• Zalo

Giá vật liệu xây dựng 'trên trời', khách ngại làm nhà vì phí đội cao

Thị trườngThứ Sáu, 22/10/2021 14:42:38 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều chủ thầu tính toán, với việc giá vật liệu tăng khoảng 20 - 30% thì phí xây dựng công trình sẽ tăng ít nhất 15-20%, nguy cơ mất khách là đương nhiên.

Gần đây, giá các loại vật liệu xây dựng liên tục tăng khiến giới chủ thầu công trình đau đầu. Không ít khách hàng ngần ngại xây nhà lúc này khi chi phí xây dựng bị đội lên quá cao và có tâm lý chờ "cơn sốt" này hạ nhiệt.

Theo Anh Trần Đình Trọng, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), so với thời điểm trước giãn cách xã hội do đợt dịch COVID-19 thứ 4, giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng khoảng 20 - 30%. Còn tính từ thời điểm đầu năm 2021, giá vật liệu xây dựng đã tăng lên khoảng 40 - 45%. Trong đó, sắt tăng dữ dội nhất. Giá sắt đã tăng khoảng 35% so với trước dịch và tăng khoảng hơn 45% so với đầu năm.

Anh Trọng cũng cho biết thêm, dù lên giá nhưng các loại vật liệu xây dựng thô không khan hiếm. Tình trạng này chỉ xảy ra với những vật liệu nhập ngoại, phục vụ phần hoàn thiện như gạch ốp lát, sơn…

Sau một thời gian hạ nhiệt, đến nay giá thép lại đồng loạt tăng, các doanh nghiệp điều chỉnh lên mức khoảng 16.000 -18.000 đồng/kg tùy từng thương hiệu…Cụ thể, tính từ đầu tháng 10, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại miền Bắc tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg; thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg.

Với thương hiệu thép Thái Nguyên tại miền Bắc, thép CB240 tăng 860 đồng/kg, lên mức 17.200 đồng/kg, thép D10CB300 tăng 260 đồng, lên mức 17.260 đồng/kg.

Thép cuộn CB240 thương hiệu Việt Đức tại miền Bắc cũng tăng thêm 250 đồng/kg, lên 16.950 đồng/kg; thép D10 CB300 tăng 200 đồng/kg, lên 17.200 đồng/kg.

Trong khi đó, đến khoảng cuối tháng 10, giá các sản phẩm xi măng tăng 5 - 7% tùy từng khu vực và chủng loại. 

Giá vật liệu xây dựng 'trên trời', khách ngại làm nhà vì phí đội cao - 1

Giá thép lại tăng nhẹ sau đợt sốt nóng cách đây chưa lâu. (Ảnh: Thy Huệ).

Tại TP.HCM, giá thép từ các cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng nhỏ lẻ đến các công ty lớn đều có sự biến động rõ rệt theo từng ngày. Đại diện Công ty TT (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: "So với trước đợt dịch thứ 4, giá thép hiện vẫn tiếp tục tăng nhẹ, dù mới trải qua một đợt sốt rất mạnh trước đó không lâu. Theo tôi, từ giờ đến cuối năm giá thép có thể vẫn tiếp tục tăng nhưng không nhiều".

Cụ thể, thép cuộn P06 thời điểm tháng 1 chỉ ở mức 15.260 đồng/kg, nhưng theo bảng giá mới nhất doanh nghiệp vừa công bố, hiện giá loại thép này đã tăng lên 16.500 đồng/kg. Giá thép cuộn P08 - P28, thép vằn D12-D32... cũng tăng khoảng 500 đồng - 1.000 đồng/kg.

Tương tự, nhân viên cửa hàng bán lẻ sắt thép Vương Triều (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, sản phẩm của cửa hàng chủ yếu là thép Hoa Sen, thường bán lẻ. Đầu năm, giá thép xây dựng Hoa Sen chỉ ở mức 17.000 đồng/kg, đến tháng 6 tăng lên 23.500 đồng/kg và hiện đang ở mức 24.000 đồng/kg. "Thép Hoa Sen là loại rẻ nhất trên thị trường. Có những loại tổ hợp khác lên đến 27.000 đồng/kg", nhân viên này nói.

Việc giá nhiều loại vật liệu nối nhau tăng không ngừng nghỉ khiến giới xây dựng đau đầu.

Ông Vũ Huy Hân, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư xây dựng và công nghệ Hoàng Phát ước tính giá vật liệu xây dựng cứ tăng 20-30% thì giá xây dựng công trình sẽ tăng khoảng 15-20%. Hiện tại, chi phí xây dựng công trình tăng khoảng 15 - 20% so với thời điểm trước giãn cách.

“Chẳng hạn nếu khách hàng cần hoàn thiện mặt bằng rộng khoảng 30m trên cốt nhà sẵn có, trước kia tổng chi phí dự kiến khoảng 100 triệu đồng thì ở thời điểm hiện tại là khoảng là 115 - 120 triệu đồng”, ông Hân nói.

Vật liệu lên giá kéo theo chi phí xây dựng công trình cũng tăng lên. Điều này khiến công ty của ông Hân gặp nhiều khó khăn trong khâu chốt khách. Không ít khách hàng tỏ ra băn khoăn và có tâm lý nghe ngóng, chờ nguyên vật liệu xuống giá mới đầu tư thi công.

Tuy nhiên, theo ông Hân, giá vật liệu xây dựng cũng như chi phí thi công, hoàn thiện các công trình không những không giảm xuống mà còn có xu hướng tăng lên. “Từ giờ đến cuối năm, nhu cầu xây dựng sẽ tăng cao, các đơn vị xây dựng thi công sẽ có nhiều đơn hàng cần hoàn thiện. Trong khi nhân công có hạn dẫn đến việc giá nhận thầu sẽ bị đẩy lên cao, hoặc người ta cứ nhận công trình nhưng không thể hoàn thành đúng tiến độ thì chủ nhà sẽ tốn thêm thời gian và tiền bạc”, ông Hân nhận định.

Đại diện một nhà thầu khác chuyên xây dựng và hoàn thiện nội, ngoại thất ở Hà Nội cũng cho biết, giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến việc đàm phán, ký kết hợp đồng với khách hàng diễn ra không thuận lợi.

“Có những hợp đồng đã đàm phán xong nhưng phải chờ giãn cách. Khi hết giãn cách, khách hàng lại không ký nữa vì chi phí bị tăng lên khoảng 20%. Chúng tôi cũng không thể hạ giá thầu bởi không chỉ vật liệu xây dựng tăng mà giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác ví dụ như xăng, nhân công cũng tăng, kéo theo các khoản chi phí khác đội lên. Nếu hạ giá thầu thì chỉ có lỗ nặng”, vị này chia sẻ.

Công Hiếu - Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn