đó tạo điều kiện rất lớn cho ngành vận tải hồi phục, sau khi đã "ngắc ngoải" suốt hơn hai năm qua vì dịch bệnh COVID-19 và bão giá nhiên liệu.
"Giá xăng dầu giảm là cơ hội để phát triển kinh tế, giảm bớt áp lực lạm phát, là cơ hội để người dân ổn định cuộc sống, doanh nghiệp, nhất là ngành vận tải hồi phục và phát triển", ông Bằng nói.
Vì thế, việc giá xăng dầu tại các kỳ điều chỉnh vừa qua hụt mất cơ hội giảm nhiều hơn do nhà điều hành không trích lập quỹ bình ổn giá khiến nhiều doanh nghiệp và người dân thất vọng.
Theo đó, ở lần điều chỉnh giá gần nhất, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục trích lập quỹ bình ổn ở mức cao 300 đồng/lít với xăng E5 RON92, mức 400 đồng/lít với xăng RON95 và 800 đồng/lít với dầu diesel.
Hay tại hai kỳ điều hành trước đó, cơ quan điều hành lần lượt trích lập quỹ bình ổn với xăng E5 RON92 mức 300 đồng/lít và 250 đồng/lít, xăng RON95 mức 400 đồng/lít và 200 đồng/lít, dầu diesel mức 700 đồng/lít và 300 đồng/lít.
Tính chung cả 3 lần giảm giá liên tiếp, cơ quan điều hành đã trích tới 950 đồng/lít với xăng E5 RON92, trích 1.000 đồng với RON95 và trích 1.800 đồng với dầu diesel. Như vậy, nếu không tiến hành trích lập, giá xăng đã có thể giảm về dưới 20.000 đồng/lít.
"Xăng dầu trong nước giảm giá là do biến động đi xuống của giá dầu thế giới. Ngay thời điểm này mà cơ quan quản lý vẫn trích lập quỹ bình ổn giá là không hợp lý. Trong bối cảnh Chính phủ, Bộ ngành vẫn đang tìm cách hạ nhiệt giá xăng dầu, thúc đẩy phát triển kinh tế, giá xăng dầu càng giảm càng có lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng dễ thở hơn", ông Bằng nhấn mạnh.
Xăng dầu trong nước giảm giá là do biến động đi xuống của giá dầu thế giới. Ngay thời điểm này mà cơ quan quản lý vẫn trích lập quỹ bình ổn giá là không hợp lý.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Huy, phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp vận tải chuyên các tuyến Thái Bình - Hà Nội - Quảng Ninh, cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi giá xăng dầu không thể giảm sâu do nhà điều hành trích lập quỹ bình ổn giá. Theo ông Huy, doanh nghiệp ngành vận tải vừa trải qua 2 năm đại dịch và sự biến động tăng phi mã của giá nhiên liệu nên từ đầu năm đã rất "ốm yếu". Để giúp doanh nghiệp lấy lại phong độ, tiếp tục hồi phục, Nhà nước cần giảm giá nhiên liệu càng nhiều càng tốt.
"Việc trích lập ở mức cao với xăng, dầu khiến giá bán lẻ mặt hàng này trong nước không giảm mạnh như kỳ vọng. Điều này rất đáng tiếc, khi doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh với nguồn nhiên liệu giá rẻ, qua đó kích thích thúc đẩy sản xuất kinh doanh", ông Huy nói.
Nhiều người e ngại, trong trường hợp giá xăng dầu thế giới cao trở lại thì giá trong nước kết thúc chuỗi ngày giảm, đến lúc đó doanh nghiệp, người dân càng khó mua được xăng với giá rẻ.
Xăng không giảm sâu, người tiêu dùng bị thiệt
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) trước đó có văn bản cho rằng việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi hơn được lợi vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho quỹ. Từ đó, VINPA kiến nghị bỏ quỹ bình ổn giá để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Khi bỏ Quỹ quỹ bình ổn giá, tính minh bạch, công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
"Việc sử dụng quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu", văn bản của VINPA nêu.
Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh, quỹ bình ổn giá xăng dầu đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Diễn biến thị trường gần đây cho thấy quỹ BOG không còn phù hợp, nên cân nhắc việc tiếp tục duy trì hay để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
“Tôi không hiểu ai được lợi từ quỹ này. Người tiêu dùng thiệt, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng kêu. Khi doanh nghiệp và người dân nếu không được lợi gì từ việc trích lập và chi sử dụng quỹ BOG thì không nên duy trì quỹ”, ông Trinh thẳng thắn nói.
Ông Trinh cho rằng cần thiết phải có nghiên cứu đánh giá lợi ích từ việc trích lập và thực hiện quỹ quỹ bình ổn giá trong suốt thời gian qua với nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Theo TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), quỹ quỹ bình ổn giá đã tồn tại được hơn 10 năm, có những đóng góp nhất định đối với việc giảm bớt sự biến động của thị trường xăng dầu. Nhưng thực tế cho thấy, vai trò của quỹ quỹ bình ổn giá chỉ được thể hiện khi giá xăng dầu biến động ở phạm vi hẹp, trong thời gian ngắn. Nếu giá xăng dầu biến động mạnh, tăng giảm trong thời gian dài thì quỹ quỹ bình ổn giá gần như “hết phép”.
“Tôi cho rằng có thể mạnh dạn bỏ quỹ quỹ bình ổn giá với xăng dầu vì đến thời điểm này, duy trì quỹ không còn phù hợp, tác dụng can thiệp đến thị trường là rất nhỏ, không đáng kể”, chuyên gia nói.
24 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị bỏ Quỹ quỹ bình ổn giá xăng dầu
Tháng 8 năm nay, 24 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã gửi thư chia sẻ về tình hình hoạt động và kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc kinh doanh đến Bộ Công Thương, UBND TP.HCM và Sở Công Thương TP.HCM.
Trong văn bản, các doanh nghiệp này nêu 5 vấn đề bất cập trong điều hành xăng dầu và đặt câu hỏi: Tại sao phải trích quỹ bình ổn? Trích quỹ bình ổn kỳ này có đúng mục đích chính phủ đề ra không và có phục vụ tốt cho xã hội chưa? Tại sao để các cửa hàng bán lẻ tư nhân lỗ liên tục mà không được đóng cửa. Như vậy liệu có làm méo mó định nghĩa về tự do kinh doanh không?
Bình luận