• Zalo

Giá tiêu hôm nay 18/9: Tiếp tục giảm, thấp nhất ở mức 64.500 đồng/kg

Thị trườngThứ Bảy, 17/09/2022 20:03:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Giá tiêu trong nước hôm nay tiếp tục ghi nhận giảm nhẹ, dao động ở mức 64.500 - 67.500 đồng/kg.

Cập nhật diễn biến giá tiêu hôm nay

+ Giá tiêu trong nước

Giá tiêu trong nước hôm nay ghi nhận giảm nhẹ 500 đồng/kg tại 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Gia Lai, về mức 64.500 - 67.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 18/9: Tiếp tục giảm, thấp nhất ở mức 64.500 đồng/kg - 1

Giá tiêu trong nước hôm nay dao động trong khoảng 64.500 - 67.500 đồng/kg. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ghi nhận ở mức 67.500 đồng/kg, giảm 500 đồng so với 1 ngày trước và vẫn là địa phương có giá tiêu cao nhất cả nước.

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay giao dịch ở mức 66.000 đồng/kg, không có thay đổi so với hôm qua.

Tại Bình Phước, giá tiêu được thu mua với mức 67.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai ở mức 66.000 đồng/kg.

Mức giá tiêu thấp nhất cả nước được ghi nhận tại tỉnh Gia Lai là 64.500 đồng/kg, giảm 500 đồng so với phiên giao dịch liền trước.

Địa phương Giá (đồng)Thay đổi so với 1 ngày trước (đồng)
Bà Rịa - Vũng Tàu67.500- 500
Bình Phước67.000-
Đắ k Lắ k66.000-
Đắ k Nông66.000-
Đồng Nai66.000-
Gia Lai64.500- 500

+ Dự báo giá tiêu

Bước vào đầu vụ năm nay, tất cả đều hy vọng một vụ mùa thắng lợi về giá. Doanh nghiệp lạc quan với mức tăng trưởng, giá được nhận định có thể đến mức 100.000 đồng/kg trong cuối năm nay. Đơn cử, có ý kiến cho rằng khi vụ thu hoạch cũ đã qua, vụ mới chưa đến, thị trường khan hiếm hàng cho xuất khẩu càng củng cố thêm cho kỳ vọng giá tiêu tăng lên 100.000 đồng/kg vào cuối năm.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2022 chỉ còn khoảng 3 tháng, giá tiêu liên tục giảm, trong khi giá USD tăng cao. Từ nay đến cuối năm dự kiến còn ít nhất 2 lần điều chỉnh lãi suất của Fed nữa. Không chỉ vậy, xung đột giữa Nga - Ukraine cộng với tình hình dịch COVID-19 bùng phát khiến lạm phát tăng cao trên toàn cầu. Với bối cảnh như thế, bức tranh của ngành hồ tiêu cuối năm nay không thể tích cực như dự tính.

Thực tế, hiện này đang ở giai đoạn "vụ thu hoạch cũ đã qua, vụ mới chưa đến", nhưng cũng không thiếu hàng xuất khẩu. Giới đầu cơ, các doanh nghiệp lớn đã tranh thủ ôm lượng hàng lớn để xuất khẩu nhờ các đợt giảm giá vừa qua. Nguồn cung từ Brazil, Indonesia cũng rất đầy đủ. Nhìn chung ngành hàng đang chờ vào “ánh sáng le lói" là tình hình tài chính chung của thế giới khởi sắc, cộng với 30.000 - 40.000 tấn hồ tiêu xuất sang Trung Quốc như dự tính hàng năm.

Do đó đến thời điểm hiện tại, niềm tin sự hồi phục nhẹ của thị trường trong giai đoạn cuối năm được xem là lạc quan nhất, chứ mốc 100.000 đồng/kg coi như xa vời.

Cập nhật tình hình về giá hồ tiêu thế giới

Từ đầu tuần, giá hồ tiêu nội địa liên tục điều chỉnh giảm với biên độ ngắn. Thị trường tiếp tục đứng trước lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay nâng lãi suất tại phiên họp điều hành vào tuần tới ngày 20-21/9 tới.

USD mạnh cũng khiến giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm trong vòng 1 tháng qua. So với thời điểm 15/8, giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam đã bị Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế niêm yết giảm tới 400 USD/tấn, hiện chỉ còn 3.350 USD/tấn; với tiêu trắng giảm 300 USD/tấn, còn 5.300 USD/tấn.

Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong thời gian tới giá hồ tiêu trên thế giới có thể không đổi hoặc giảm nhẹ do vụ mùa của Brazil được kỳ vọng đạt sản lượng tốt, trong khi nhu cầu vẫn yếu trong giai đoạn nửa cuối năm theo chu kỳ. Thêm vào đó, căng thẳng tại Đông Âu kéo theo giá năng lượng và tình trạng lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, nhu cầu không nhiều gây áp lực không nhỏ lên giá càng gia tăng.

Đặc biệt, việc Trung Quốc vẫn kiên trì với chính sách Zero COVID sẽ khiến cho nhu cầu nhập khẩu của nước này chưa đạt mức như kỳ vọng. Mặc dù nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng trở lại nhưng đó có thể không phải hàng mới mà là lượng hàng có sẵn ở cửa khẩu. Giá khó có thể tăng nếu sức mua của Trung Quốc vẫn thấp.

Sự trì hoãn các lịch trình vận tải do tắc nghẽn cảng ở châu Âu cũng là một thách thức lớn. Tình trạng thiếu chỗ và thiếu container vẫn còn căng thẳng, đặc biệt là đối với các nước xuất khẩu của Đông Nam Á. Để tránh giao hàng chậm trễ, các chủ hàng có xu hướng đặt chỗ các tuyến trực tiếp.

Thành Lâm
Bình luận
vtcnews.vn