• Zalo

Giảm thuế môi trường với xăng dầu, chuyên gia và doanh nghiệp vẫn e ngại

Thị trườngThứ Năm, 24/03/2022 14:22:04 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngoài giảm thuế môi trường, chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, vẫn cần thêm động thái mạnh hơn nữa thì mới có thể kiềm chế hiệu quả giá xăng dầu.

Thừa nhận đây là tín hiệu tích cực để giá xăng dầu hạ "nhiệt", hạn chế tác động đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp nhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan vẫn cho rằng, nếu mức giảm cao hơn nữa thì sẽ tốt hơn vì sẽ giúp cơ hội đi xuống của giá xăng dầu rõ rệt hơn. "Người dân, doanh nghiệp đã chịu nhiều tác động từ việc giá xăng dầu liên tiếp tăng cao nên càng giảm được bao nhiêu càng hỗ trợ tốt bấy nhiêu", bà Lan nói.

Tương tự, một chuyên gia giấu tên cũng nêu quan điểm: Giảm thuế bảo vệ môi trường là điều tất yếu nếu muốn kiềm chế giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát. Vì đây là khoản thuế nặng nhất, lại đang được tính một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối, thay vì tỷ lệ phần trăm như nhiều loại thuế khác. Do đó, dù giá xăng giảm sâu hay tăng mạnh, chi phí thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu là không đổi. 

Bộ Công Thương từng đánh giá tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu ở mức cao (khoảng 55-60% đối với mặt hàng xăng, 35-40% đối với mặt hàng dầu). Trong đó thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11 - 20% đối với mặt hàng dầu.

Giảm thuế môi trường với xăng dầu, chuyên gia và doanh nghiệp vẫn e ngại - 1

Từ 1/4, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được giảm 50%. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, mức giảm thuế như thế nào cho hợp lý thì cần phải linh hoạt, dựa vào tình hình thực tiễn của thị trường. Hiện, giá dầu thế giới đang ở mức cao, chưa có dấu hiệu ngừng tăng. Nên nếu mức giảm thuế môi trường "nhỏ giọt" thì việc kiềm chế giá xăng dầu trong nước sẽ không được bao nhiêu. Đây chính là lý do khiến đề xuất trước đó về mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 1.000 đồng, dầu diesel là 500 đồng của Bộ Tài chính không được dư luận cũng như các bộ ngành khác đồng tình vì cho là quá ít.

Hiện mức giảm thuế môi trường đã được quyết định ở mức cao hơn là 2.000 đồng/lít với xăng và 1.000 đồng/lít với dầu nhưng theo chuyên gia, mức này cũng vẫn chưa là gì so với sự biến động của giá dầu thế giới. "Phải tính đến trường hợp giá dầu thế giới tăng dữ dội, lúc đó ta sẽ kiềm chế giá trong nước bằng cách nào? Nên soi vào diễn biến thị trường, có thể giảm thuế ở mức cao hơn, trong một giai đoạn nhất định rồi điều chỉnh lại cho phù hợp. Không nhất thiết giữ mức giảm thấp trong suốt một thời gian dài", vị này đề xuất.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo giá thế giới nên mức giảm thuế cũng nên dựa trên diễn biến này, có như thế thì việc kiềm chế mới hiệu quả cao. Nhà điều hành nên cân nhắc trình thêm phương án để hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp, nếu việc giảm thuế môi trường vẫn không giúp giá xăng dầu trong nước hạ nhiệt do giá thế giới còn "nóng".

Các chuyên gia cho rằng, giảm thuế môi trường sẽ khiến hụt thu ngân sách nhưng trong bối cảnh hiện nay cần tính toán kịch bản dài hơi hơn. Việc giảm thuế phí sẽ thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển. Khi doanh nghiệp hoạt động ổn định, kinh tế phục hồi, thu ngân sách sẽ tốt hơn.

Nên dừng thu thuế môi trường

Nhiều doanh nghiệp cho biết tuy đã bớt căng thẳng khi thấy giá xăng dầu được giảm thuế môi trường nhưng vẫn chưa thực sự hài lòng, thậm chí còn nêu đề xuất tạm dừng thu loại thuế này.

Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu thương hiệu vận tải Sao Việt, áp lực giá xăng dầu tăng liên tục từ cuối năm ngoái và chưa có điểm dừng đang khiến doanh nghiệp của ông “không thở nổi”. Với ngành vận tải, xăng dầu bình quân chiếm khoảng 35 - 40% tổng chi phí đầu vào nên việc giá dầu tăng chưa có điểm dừng từ cuối năm ngoái khiến doanh nghiệp lỗ nặng. Trong khi việc tăng giá cước dù được tính đến cũng chưa thể thực hiện được do lượng khách ít ỏi.

Xe nằm đắp chiếu suốt thời gian dài vì dịch bệnh, nay vừa nhúc nhắc hoạt động lại thì giá xăng dầu liên tục tăng cao. Trong khi khách thì ngày có ngày không, chủ yếu chạy cầm chừng để giữ tuyến. Nếu không giảm giá xăng dầu, doanh nghiệp khó cầm cự được lâu. Chúng tôi biết rằng quyết định giảm thuế môi trường là tích cực, trong thời điểm hiện tại việc này tháo gỡ được một phần khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức giảm như hiện tại sẽ không phát huy được nhiều tác dụng khi mà giá xăng dầu thế giới vẫn đang rất căng thẳng và khó lường. Do đó, để hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, người dân thì nên tạm dừng thu thuế bảo vệ môi trường, khi doanh nghiệp khỏe lại rồi tính tiếp", ông Bằng nói.

Vẫn theo ông Bằng, không chỉ thuế bảo vệ môi trường, cơ quan điều hành tới đây cũng nên tính toán giảm thêm sắc thuế khác để kéo giảm giá xăng dầu. Vị giám đốc doanh nghiệp này đặt câu hỏi: "Tại sao mặt hàng thiết yếu như xăng dầu lại bị áp loại thuế này, và tại sao không giảm hoặc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu?".

Còn ông Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học, cho hay giá xăng dầu tăng cao đã tác động mạnh đến hoạt động vận tải nói chung và tình hình kinh doanh của công ty nói riêng. Từ nhiều tháng nay, vận tải hành khách của nhà xe liên tục thua lỗ.

Doanh nghiệp vận tải vừa “chết hụt” vì dịch bệnh kéo dài, nay thêm giá xăng, dầu tăng cao thì doanh nghiệp chết hẳn. Giảm thuế bảo vệ môi trường nhỏ giọt sẽ không giải quyết được gì nhiều”, ông Học nhận xét.

Một số chuyên gia nêu quan điểm, nhiều quốc gia thực hiện giảm thuế thông qua chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngoài ra, thuế nhập khẩu cũng là một công cụ chính sách phù hợp, có thể được sử dụng để linh hoạt điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước.

CÔNG HIẾU
Bình luận
vtcnews.vn