• Zalo

Giá phân bón tăng dựng đứng: Hạ nhiệt cơn sốt bằng cách nào?

Thị trườngThứ Tư, 11/08/2021 11:38:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ Công Thương áp dụng loạt giải pháp nhằm ngăn chặn đà tăng phi mã của giá phân bón trong thời gian gần đây.

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trong nước liên tục tăng mạnh: phân u rê Phú Mỹ tăng 83,7% lên 12.400 đồng/kg, u rê Cà Mau tăng 72% lên 11.700 đồng/kg, DAP Đình Vũ tăng 67,3% lên 14.300 đồng/kg, NPK Bình Điền tăng 24,3% lên 10.760 đồng/kg...

Trong khi nhiều doanh nghiệp phân bón thu lợi nhuận tưng bừng thì nông dân đang rơi vào cảnh “khóc ròng”.

Vì đâu tăng “dựng đứng”?

Chia sẻ với VTC News ngày 11/8, đại diện Bộ Công Thương cho biết, giá phân bón hiện nay phụ thuộc vào các yếu tố thị trường như cân đối cung cầu, giá nguyên liệu đầu vào và chịu ảnh hưởng bởi giá trên thế giới do thị trường trong nước và nước ngoài đã tương đối liên thông.

Giá phân bón tăng dựng đứng: Hạ nhiệt cơn sốt bằng cách nào? - 1

Giá phân bón tăng dựng đứng từ đầu năm 2021. (Ảnh: Nhân dân).

Giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón. Trong khi đó, do giá phân bón giảm quá sâu trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh.

Ngoài ra, dịch COVID-19 được kiểm soát ở mức độ nhất định tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... đã khiến nhu cầu đối với nhiều mặt hàng phục hồi rất nhanh. Kết hợp với chính sách tiền tệ và tài khóa “siêu lỏng” trên toàn cầu, không chỉ phân bón mà hầu hết các mặt hàng cơ bản như sắt thép, than đá, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi... đều chứng kiến mức tăng giá rất mạnh. Có thể nói thị trường hàng hóa thế giới đang hình thành một mặt bằng giá mới.

Ngoài ra giá các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón đều tăng rất mạnh trong thời gian qua dẫn đến giá thành tăng. Chi phí vận tải trong nước và thế giới, nhất là cước tàu biển, cũng tăng mạnh khiến chi phí đầu vào tăng.

“Tình trạng mất cân đối cung cầu phân bón trên phạm vi toàn cầu và sự hình thành một mặt bằng giá mới đối với tất cả các loại hàng hóa cơ bản, trong đó có nhiều loại là đầu vào của sản xuất phân bón, là nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá phân bón trên thị trường nội địa”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Chặn đà tăng giá

Theo đại diện Bộ Công Thương, nhằm ổn định thị trường phân bón, ngay từ đầu năm, Bộ có văn bản chỉ đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát huy công suất sản xuất, giảm tồn kho, kiểm soát kênh phân phối, ưu tiên tối đa tiêu thụ phân bón tại thị trường trong nước, định kỳ báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ phân bón.

Bộ cũng cử các đơn vị liên quan làm việc trực tiếp với Vinachem và PVN để đánh giá tình hình sản xuất, nắm bắt tình hình biến động giá cả trong nước và thế giới, tình hình cung ứng phân bón ra thị trường, các biện pháp chỉ đạo điều hành hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm cung ứng tối đa cho thị trường nội địa.

Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước có ý kiến để Vinachem và PVN chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sản xuất phân bón đôn đốc các doanh nghiệp này tăng cường sản xuất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường với giá cả hợp lý; ưu tiên tối đa tiêu thụ phân bón trong nước.

Đồng thời yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan tại địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường phân bón, chống các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã dự thảo báo cáo Thủ tướng và lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, trong đó đề xuất các giải pháp để các Bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện trong thời gian tới.

Các giải pháp chính được đề xuất bao gồm chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường và dành tối đa lượng phân bón sản xuất ra để phục vụ nhu cầu trong nước.

Rà soát, tính toán, định kỳ công bố nhu cầu sử dụng các loại phân bón chủ chốt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong từng giai đoạn, mùa vụ để các doanh nghiệp chủ động cân đối kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường công tác quản lý thị trường phân bón, chống các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá phân bón lên cao, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Rà soát, đánh giá tác động để đề xuất sửa đổi các chính sách về thuế (thuế VAT, thuế xuất khẩu, thuế phòng vệ thương mại) và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để điều tiết hoạt động xuất khẩu một cách hợp lý, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà con nông dân và doanh nghiệp.

Mới đây, Tổ Công tác 970 phía Nam (Bộ NN-PTNT) cũng nhấn mạnh việc giá phân bón tăng phi mã. Trước thực trạng trên, Tổ Công tác 970 đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố phía Nam đề nghị thanh tra Sở NN-PTNT phối hợp với Cục quản thị trường, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản... trên địa bàn.

Yêu cầu Cục Quản lý thị trường các địa phương thường xuyên rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng tạo khan hiếm giả để kiếm lời.

Ai chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón?

Theo chuyên gia, pháp luật hiện nay không có quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón của Bộ Công Thương, ngoại trừ quy định chung về trách nhiệm các bộ ngành phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động trồng trọt (tại Luật Trồng trọt).

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất phân bón có vốn nhà nước đã được bàn giao để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.

Thời gian qua, Bộ Công Thương tham gia công tác quản lý phân bón chủ yếu với vai trò là cơ quan quản lý thị trường, xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại… và do sản xuất phân bón vô cơ là một phân ngành của sản xuất hóa chất.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn