Giá tiêu hôm nay 10/9: Giá tiêu trong nước giảm

Thị trườngThứ Sáu, 09/09/2022 20:00:00 +07:00
(VTC News) -

Giá tiêu hôm nay giảm 500 - 1.000 đồng so với hôm trước, dao động ở mức 66.000 - 69.000 đồng/kg.

Cập nhật diễn biến giá tiêu hôm nay:

+ Giá tiêu trong nước

Giá tiêu hôm nay có sự thay đổi sau khi trải qua 6 ngày liên tiếp đi ngang, tại các địa phương đều ghi nhận mức giảm 500 - 1.000 đồng/kg, dao động trong mức 66.000 - 69.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 10/9: Giá tiêu trong nước giảm - 1

Giá hồ tiêu hôm nay giảm sau chuỗi ngày liên tiếp đi ngang. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, tại Bà Rịa Vũng Tàu giá tiêu đang được thương lái thu mua ở mức 69.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay điều chỉnh giảm 500 đồng/kg xuống còn 67.000 đồng/kg.

Tại Gia Lai giá tiêu cũng giảm 500 đồng/kg, dao động quanh mốc 66.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 66.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Tại Bình Phước, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 67.500 đồng/kg, giảm mạnh 1.000 đồng/kg, mức giảm cao nhất cả nước.

Địa phươngGiá (đồng)Thay đổi so với 1 ngày trước (đồng)
Bà Rịa - Vũng Tàu69.000- 500
Bình Phước67.500- 1.000
Đắ k Lắ k67.000- 500
Đắ k Nông67.000- 500
Đồng Nai66.500- 500
Gia Lai66.000- 500

+ Vì sao giá tiêu trong nước giảm

Hiện Cộng đồng Hồ tiêu thế giới niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam tương ứng 3.450 USD/tấn tiêu đen và 5.300 USD/tấn với tiêu trắng. Tháng 8/2022 giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt khoảng 4.003 USD/tấn, giảm 5% so với tháng 7/2022, tăng 6,1% so với tháng 8/2021.

Giá tiêu trắng Việt Nam tuần vừa qua đi ngang trong khi các loại tiêu khác tiếp tục đi xuống trong 3 tuần qua khi Việt Nam tổ chức lễ Quốc khánh 2/9.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp về thị trường hồ tiêu, có thể thấy hoạt động xuất khẩu tiêu các tháng cuối năm đang giảm dần. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng lên giá hạt tiêu trong nửa cuối năm 2022. Theo đó, nguồn cung từ Brazil đạt sản lượng tốt, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại theo chu kỳ hàng năm. Căng thẳng chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, áp lực lên giá càng gia tăng.

Chuyên gia nhận định, các nước nhập khẩu hồ tiêu đang xả hàng tồn kho mà họ đã nhập khi giá thấp trước đây chứ không mua mới. Trên cơ sở đó có thể nhận định nguồn cung không thiếu.

Vụ thu hoạch tại Brazil, Indonesia vừa kết thúc, mấy tháng nữa sẽ tới vụ thu hoạch mới của Việt Nam. Nguồn cung được bổ sung liên tục sẽ là áp lực lớn cho việc tăng giá hồ tiêu những tháng cuối năm.

Cập nhật tình hình về giá hồ tiêu thế giới

Kết quả khảo sát ngày 7/9 (giờ Việt Nam) ghi nhận giá tiêu đen Lampung (Indonesia) ở khoảng 4.146 USD/tấn, tăng 9 USD; Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 khoảng 2.900 USD/tấn, giảm 50 USD; Giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA ở mức khoảng 5.900 USD/tấn, đi ngang; Giá tiêu trắng Muntok giao dịch trong khoảng 6.514 USD/tấn, tăng 15 USD; Giá tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức hoảng 7.600 USD/tấn.

Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thị trường tuần trước (29/8 - 2/9) có xu hướng trái chiều khi duy chỉ có tiêu Ấn Độ tăng. Cụ thể giá tiêu Ấn Độ tăng tuần trước sau 2 tuần đi ngang không đổi. Trong khi cũng tại khu vực Nam Á, Sri Lanka có giá tiêu nội địa tiếp tục giảm trong 3 tuần qua.

Còn tại Đông Nam Á, Indonesia có giá tiêu tiếp tục giữ nguyên trong 3 tuần qua. Giá tiêu nội địa và quốc tế của Malaysia đi ngang do nước này đang diễn ra lễ Quốc khánh ngày 31/8/2022.

Theo số liệu từ Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Stat), trong tháng 7 lượng xuất khẩu hồ tiêu của nước này đạt 5.770 tấn, giảm 23% so với tháng trước, tăng mạnh 62,2% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 7 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu của Brazil được 45.692 tấn hồ tiêu, trị giá hơn 183 triệu USD, giảm 11,6% về lượng nhưng tăng 25,8% về trị giá so với cùng kỳ. Nhìn chung, trong 7 tháng đầu lượng xuất khẩu hồ tiêu của Brazil sang nhiều thị trường có báo cáo sụt giảm như Mỹ giảm 41,5%, Đức giảm 33,7%, Ai Cập giảm 55,5% và Pakistan giảm 65,6%...

Tuy nhiên, xuất khẩu tiêu của Brazil sang Việt Nam bất ngờ tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên mức kỷ lục 9.249 tấn. Qua đó đưa Việt Nam trở thành nước nhập khẩu tiêu lớn nhất của Brazil, chiếm 20% thị phần xuất khẩu của nước này.

Theo quy định, nếu muốn xuất khẩu tiêu vào châu Âu, Brazil cần phải có giấy chứng nhận chất lượng và bắt buộc qua kiểm tra tại cảng xuất khẩu, chủ yếu là để phát hiện vi khuẩn Salmonella.

Nhưng do khả năng khử trùng của Brazil còn nhiều hạn chế nên để tránh chi phí phụ trội nếu bị từ chối, các nhà xuất khẩu đã vận chuyển tiêu đến các điểm đến khác. Bằng cách này, rất nhiều tiêu đen được chuyển đến Việt Nam, nơi có công nghệ chế biến hiện đại để xử lý thêm trước khi tái xuất sang châu Âu.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng là thị trường nhập khẩu khá nhiều tiêu của Brazil. Đây là một trong những nước chế biến tiêu hàng đầu với khối lượng 3.395 tấn, tăng 37,1% so với cùng kỳ.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm nay, đã có đến 41 lô hàng hồ tiêu của Brazil bị phát hiện nhiễm vi khuẩn Salmonella và bị cảnh báo tại châu Âu.

Thành Lâm
Bình luận
vtcnews.vn