Trước tình trạng giá xăng dầu tăng quá cao, Thủ tướng mới đây yêu cầu 2 bộ Công Thương và Tài chính tính toán đề xuất phương án giảm thuế nhằm giảm giá xăng dầu, báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.
Giảm thuế để hạ giá xăng
Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng là rất quyết liệt, kịp thời, đúng mong muốn của doanh nghiệp và người dân. Trong thời điểm cuộc chiến Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, giá xăng dầu thế giới có thể tiếp tục tăng thêm, tác động tiêu cực đến giá bán xăng dầu trong nước thì việc xem xét cắt giảm thuế xăng dầu là rất cần thiết.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, việc giảm thuế để bình ổn giá nhiên liệu sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, tăng nguồn thu về mặt lâu dài cho ngân sách nhà nước.
Hiện thuế nhập khẩu xăng dầu trong nước là 0 - 8%; thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% (xăng dầu không thuộc nhóm hàng giảm thuế); thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là 10% (không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại). Riêng xăng sinh học E5 có mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 8% và xăng E10 là 7%. Còn thuế bảo vệ môi trường đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định với xăng (trừ ethanol) là 4.000 đồng/lít; dầu diesel 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít.
Ngoài ra, mỗi lít xăng đang “cõng” thêm khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít và chi phí định mức 1.050 - 1.250 đồng. Như vậy, ước tính bình quân giá bán mỗi lít xăng đang chịu thuế, phí khoảng 42 - 43%, dầu 21 - 27%. Tức là với một lít xăng RON95 hiện nay hơn 26.300 đồng, người mua phải chịu từ 11.000 - 11.300 đồng tiền thuế, phí. Thuế, phí nhiều đang được coi là lý do giá xăng Việt Nam đang cao hơn nhiều nước.
“Do vậy, đã đến lúc nhà nước, liên bộ Tài chính - Công Thương phải cắt giảm các loại thuế, phí như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và trích lập quỹ bình ổn để giảm giá xăng dầu, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp”, ông PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam nói.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi: Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp giảm thuế, phí với nhiều ngành nghề khác, vậy sao không giảm với xăng dầu ngay lúc này?
“Phương án tối ưu nhất ở thời điểm này là giảm thuế bảo vệ môi trường", ông Doanh đề xuất.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, xăng dầu là một trong những yếu tố đầu vào cho hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, giá xăng tác động lớn đến sinh hoạt hàng ngày của tất cả các hộ gia đình, người dân Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, việc giữ cho các yếu tố đầu vào ổn định có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân.
“Trước sự biến động tăng nóng của giá xăng dầu hiện nay, nhà điều hành phải sớm có phương án điều chỉnh, nhằm làm giảm bớt tác động tiêu cực đến nền kinh tế”, TS Vũ Đình Ánh nói.
Còn chuyên gia Ngô Trí Long nêu quan điểm: "Trong 4 loại sắc thuế đang áp dụng với xăng thành phẩm, chỉ có thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm".
Trả lời báo chí ngày 16/2, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận, nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang, giả sử giá dầu thô vượt 100 USD/thùng thì ngoài việc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá thì phải tính đến công cụ khác là thuế phí.
“Nếu giá xăng dầu cao quá sẽ làm vô hiệu hoá một số công cụ, chính sách đang triển khai trong Chương trình phục hồi kinh tế, kể cả việc giảm thuế VAT 2%”, ông Đông nhận định và cho rằng phải tính đến sử dụng công cụ thuế phí khi Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn.
Tháng 3/2020, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu ở mức phù hợp.
Phương án tối ưu nhất ở thời điểm này là giảm thuế bảo vệ môi trường
TS Lê Đăng Doanh
Khi đó Bộ Công Thương cũng đánh giá tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu ở mức cao (khoảng 55-60% đối với mặt hàng xăng, 35-40% đối với mặt hàng dầu). Trong đó thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11-20% đối với mặt hàng dầu.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước trên thế giới, tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra trong nước đang thấp hơn mức bình quân chung. Các sắc thuế hiện áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế bảo vệ môi trường (không thu phí, lệ phí đối với xăng dầu) đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam.
