Ngày 22/10/2020, sau khi tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, Hiệp hội và tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã có các Tờ trình và Báo cáo Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% để Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10-11/2020.
Nếu được Quốc hội thông qua, từ năm 2021, phân bón sẽ từ diện không chịu thuế GTGT sang mặt hàng chịu thuế 5% như trước khi Luật số 71 được ban hành và có hiệu lực từ năm 2015.
Việc Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế giá trị giá tăng phân bón là 5% nhận được sự đồng thuận của các Bộ, ngành, Hiệp hội liên quan, trong đó có sự ủng hộ mạnh mẽ từ Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Hội nông dân Việt Nam, Hiệp hội phân bón Việt Nam.
Với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: “sửa Luật 71 đảm bảo theo nguyên tắc “không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân”, có nghĩa giá bán phân bón sau khi sửa luật phải không được tăng so với trước khi sửa luật và theo quy luật thị trường, thì theo tính toán phân tích chi tiết của các chuyên gia tài chính, giá phân bón không những không tăng mà còn có những tác động tích cực và toàn diện trên nhiều khía cạnh.
Đặc biệt, bà con nông dân cả nước sẽ được hưởng lợi nhờ trong dài hạn, giá cả phân bón thấp hơn, có nhiều loại phân bón tốt hơn, góp phần giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của ngành nông nghiệp cả nước.
Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT năm 2019 là khoảng 1,007 tỷ USD tương đương 23.400 tỷ đồng, theo đó nếu tính thuế GTGT thuế suất 5% khâu nhập khẩu thì số thu ngân sách Nhà nước về thuế GTGT phải nộp khâu nhập khẩu sẽ tăng là 1.170 tỷ đồng.
Đối với khâu sản xuất trong nước, theo quy định của Luật Thuế GTGT thì số thuế GTGT doanh nghiệp phải nộp bằng số thuế GTGT đầu ra trừ đi số thuế GTGT đầu vào. Do hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc có thuế suất thuế GTGT là 5% và 10%, nếu tính thuế GTGT thuế suất 5% đầu ra đối với mặt hàng phân bón thì doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ cơ bản không phải nộp thuế GTGT đối với hoạt động sản xuất phân bón.
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo TSCĐ dùng cho sản xuất phân bón. Việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% là áp dụng ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, do đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại, khuyến khích các doanh nghiệp phân bón đầu tư dây chuyền mới sản xuất phân bón có chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.
Theo số liệu tính toán sơ bộ của cơ quan thuế và báo cáo của Hiệp hội phân bón thì số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất phân bón không được khấu trừ và phải tính vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong giai đoạn 2016 – 2019 trung bình mỗi năm khoảng 1.200 tỷ đồng. Nếu tính thuế GTGT thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón thì số thuế GTGT đầu vào doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ tương ứng với số thuế GTGT đầu ra phải nộp khoảng 950 tỷ đồng, số thuế được khấu trừ này doanh nghiệp không phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Tại khâu nhập khẩu phân bón chịu mức thuế GTGT 5% trên giá phân bón nhập khẩu (hiện hành không chịu thuế GTGT), doanh nghiệp nhập khẩu khi bán phải tính thuế GTGT 5% trên giá bán (chưa có thuế GTGT) và được kê khai khấu trừ thuế GTGT tại khâu nhập khẩu khi kê khai nộp thuế GTGT ở khâu bán ra. Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm được giá thành sản xuất tương đương với 5% trên giá bán (khoảng 950 tỷ đồng). Do đó, giá phân bón sản xuất trong nước có thêm điều kiện để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, từ đó có thêm cơ hội để hạ giá phân bón so với phân bón nhập khẩu theo cơ chế thị trường.
Tác động đối với xã hội: Việc điều chỉnh chính sách thuế GTGT đối với phân bón giúp tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Do phân bón là đầu vào của hoạt động trồng trọt nên việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi 5% so với mức thuế suất phổ thông (10%) sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất cho người nông dân, phù hợp với nguyên tắc hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế suất 5%, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngoài ra, việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất phân bón trong nước cũng góp phần đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho một lượng lớn người lao động, từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, việc áp 5% thuế là phù hợp với quốc tế, các cam kết của Việt Nam và quy định của Luật thuế GTGT. Theo đó, Luật thuế GTGT đang có 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Mức thuế 0% áp dụng với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế. Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hóa, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ thông thường khác.
Trên bình diện quốc tế cho thấy mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT (hoặc thuế hàng hóa dịch vụ, thuế bán hàng) của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển ngành phân bón, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng.
Tuy nhiên, cách thức thiết kế của các nước cũng rất khác nhau. Một số nước không thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón như Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Pakistan, Mỹ… Một số nước có thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón nhưng với mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông, ví dụ như Trung Quốc, Romania, Croatia, Ấn Độ…
Để hạn chế tác động tiêu cực (nếu có), đặc biệt để không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân, Bộ Tài chính kiến nghị các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón phải tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm chi phí, từ đó giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bình luận