Tuy nhiên, cũng có nhận định cho rằng mức 10% đã là cố gắng của ngành điện.
Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản đề xuất Thủ tướng xem xét giảm giá điện 10% trong 3 tháng (tháng 4-6) để hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổng gói hỗ trợ này khoảng 11.000 tỷ đồng dành cả cho khách hàng dùng sinh hoạt và sản xuất.
Hiện còn nhiều tranh luận với những quan điểm khác nhau về mức hỗ trợ.
Tiêu thụ điện tăng vọt
Chị Tuyết Mai ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và lệnh cách ly xã hội, gia đình phải tiêu thụ điện nhiều hơn.
Trước đây, trung bình mỗi tháng gia đình dùng hết khoảng 270-300 kWh/tháng. Như vậy, số tiền điện phải chi trả từ bậc 4 trở xuống, tương ứng khoảng 550.000-625.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, các thành viên trong gia đình đều phải ở nhà làm việc, con cái không đến trường, khiến việc tiêu thụ điện tăng 20-30% so với trước đây. Theo thông báo tiền điện tháng 3, hộ chị Mai tiêu thụ gần 400 kWh, mức chi trả tương ứng bậc 5 trong thang tính giá. Số tiền phải trả vọt lên gần 900.000 đồng.
Như vậy, do ảnh hưởng của dịch, số tiền điện của một hộ tiêu thụ điện ở mức 400 kWh/tháng đã tăng hơn so với mức 300 kWh gần 300.000 đồng (khoảng 30%).
Chị Mai rất mừng khi Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện 10% cho toàn bộ khách hàng tiêu thụ điện từ 300 kWh trở xuống. Nếu như vậy, số tiền đóng trong tháng 3 của gia đình chị còn 845.000 đồng (giảm khoảng 50.000 đồng).
Tuy số giảm là khá đáng kể, chị Mai vẫn mong muốn Chính phủ có biện pháp hỗ trợ thêm tiền điện khi các gia đình phải ở nhà, khiến nhu cầu dùng điện tăng cao, dẫn đến mức chi tiêu tăng lên. Điều này lại càng có ý nghĩa khi ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn thu nhập của nhiều đối tượng sụt giảm.
Khác với chị Mai, anh Nguyễn Văn Nhân (quận Hà Đông, Hà Nội) lại cho rằng việc giảm giá 10% là mức khá sâu của ngành điện. Anh nhớ lại đầu năm 2019, giá điện được điều chỉnh tăng 8,36% dẫn đến việc nhiều người bức xúc vì tiền điện tăng cao đột ngột. Như vậy, mức giảm 10% là cao hơn so với mức tăng năm ngoái.
Điều đó cũng đồng nghĩa việc người dùng đang phần nào hưởng giá điện của đợt điều chỉnh từ năm 2017, trong khi biến động lạm phát sau nhiều năm khá lớn.
Anh Nhân cũng cho rằng với những người dùng trên 300 kWh/tháng vẫn được giảm 10% ở 300 số đầu tiên là một chính sách tốt. Theo đó, gần như người dùng 400 kWh/tháng cũng sẽ được giảm khoảng 5,5% trên tổng hóa đơn.
“Đa số các hộ dân dùng 300-400 kWh mỗi tháng, như vậy ai cũng sẽ được hưởng lợi”, anh này nhận định.
Lo ngại mất cân đối tài chính
Theo đại diện Bộ Công Thương, có khoảng 23,2 triệu hộ gia đình dùng dưới 300 kWh tháng. Trong khi đó, số hộ dùng từ 301 kWh trở lên là khoảng 2,8 triệu hộ (bằng khoảng 1/9 số hộ dùng dưới 300 kWh). Trong khi đó, những hộ dùng từ 301 trở lên vẫn được giảm giá 10% tiền điện cho 300 kWh đầu. Chỉ tính nguyên giá bậc 4 và 5.
Mặt khác, những đối tượng dùng dưới 300 kWh/tháng chủ yếu là lao động, công chức, viên chức, công nhân…,những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tổng số tiền hỗ trợ các hộ dùng điện sinh hoạt là gần 3.000 tỷ đồng.
Theo GS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, việc giảm giá 10% là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành điện trong bối cảnh hiện nay. Ông cho rằng người tiêu dùng ai cũng có tâm lý muốn trả chi phí dùng điện càng ít càng tốt. Tuy nhiên, điện là mặt hàng đặc thù, phụ thuộc vào giá thành phát điện với các chi phí đầu vào như dầu, than, khí… nên rất khó để giảm giá.
Cùng quan điểm, một chuyên gia về kinh tế năng lượng tại Đại học Bách khoa, cho rằng việc tăng giảm giá điện là quyết định của Chính phủ, vì đây là mặt hàng do Nhà nước quản lý giá. Ngành điện bán điện như thế nào phụ thuộc vào quyết định, chứ không thể tự muốn tăng hay giảm.
Ông nhấn mạnh, nếu nhìn tổng thể, gói hỗ trợ về giá điện cho sản xuất và kinh doanh khoảng 11.000 tỷ đồng là số tiền rất lớn, chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay. Nếu so sánh với gói an sinh xã hội mà Chính phủ sắp ban hành (62.000 tỷ đồng) thì gói của ngành điện đã bằng 1/6.
“Đây là một số tiền rất lớn, tính đến cả cân đối việc sản xuất, kinh doanh, tài chính”, vị này chia sẻ, đồng thời cho rằng, nếu dịch khắc phục được sớm trong khoảng tháng 4, từ tháng 5 trở đi, khi cuộc sống trở lại bình thường sẽ chứng kiến nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh sau một thời gian “lò xo bị nén”. Đó lại trùng vào thời điểm mùa hè, nóng nhất trong năm.
“Rất có thể gói 11.000 tỷ đó sẽ tăng cao đến 15.000 tỷ hoặc cao hơn nữa khi lượng điện tiêu thụ tăng mạnh. Lúc đó ngành điện lại phải chấp nhận giảm thêm tiền”, vị này lo ngại.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong quý I, tổng sản lượng điện toàn hệ thống đạt 57,3 tỷ kWh. Trong thời gian vừa qua, tuy giá dầu có giảm nhưng giá thành sản xuất điện từ nguồn chạy dầu vẫn rất cao so với giá bán lẻ điện hiện nay.
Do nước về các hồ thuỷ điện rất thấp (tương ứng thiếu khoảng hơn 5 tỷ kWh từ thuỷ điện) nên EVN vẫn phải huy động sản lượng lớn bù lại từ nguồn chạy dầu để đảm bảo yêu cầu vận hành đối với các nguồn thuỷ điện từ nay cho đến hết mùa khô 2020.
“Dự kiến sản lượng điện thương phẩm năm 2020 và giá bán điện bình quân sẽ giảm, từ đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính EVN và các tổng công ty điện lực”, doanh nghiệp này lo ngại.
Bình luận