Tuy vậy, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thuế và Vụ Chính sách thuế nghiên cứu để có giải pháp tối ưu nhất về thuế đối với mặt hàng xăng dầu để bình ổn giá mặt hàng này.
Hệ lụy từ giá xăng dầu "phi mã"
Trước hết có thể thấy, mỗi khi xăng dầu tăng giá mạnh, rất nhiều hàng hóa, dịch vụ khác cũng nhanh chóng tăng theo, đánh thẳng vào túi tiền người dân, nguy cơ tác động đến tăng trưởng GDP và gây ra áp lực lạm phát.
Theo khảo sát, giá nhiều loại rau củ quả đang tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp vận tải thì bắt đầu rậm rịch tăng giá cước để bù chi phí hoạt động. "Giá xăng quá cao, có thể tới đây, các doanh nghiệp vận tải sẽ đề xuất Sở GTVT các tỉnh điều chỉnh tăng giá cước”, anh Nguyễn Văn Hoài, nhà xe Khánh Thủy, chuyên chạy tuyến Mỹ Đình - Lai Châu nói.
Theo anh Hoài, khi xăng ở mức hơn 25.000 đồng/lít, trung bình mỗi chuyến 2 lượt (đi-về), nhà xe chi hết 11 triệu đồng cho hơn 500km đường bao gồm: phí lái, phụ xe, chi phí cầu đường, bến bãi chiếm khoảng 4,5 triệu, số tiền hơn 6,5 triệu còn lại dành cho xăng dầu. Nay xăng dầu tiếp tục tăng gần 1.000 đồng/lít càng khiến chi phí đội lên.
Ông Bùi Đăng Phương, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Tứ Phương (Nghệ An), thông tin, xăng dầu tăng đã đẩy giá thực phẩm đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp lên đến hơn 30% chi phí. Điều đáng lo ngại là kể từ sau Tết đến nay, sức mua yếu, trong khi giá đầu vào là thịt lợn, thị bò, giá nhân công, nhất là xăng dầu, cước vận chuyển liên tục tăng cao. Ngược lại hàng hóa bán ra lại phải kìm giá đang khiến doanh nghiệp như ngồi trên lửa vì lợi nhuận ngày càng giảm.
“Công ty đang phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không bị lỗ. Mấy tháng nay chúng tôi đều sản xuất, bán hàng không lợi nhuận. Hiện, phải lên phương án tăng giá để lấy thu bù chi”, ông Phương nói.
Giá xăng dầu tăng nguy cơ tạo ra cơn sốc về giá và kéo theo hàng loạt mặt hàng tăng theo, nguy cơ thiết lập mặt bằng giá mới, tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Trước sự biến động tăng nóng của giá xăng dầu hiện nay, nhà điều hành phải sớm có phương án điều chỉnh, nhằm giảm bớt tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
TS Vũ Đình Ánh
Hệ lụy của sự tăng giá đồng loạt nhiều loại hàng hóa sẽ đẩy nền kinh tế đối mặt với áp lực lạm phát, trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa trở lại và trên đà phục hồi kinh tế sau thời gian ảnh hưởng từ dịch bệnh.
"Giá xăng dầu tăng trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá hàng hoá tăng quá cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế", ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê (GSO) phân tích.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá, chính sách thuế đang triển khai, nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát. Điều này dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.
Giá dầu thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng
Ngày 24/2, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố về chiến dịch quân sự ở Ukraine, giá dầu tăng mạnh, vượt ngưỡng 100 USD/thùng.
Giá dầu thô Brent (được xem là tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới) đã chạm mức 100,04 USD/thùng. Giá dầu thô WTI thế giới đạt 95,54 USD.
Đây là lần đầu tiên tiêu chuẩn giá dầu thế giới Brent vượt mốc 100 USD kể từ tháng 9/2014.
Bình luận