Đó là khẳng định của Trưởng đoàn bóng đá HAGL Nguyễn Tấn Anh trong cuộc trò chuyện đầu năm với VTC News.
- Lời đầu tiên, xin được gửi tới ông và CLB Bóng đá HAGL lời chúc mừng năm mới với nhiều sức khỏe, may mắn và thành công!
10 năm sau khi mở Học viện HAGL-Arsenal JMG, ông đánh giá lứa đầu tiên với những Công Phượng, Xuân Trường… đã đạt được bao nhiêu % mục tiêu đề ra?
Mục tiêu đầu tiên đặt ra khi xây dựng Học viện HAGL-Arsenal JMG chính là câu slogan “Vì tương lai bóng đá Việt Nam”. Nó được hình thành khi anh Đức (Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức) đề nghị hợp tác với Arsenal và được HLV Arsene Wenger khuyên đi theo con đường đào tạo trẻ.
Mục tiêu thứ 2 được ghi trong hợp đồng là sau quá trình đào tạo 7 năm, có ít nhất 2 cầu thủ của Học viện thi đấu tại Arsenal. Đó cũng chính là khao khát lớn nhất của anh Đức.
Đến bây giờ, sau 7 năm ra trường, dù có giai đoạn Arsenal dìu dắt, kiểm tra, trong đó có lần gọi 4 cầu thủ là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều sang London tập luyện song chưa có ai nằm trong tầm ngắm của ông Arsene Wenger và các nhà tuyển trạch Arsenal.
Rõ ràng, về mục tiêu lớn, chúng tôi chưa đạt được.
Tuy nhiên, phải khẳng định, chúng tôi đã tạo được cú hích nho nhỏ cho sự phát triển của bóng đá nước nhà và cả một niềm tin vào tương lai gần. Đó là khi các em khoác áo U19 Việt Nam thi đấu ở các giải khu vực và châu lục.
Hiện nay có một làn sóng trong đội bóng HAGL sau khi có 3 cầu thủ ra ngoài thi đấu, đó là khao khát được cống hiên và được bay xa
Mục tiêu đi về phía Tây có thể chưa đạt song lại có bước chuyển hướng về phía Đông. 3 cầu thủ HAGL sang Nhật Bản, Hàn Quốc thi đấu ít nhiều chứng tỏ rằng, các em có khả năng và được chú ý. Sau một mùa, dù chưa đóng góp nhiều cho CLB nhưng các CLB vẫn muốn gia hạn hợp đồng, điều đó càng khẳng định họ có tiềm năng và có thể đóng góp được chứ không phải không.
Hiện nay có một làn sóng trong đội bóng HAGL sau khi có 3 cầu thủ ra ngoài thi đấu, đó là khao khát được cống hiên và được bay xa.
Các cầu thủ Việt Nam xưa nay ra nước ngoài thi đấu luôn tự ti vì hạn chế về ngoại ngữ. Nhưng các em ở Học viện HAGL thì được trang bị tương đối nên rất tự tin. Trong cuộc họp với bầu Đức, nhiều em đề nghị được ra nước ngoài thi đấu. Anh Đức, bảo các cháu cứ bình tĩnh, từ từ chứ đi hết thì ở nhà ai đá. Các cháu sẽ đến lượt. Nhưng bạn nào ra nước ngoài phải khẳng định được. Chứ ra không khẳng định được cũng không tốt.
Phải nói các em rất khao khát đó là sự khao khát phát triển sự nghiệp và không màng chuyện tiền bạc. Các lứa sau cũng khao khát như thế. Theo đánh giá, đây là một điều tốt cho việc phát triển của Học viện.
Cuối cùng, quan trong hơn cả, hạnh phúc hơn cả với chúng tôi là đến lúc này, trong lứa đầu tiên của Học viện với 16 em thì có 8-9 em đã khẳng định được chuyên môn của mình, đóng góp nho nhỏ vào sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Clip: Pha phối hợp mẫu mực của U21 HAGL
Một số em vì lý do chuyên môn không đảm bảo đã thôi không chơi bóng nữa hoặc chơi ở những đội hạng nhất. Nhưng việc các em được học hành tới nơi tới chốn, có tư cách đạo đức, có ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp, đã là chìa khóa quan trọng để các em tự tin vào đời.
- Có chuyên gia đánh giá lứa Công Phượng đã đạt đến đỉnh cao nhất của trình độ ở tuổi U21. Liệu bài giảng của Arsenal JMG có còn được tiếp tục cho lứa sau của Học viện, hay phải có những thay đổi về chiến lược, định hướng?
