Theo biểu giá điện 5 bậc do Bộ Công Thương đề xuất, hóa đơn tiền điện của người sử dụng ở mức dưới 700kWh sẽ không thay đổi, nhưng với những hộ sử dụng nhiều điện hơn sẽ phải trả thêm nhiều tiền.
Theo Bộ Công Thương, việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về xem xét đổi mới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng dùng vào mục đích sinh hoạt.
Bộ Công thương đưa ra bốn phương án gồm: phương án 1 điện đồng giá, bằng với mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh; phương án 2 gồm ba bậc trong đó giá điện bậc 1 từ 0 - 100 kWh, bậc 2 từ 101 - 400 kWh, bậc 3 từ 401 kWh trở lên; phương án 3 gồm 4 bậc với giá điện bậc 1 từ 0 - 100 kWh, bậc 2 từ 101 - 300 kWh, bậc 3 từ 301 - 600 kWh, bậc 4 từ 601 kWh trở lên.
Riêng phương án 4 gồm 5 bậc, nhưng có hai kịch bản. Thứ nhất là giá điện bậc 1 (0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành, bậc 2 từ 101 - 200 kWh, bậc 3 từ 201 - 400 kWh, bậc 4 từ 401 - 700 kWh, bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Với kịch bản thứ 2, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi nhưng gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm đảm bảo ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh; giá điện của bậc 201 - 400 kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300 kWh) và bậc 5 (301 - 400 kWh) của giá điện cũ.
Sau khi tính toán, Bộ Công Thương đề xuất sử dụng kịch bản thứ nhất.
Bàn về tính hiệu quả trong đề xuất biểu giá điện mới, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khẳng định: “Trên thực tế, khó có biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt nào thỏa mãn được cho tất cả các hộ tiêu dùng, mỗi phương án đều có ưu nhược riêng. Giảm giá điện cho nhóm khách hàng này thì phải tăng giá điện của nhóm khác lên bù đắp”.
Tuy nhiên, theo ông Thành, nếu chỉ xây dựng riêng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới thì không thể thấy rõ ràng được thay đổi đáng kể bức tranh tổng thể của giá bán điện. Bởi, điện sinh hoạt chỉ là 1 trong 4 nhóm đối tượng khách hàng của EVN.
Cụ thể, giá bán lẻ điện của EVN gồm 4 nhóm: Một là giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất; Hai là giá bán lẻ điện cho khối hành chính, sự nghiệp; Ba là giá bán lẻ điện cho kinh doanh; Bốn là giá bán lẻ điện cho sinh hoạt. Mức giá quy định cho các nhóm này cao thấp khác nhau, nhưng tính trung bình không vượt quá giá bán lẻ hiện hành được Nhà nước quy định là 1.864,44 đồng/số. Trong đó, giá bán lẻ điện kinh doanh đắt đỏ nhất, còn giá bán điện cho sản xuất là thấp nhất.
Trả lời câu hỏi của VTC News rằng người dân có chịu ảnh hưởng nhiều từ đề xuất biểu giá điện mới hay không, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận định, việc giảm biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc như đề xuất của Bộ Công thương sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Theo ông Nghĩa, đây là thay đổi hợp lý vì với bậc thang mới thì đơn giá cho 1 kWh là 1.549 đồng, tương đương mức giá cũ. Ông cũng nhấn mạnh, việc thay đổi biểu giá điện bán lẻ như hiện nay là phù hợp với đặc điểm tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, ông Nghĩa nhấn mạnh, cần xác định chỉ tiêu biểu giá bán lẻ điện bình quân một cách rõ ràng hơn nhằm đảm bảo doanh thu ngành điện, đảm bảo các mục tiêu sản xuất kinh doanh và đặc biệt là các nhiệm vụ phát triển hệ thống điện khi lượng cầu vẫn tăng trưởng rất lớn như hiện nay là từ 10-12%.
Trong giai đoạn sắp tới với lộ trình cải tổ ngành điện, cần tiếp tục nghiên cứu dài hạn hơn các biểu giá mà nền tảng phải là biểu giá 2 thành phần cho các đối tượng khách hàng, tiến tới thay thế biểu giá 1 thành phần cho các hộ tiêu dùng theo lộ trình phù hợp.
Ông Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng giá điện tại Việt Nam hiện nay vẫn đang rẻ hơn so với các nước trong khu vực. “Điện là ngành kinh tế đặc thù, là ngành năng lượng không thể tái tạo. Thậm chí nguồn tài nguyên để làm ra điện hiện nay đang đối diện nguy cơ cạn kiệt, vì thế giá điện cũng mang tính đặc thù, đi ngược với quy luật chung của thị trường là càng dùng nhiều càng rẻ”. Vì thế, theo ông Nghĩa, xây dựng biểu giá điện cần hướng tới mục đích “khuyến khích tiết kiệm”.
Nói về giá điện dành cho ngành sản xuất, theo ông Lê Xuân Nghĩa, nhiều năm qua, các cơ quan chức năng vẫn bố trí giá điện luôn thấp để khuyến khích chuyển đổi quy trình sản xuất kinh doanh. Điều này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ngành sản xuất, nhưng theo ông Nghĩa, "không nên bán dưới giá thành”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh việc cần nhanh chóng thực hiện cơ chế thị trường đối với giá điện.
Cũng bàn về vấn đề hỗ trợ giá điện cho doanh nghiệp sản xuất, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng: “Hỗ trợ sản xuất nhiều là tốt, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh. Nhưng nếu hỗ trợ tốt quá thì chúng ta vô tình sẽ khuyến khích doanh nghiệp thâm dụng vào tài nguyên, tức là nguyên liệu, ở đây chính là điện".
Ông Hiển phân tích, giá điện thấp có thể là điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội canh tranh. Nhưng doanh nghiệp cũng có thể từ đó vẫn cứ tận dụng máy móc cũ, công nghệ cũ, tổn hao điện rất lớn. Cuối cùng giá trị gia tăng của doanh nghiệp đó không vực lên nhưng họ vẫn được lợi nhờ giá điện thấp. Và bù lỗ lại là từ người tiêu dùng. "Mà cần nhớ, người tiêu dùng gánh giá điện cao thì sẽ giảm sức mua", ông Hiển nhận định.
Từ đó, ông Hiển kiến nghị nên cân đối để các đối tượng cùng có lợi như nhau.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cũng phản đối giải pháp đồng giá một bậc với biểu giá điện. Theo chuyên gia này, nên trợ giá đối với những người có thu nhập thấp, ít sử dụng điện.
Bình luận