Theo quan sát của PV VTC News, tại các cây xăng trên đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy) lượng xe máy và ô tô đến đổ xăng rất đông. Chị Thùy Dương (ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) nói, trước thông tin dự báo ngày 1/9 tới, giá xăng dầu sẽ tăng giá, cùng với việc nhiều cây xăng khan hàng, chị đã tranh thủ đổ đầy bình trước kỳ nghỉ lễ 2/9.
Anh Nguyễn Hải An, nhân viên cây xăng trên đường Dương Đình Nghệ, cho biết từ giữa giờ chiều, phương tiện dồn đến đổ xăng bắt đầu đông. Sau giờ tan ca chiều, thì bắt đầu đông hẳn.
"Giá xăng có khả năng sẽ tăng, lại sắp nghỉ lễ 2/9, nên từ chiều hôm nay, cửa hàng phải huy động thêm nhân viên để thay ca, kịp thời phục vụ người dân”, anh An nói.
Anh Đỗ Mạnh Hải, tài xế taxi Grap cho biết, mấy hôm nay thấy thông tin giá xăng nhiều khả năng sẽ tăng thêm nên đã chuẩn bị mua đầy bình xăng.
"Làm nghề như chúng tôi, sợ nhất là giá xăng tăng. Xăng tăng đồng nào là chúng tôi cũng giảm thu nhập chừng ấy. Nên anh em tôi bảo nhau tranh thủ từng ngày. Nhân lúc xăng chưa lên phải đổ thật đầy bình. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Giờ cái gì cũng tăng, chạy xe cũng không còn nhiều khách như trước, nên tôi phải tiết kiệm chắt chiu từng lít xăng khi chạy..", anh Hải bộc bạch.
Ghi nhận tại nhiều cây xăng trên địa bàn TP.Hà Nội, lượng người đến đổ xăng tăng đột biến. Hầu hết đều lý giải, phần vì sợ tăng giá, phần nữa sợ các cây xăng đóng cửa do khan hàng.
Hai hôm nay, tại địa bàn Hà Nội cũng có lác đác một vài cây xăng nghỉ bán hàng. Một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu than rằng, với mức chiết khấu 100 - 150 đồng/lít như hiện nay và sự khan hiếm nguồn cung, họ càng làm càng lỗ. Thêm vào đó, giá xăng dầu thế giới tăng giảm thất thường nên các đầu mối cũng hạn chế nhập hàng.
Anh Đỗ Khánh - chủ một đại lý bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội - cho hay, mức chiết khấu đối với xăng, dầu hiện nay 100 - 150 đồng/lít trong khi chi phí vận tải, kho bãi, nhân viên, điện nước... cao nên việc nhận xăng tại kho bị lỗ nặng.
Cũng theo anh Khánh, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang rơi vào thế khó khi bị đứt nguồn cung. Đại lý của anh nếu lấy được xăng dầu đến cửa hàng thì bị âm 150 đồng/lít tiền vận chuyển từ kho ở Hải Phòng về, chưa kể tiền nhân công, điện, nước...Đặc biệt, muốn nhập được hàng, anh Khánh phải báo trước 2 ngày nhưng chưa chắc có hàng.
Trong khi đó, lý giải điều này, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối nhập hàng về cũng bị lỗ nên giá bán buôn buộc phải cao hơn cả giá bán lẻ từ 2.500 - 2.700 đồng/lít, hoặc giảm nhập hàng vào, nên các đại lý phải chấp nhận mức "chiết khấu âm" hoặc không mua được hàng.
Bộ Công Thương lập khẩn 3 đoàn công tác kiểm tra thị trường xăng dầu
Ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Đoàn công tác có nhiệm vụ kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu bao gồm cả thương nhân, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu…
Tuy nhiên, theo ông Diên, quá trình kiểm tra, các đoàn công tác không được gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hoạt động bình thường, chấp hành đúng pháp luật, chỉ tập trung vào những đơn vị làm không đúng, có dấu hiệu vi phạm, thoái thác nhiệm vụ, nghĩa vụ cung ứng xăng dầu.
Hoạt động của các đoàn công tác không chỉ thể hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước tới lĩnh vực kinh doanh xăng dầu mà thông qua việc thực hiện giám sát để “truy” gốc rễ vấn đề, từ có có những giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng giao cho Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các địa phương phối hợp với các đoàn công tác, xử lý nghiêm minh các sai phạm.
"Hiện chúng ta khẳng định là không thiếu nguồn thì tại sao lại không có nguồn, đến cửa hàng thì phải đi vào tận nơi để làm cho rõ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bình luận