Anh Đức có một cách quản lý riêng. Đối với anh những gì tốt không thay đổi.
Có thể nói, lứa đầu tiên do thầy Giôm và Học viện HAGL-Arsenal JMG đào tạo ra là một trong những lứa cầu thủ đồng đều nhất mà bóng Việt Nam từng có. Dĩ nhiên các thế hệ trước vẫn có những nhân tài như anh Hồng Sơn, anh Công Vinh, Văn Quyết… nhưng để có một lứa cùng ra lò và đồng đều như thế thì không nhiều. Điều đó cho thấy việc đào tạo của JMG là khoa học.
Ngay từ việc tuyển chọn đầu vào họ có 5 tiêu chí. Thứ nhất là thông minh, thứ hai là kỹ thuật, thứ ba là tính đồng đội, thứ tư là cầu thủ khi thi tuyển phải đang đi học và thứ năm là tầm vóc, thể lực.
JMG đã nghiên cứu rất kỹ tố chất con người Việt Nam, họ cho rằng, vấn đề tầm vóc không phải là câu chuyện có thể cải thiện một sớm một chiều. Vì thế, họ chú trọng tới yếu tố thông minh, sự nhanh nhẹ rồi tính kỷ luật để có được giáo án và quy trình đào tạo phù hợp ở Việt Nam.
Giáo án và quy trình đào tạo ấy, hay nói cách khoác, định hướng đào tạo ấy đến giờ vẫn rất đúng. HAGL sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào và sẽ tiếp tục hợp tác lâu dài với Arsenal JMG.
Có một khó khăn ở thời điển hiện tại với chúng tôi. Nếu năm đầu tiên đi tuyển các VĐV, chúng tôi được 32 tỉnh thành mở cửa và thu hút được tới 11 ngàn thì sinh tham gia. Nhưng hiện nay, ở Việt Nam đã có thêm nhiều các học viện, nhiều trung tâm đào tạo khác, bên cạnh các lò địa phương… nên số lượng các tỉnh chúng tôi được vào tuyển chọn không còn được như trước nữa.
- Ông đánh giá thế nào về tương quan giữa khóa I và khóa II với khóa III hiện nay?
Các lứa sau có một điểm là chưa ra ngoài, chưa thi đấu một giải nào nên chưa nhìn thấy được để đánh giá. Tuy nhiên, nhưng theo các HLV tại chỗ thì họ từ bằng và có thể tốt hơn so với lứa Công Phượng.
Nhưng nói bằng và tốt hơn như thế nào thì chưa cụ thể vì thực tế các em chưa va đập như lứa I, lứa II. Các em khóa III từ tháng 3 tới đây đến tháng 7 mới bắt đầu tham gia nhiều giải đấu quốc tế, các sẽ được gửi đi Nhật Bản, hoặc các bạn Nhật Bản qua Việt Nam thi đấu, hoặc đi châu Âu… để bắt đầu tích lũy kinh nghiệm thi đấu thực tế.
- Theo ông, bài học mà lứa Công Phượng để lại cho các khóa sau là gì?
Các em khóa sau của Học viện HAGL-Arsenal JMG coi Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… là thần tượng của mình. Trên sân tập của HAGL bây giờ có thể thấy, bạn tập lối đá giống Công Phượng, bạn tập lối đá giống Xuân Trường, có bạn lại tập như Tuấn Anh. Các em không còn nghĩ tới những thần tượng xa xôi nữa mà nhìn ngay vào các bậc đàn anh trước mặt mình.
Không chỉ học cách đá bóng, các em còn học cả cách sống, cách nói chuyện… Điều đó giúp các em gần với hiện thực hơn. Nếu mơ là Ronaldo, là Messi ở châu Âu thì có gì đó xa xôi quá, cứ cố gắng học tập, chơi bóng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, để một ngày được như các anh là một hiện thực gần hơn.
Lứa Công Phượng khi mới 11, 12 tuổi bước chân vào Học viện không dám mơ tới những điều xa xôi. Bản thân tôi khi đưa Công Phượng sang Mito, Phượng vẫn chưa nghĩ tới việc một ngày được chơi bóng ở nước ngoài. Nên Phượng rất hồi hộp.
Bây giờ thì mọi thứ lại đơn giản hơn cho các bạn đi sau rồi. Ví dụ một ngày, Xuân Trường có thể về dắt tay Văn Thanh, Văn Toàn sang nước ngoài thi đấu. Đó là chính là gia tài tinh thần mà lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường để lại cho các em học viên khóa sau của Học viện, nó giúp các em ngắn lại những giấc mơ!
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận