Chiều nay 5/9 sẽ đến kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước (theo lịch là 1/9 nhưng do trùng với dịp nghỉ Quốc khánh 2/9, nên việc điều chỉnh được lùi lại). Dữ liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy giá xăng dầu trên thị trường Singapore giảm mạnh. Cụ thể, xăng RON92 giao dịch hôm 31/8 được ghi nhận ở mức hơn 97,31 USD, còn xăng RON95 là 100,1 USD/thùng, dầu diesel là 140,3 USD/thùng. Mức giá này so với ngày 22/8 giảm giá mạnh về xăng, song lại tăng cao so với dầu diesel.
Trong khi đó, trên trang Oilprice, giá dầu Brent chuẩn ở mức 93,02 USD/thùng, tăng nhẹ 0,66 USD; dầu WTI giao dịch mức 86,7 USD, tăng nhẹ 0,26 USD. Dù dầu thế giới tăng nhẹ, nhưng so với thời điểm ngày 1/9, giá dầu WTI và Brent giảm khá sâu, xấp xỉ 6 USD mỗi thùng.
Diễn biến này của giá xăng dầu thế giới khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng chiến lược này bất ngờ. Bởi trước đó (từ ngày 21 - 30/8) giá xăng tại thị trường Singapore tăng khá cao, dao động ở mức 108 USD/thùng đối với xăng RON92 và khoảng 111 - 115 USD/thùng đối với xăng RON95. Nhiều dự báo cho rằng, nếu kỳ điều hành diễn ra đúng ngày 1/9, giá xăng, dầu sẽ tăng mạnh. Việc kỳ điều hành rơi vào ngày nghỉ lễ nên phải lùi lại có thể khiến cho xăng có cơ hội đi ngang, thậm chí giảm giá.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu thế giới gần đây liên tục diễn biến thất thường. Do đó, dự báo việc điều chỉnh giá bán lẻ trong kỳ điều hành chiều nay sẽ rất khó khăn. Nguyên nhân giá xăng dầu thế giới tính đến ngày 1/9 có xu hướng tăng mạnh, nhưng nếu tính đến ngày 5/9 lại có xu hướng giảm với xăng.
"Trong kỳ điều hành tới, cơ quan quản lý chắc chắn sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu, nhất là mặt hàng dầu diesel. Tôi cho rằng giá xăng có thể đi ngang tăng nhẹ, dầu diesel tăng cao hơn. Tuy gần đây giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm nhưng nguyên tắc là tính bình quân giá cả chu kỳ. Dù vậy, mức giá thế nào còn tùy thuộc vào trích lập quỹ Bình ổn giá (BOG)", vị này nói.
Trước đó, vị này dự báo, với xu hướng hiện tại, giá xăng dầu được dự báo tăng khoảng 1.500 - 2.000 đồng/lít nếu điều hành diễn ra đúng ngày 1/9. Trường hợp quỹ BOG được nhà chức trách sử dụng thì mức tăng sẽ ít hơn.
Tại kỳ điều chỉnh trước đó 22/8, Liên bộ Công Thương - Tài chính giữ nguyên giá xăng và tăng giá các loại dầu. Theo đó, xăng E5 RON92 giữ nguyên mức 23.725 đồng/lít, xăng RON95 cũng đi ngang so với kỳ điều hành trước, ở mức giá 24.669 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 850 đồng/lít, giá bán không cao hơn 23.759 đồng/lít. Giá dầu hỏa là 24.056 đồng/lít (tăng 736 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sau thời gian tình hình giá xăng dầu thế giới bớt căng thẳng về nguồn cung, giá cũng giảm xuống, trong tuần vừa qua, nguồn cung lại khá căng, giá lại biến động tăng mạnh trở lại trong những ngày gần đây.
Trong nước, tháng 8 có 2,8 triệu m3 cả tồn kho gối đầu phải duy trì sang các tháng tiếp theo khoảng 1 - 1,3 triệu m3; nguồn tiêu thụ trong tháng khoảng 1,5-1,7 triệu m3.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chỉ đạo Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn 6 tháng cuối năm và kế hoạch đăng ký với Bộ là quý III sẽ sản xuất 3,9 triệu m3, chiếm 72% tổng nhu cầu; quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu.
Do đó, về cơ bản, lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
"Hiện nay, cả 2 nhà máy đều đang vận hành công suất tối đa. Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường. Về tồn kho, tồn kho xăng dầu từ tháng 7 chuyển sang là 1 triệu m3, đến ngày 25/8 dự kiến là 0,9 - 1 triệu m3. Về nhập khẩu, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu theo tiến độ được giao Nguồn cung từ trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng và hoạt động sản xuất", ông Trần Duy Đông thông tin.
Bình luận