Sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng từ mức cao kỷ lục 32.870 đồng/lít đã giảm gần 10.000 đồng, về mức hơn 23.000 đồng/lít. Quá trình hạ giá xăng dầu đã diễn ra khoảng 1,5 tháng nay nhưng hiện tại, một số mặt hàng mới bắt đầu giảm giá nhỏ giọt. Còn lại, hầu hết mặt hàng thiết yếu vẫn "cố thủ" đứng im, cước taxi thì chỗ giảm chỗ không.
Nhận định về thực trạng này, nhiều chuyên gia nêu quan điểm: Nếu tiểu thương, doanh nghiệp cố tình, chây ỳ không chịu giảm giá hàng hóa theo xăng dầu là đang làm ăn thất đức, có tội với người tiêu dùng.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, người dân vốn rất quan tâm đến giá xăng dầu, vì biết đây là mặt hàng tác động đến giá của rất nhiều mặt hàng thiết yếu. Bởi thế, tâm lý thông thường là khi giá xăng tăng, người dân rất lo mặt bằng giá hàng hóa tăng theo. Còn khi giá xăng dầu giảm, ai cũng mong mỏi giá các mặt hàng, dịch vụ nhanh chóng giảm theo. Vì thế, nếu doanh nghiệp hay tiểu thương cố tình găm giá, chây ỳ không chịu giảm giá các sản phẩm, dịch vụ là đi ngược lại sự mong chờ đó, đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người dân.
“Cá nhân tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến giá nhiều hàng hóa, dịch vụ không giảm là do nhiều tiểu thương, doanh nghiệp có tư duy "con buôn", càng có lợi ích nhiều thì họ càng phải duy trì để bảo vệ lợi ích của họ chứ không chú trọng đến lợi ích của người tiêu dùng, của cộng đồng. Đó chính là vấn đề đạo đức trong sản xuất, kinh doanh”, ông Phú nói.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia cho rằng: "Nếu thực sự có đủ điều kiện để hạ giá sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp, tiểu thương không chịu giảm, cứ nhìn nhau để găm giá, đẩy bất lợi về phía người tiêu dùng thì đó là kiểu làm ăn thất đức, thậm chí là có tội, cần bị vạch trần và xử phạt công khai, mạnh tay".
Chuyên gia này bày tỏ sự bất bình khi giá hàng hóa leo thang nhanh chóng mỗi lúc giá xăng dầu tăng, nhưng khi giá xăng dầu giảm thì hàng hóa lúc nào cũng thờ ơ, án binh bất động, với hàng loạt lý do được viện dẫn. "Tại sao khi tăng giá hàng hóa và dịch vụ, doanh nghiệp hay tiểu thương chỉ cần giải thích ngắn gọn là do giá xăng tăng, nhưng khi giá xăng giảm mà không chịu hạ giá hàng hóa thì họ lại đưa ra hàng loạt lý do? Theo tôi, đấy chỉ là cách hợp thức hóa cho kiểu kinh doanh tự phát, ăn xổi và thiếu đạo đức của họ", vị này nói thêm.
TS kinh tế Bùi Kiến Thành nêu nhận xét, ở Việt Nam chưa thực sự có nền kinh tế thị trường một cách đúng mức, mà thị trường ở Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp, tư thương, tiểu thương. Lẽ ra, người tiêu dùng sẽ phải là người làm chủ cuộc chơi và được hưởng dịch vụ hàng hoá đúng với chất lượng, giá cả phù hợp. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng dường như bị lép về và quyền quyết định giá thuộc về các doanh nghiệp, tiểu thương.
“Bản chất của các tiểu thương, doanh nghiệp là nhà kinh doanh, mà đã là kinh doanh thì phải có lãi, càng lãi nhiều sẽ càng đem lại lợi ích nhiều. Tuy nhiên theo tôi dù kinh doanh như thế nào thì cũng phải chú trọng đến thị trường, đến quyền lợi của người tiêu dùng. Cụ thể là các doanh nghiệp, các thương nhân phải cân nhắc, tính toán xem giá hàng hóa thiết yếu tăng quá cao như hiện nay có làm méo mó thị trường hay không, có làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng trong nước với hàng hóa nhập khẩu hay không, từ đó phải tính toán một cách cụ thể để có sự điều chỉnh giá cả hàng hóa cho phù hợp”, ông Thành nói.
Còn theo TS Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV, giá xăng dầu giảm, nhưng hàng hóa chưa giảm vì có độ trễ nhất định. Thông thường, các doanh nghiệp tính toán giá xăng dầu giảm, nếu họ giảm ngay giá mặt hàng thì lại sợ sau này tăng lên lại cực kỳ khó, người dân có khi lại phản đối, không đồng tình.
Tuy nhiên, ông Lực nhấn mạnh: "Đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, phải điều chỉnh ngay".
Nói về trách nhiệm điều chỉnh giá hàng hóa, sản phẩm cho phù hợp khi giá xăng dầu giảm, đại diện nhiều doanh nghiệp lý giải do xăng dầu chiếm không hoàn toàn quyết định cơ cấu giá thành, nhưng thừa nhận có tình trạng "tát nước theo mưa", "tăng rồi khó giảm" từ người bán hay tình trạng "chờ nhau giảm giá" giữa các doanh nghiệp. Chính điều này cũng ảnh hưởng đến uy tín của những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng) cho biết, từ đầu năm đến nay nhiều sản phẩm phục vụ nuôi tôm tăng liên tục, từ 25 đến hơn 40% so với cuối năm 2021. Tình hình này đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá đầu ra của sản phẩm chăn nuôi.
Mặc dù vậy, ông Phục phản đối việc một số doanh nghiệp cố tình găm giá, nâng giá, giữ giá là sự vô trách nhiệm, vô đạo đức trong kinh doanh và cần phải ngăn chặn, xử lý triệt để. Nếu cơ quan Nhà nước, các bộ ngành không sớm can thiệp để điều tiết thì chắc chắn giá hàng hoá, dịch vụ chỉ có tăng mà không giảm. Còn nếu doanh nghiệp, tư thương không sớm điều chỉnh hành vi của mình thì chắc chắn cũng đánh mất uy tín, thương hiệu vì người tiêu dùng ngày càng biết bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Vào cuộc làm rõ giá xăng giảm mạnh nhưng hàng hóa không chịu giảm
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có công điện gửi lực lượng QLTT. Bộ trưởng yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, lãnh đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022.
Mục đích nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm, bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT chỉ đạo lực lượng QLTT trong cả nước theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Bình luận