Tâm lý chung của người tiêu dùng khi nghe tin giá xăng đắt nhất lịch sử đó là e ngại giá hàng hóa thiết yếu trong những ngày tới sẽ "tát nước theo mưa", tăng theo giá xăng dầu, tác động lớn đến chi tiêu hằng ngày. Không ít người đã tính đến phương án phải cân đối lại tài chính, thắt chặt chi tiêu hàng ngày.
“Thực tế cho thấy xăng dầu tăng giá chắc chắn sẽ khiến cái gì cũng tăng theo. Do vậy bây giờ mỗi lần đi chợ đều phải tính mua gì, không mua gì để hạn chế chi tiêu”, chị Đào Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.
Tương tự, anh Nguyễn Duy Cảnh, 32 tuổi, (Đống Đa, Hà Nội) cũng lo lắng, trong hai lần điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng chỉ tăng dưới 1.000 đồng/lít thế nhưng nhiều mặt hàng lập tức tăng giá mạnh. Ngay cả bát phở cũng đắt thêm khoảng 5.000 - 10.000 đồng/bát, với lý do mọi khâu vận chuyển nguyên liệu đều tăng.
Chưa kể, mỗi ngày anh Cảnh phải đi làm trên quãng đường dài khoảng 40 km (cả đi và về). "Nhìn số tiền tăng khi mua mỗi lít xăng thì thấy nhỏ. Nhưng nếu cộng dồn vào nhiều ngày, cùng với việc hàng hóa thiết yếu đồng loạt đắt lên thì chi phí của người dân sau khi giá xăng điều chỉnh là rất lớn", anh Cảnh nói.
Anh Minh Long (30 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) là nhân viên một quán hàng ăn uống. Trong năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh Long nghỉ nhiều hơn là đi làm, do quán ăn của anh phải đóng cửa theo quy định phòng chống dịch. Hoạt động trở lại trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thu nhập của anh rất khiêm tốn. Bởi vậy, nghe thông tin giá xăng ngày càng đắt đỏ, anh Minh Long nghĩ ngay đến cảnh tiền kiếm được không đủ chi tiêu, khi nhiều mặt hàng sẽ đắt đỏ theo. "Vừa đi làm chưa được bao lâu đã lại phải đón nhận thông tin này, thật đáng lo ngại", anh Long buồn bã.
Trong khi đó, “giới vận chuyển” cũng đang ngao ngán vì thu nhập của họ bị giảm ngay từ khâu "đầu vào".
“Vài ngày trước, đôi đổ đầy bình xăng xe máy hết khoảng hơn 50.000 đồng. Như vậy đã là cao hơn trước rồi, thế mà sau 3h chiều nay đổ đầy bình hết 60.000 đồng. Tôi thực sự cảm thấy lo lắng khi công việc chính của tôi là chạy xe ôm và nhận chở hàng hóa, thường xuyên phải di chuyển, xăng là nhiên liệu bắt buộc phải chi, không thể tiết kiệm được. Giờ xăng tăng giá, tiền công lại không thể tăng, thu nhập để mưu sinh chắc chắn sẽ bị co hẹp lại”, một tài xế xe ôm tại quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.
Tài xế này cho biết, giờ chỉ dám chọn một chỗ gần toà chung cư để chờ khách đặt xe chứ không dám đi lòng vòng tìm khách như mọi khi, để tiết kiệm xăng.
Còn các doanh nghiệp vận tải thì đau đầu tính giá cước. Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ thương hiệu xe Sao Việt) cho biết, khi giá xăng tăng liên tiếp và lập đỉnh lịch sử, dù tình hình doanh nghiệp đang rất căng thẳng song doanh nghiệp cũng không thể tăng giá cước vì lo sợ mất khách.
“Số xe hoạt động của cả doanh nghiệp hiện chỉ chiếm khoảng hơn 30%. Trong khi đó lượng khách thì vẫn còn thưa thớt do nhu cầu đi lại giảm vì chịu tác động của dịch bệnh. Doanh nghiệp làm ăn lâu dài như chúng tôi không thể vì xăng tăng mà tăng giá cước để chi phí dội thẳng lên đầu người tiêu dùng như vậy được”, ông Bằng nói.
Tuy nhiên, ông Bằng cho biết, doanh nghiệp đang rất khó khăn, khẩn thiết mong chờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước.
Còn ông Nguyễn Đàm Văn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Văn Minh (chủ thương hiệu vận tải Văn Minh) cho biết ban lãnh đạo đang họp gấp để bàn kế sách ứng phó. Mặc dù vậy, hiện doanh nghiệp này sẽ không tăng giá cước vận tải ít nhất là cho đến kỳ điều chỉnh giá xăng tiếp theo.
Nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng đang “kêu trời” bởi giá xăng tăng tựa như cú đấm trực diện vào nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp khi họ phải chi một nguồn tiền ngày càng lớn cho nhiên liệu mà vẫn không thể tăng giá cước vận tải. Bởi nếu tăng giá cước là sẽ mất khách, mất thị phần.
Từ 21/2 giá xăng dầu được điều chỉnh lên mức cao kỷ lục. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 lên 25.532 đồng/lít, tăng 961 đồng/lít so với giá trước đó; xăng RON95 lên 26.287 đồng/lít, tăng 965 đồng/lít.
Với mức tăng này, giá xăng RON95 vượt mức "đỉnh" vào tháng 7/2014 (26.140 đồng một lít) Trong khi đó, giá E5 RON92 chỉ thấp hơn mức "đỉnh" thời điểm này khoảng 110 đồng một lít.
Bình luận