Những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Văn Tự - người thoát chết trong trận hải chiến Gạc Ma (14/3/1988) nhưng không may lại tử nạn khi đi bán bánh bao giữa thời bình.
Sau một năm, căn nhà nhỏ cuối ngõ của gia đình anh Tự vẫn không có gì đổi khác. Tuy nhiên, không khí trong ngôi nhà trở nên vắng lặng hơn vì vắng thêm một thành viên trong gia đình.
Em Trần Thị Hảo (con gái đầu của anh Tự), sau 2 năm tốt nghiệp Đại học Y Dược Huế nhưng không xin được việc nên đành ngậm ngùi bỏ quê sang Nhật để làm ăn.
Video: Gia cảnh khó khăn của cựu binh Gạc Ma tử nạn khi đi bán bánh bao
Anh hùng trong thời chiến, tử nạn giữa thời bình
Anh Trần Văn Tự (SN 1964 quê ở làng Chuồn, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Trước khi nhập ngũ, anh ở nhà kiếm sống bằng nghề nông, kéo cá...
Sau đó, anh nhập ngũ và cùng trung đoàn 83 Quân chủng Hải quân vào Khánh Hòa để xây dựng đảo Trường Sa.
Sáng 14/3/1988, trong lúc đang vận chuyển vật liệu xuống Gạc Ma thì lính Trung Quốc nã pháo tấn công vào tàu hải quân của ta.
Vụ tấn công làm nhiều người trên tàu hy sinh. May mắn, anh Tự cùng một người bạn của mình là anh Huỳnh Đức (quê Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) nhảy được khỏi tàu và bám được vào khúc gỗ. Sau khoảng nửa ngày lênh đênh cùng khúc gỗ trên biển thì 2 anh được cứu và đưa vào bệnh viện Quân đội 175 để chữa trị.
Lúc này anh Tự đã ngất xỉu, con mắt bên phải chảy máu rất nhiều, phổi bị trúng đạn và tay bị thương. Để cứu sống anh, các bác sĩ phải khoét bỏ nhãn cầu mắt phải và phẫu thuật lấy viên đạn trong phổi.
Đầu năm 1989, anh Trần Văn Tự được xuất ngũ trở về quê hương và được công nhận là thương binh hạng 2/4.
Sau đó, anh vào Đà Nẵng kiếm tiền nuôi vợ con bằng nghề bán kem, bán bánh bao dạo trên chiếc xe đạp cũ kĩ.
Một mình mưu sinh trên đất khách, lúc trái gió trở trời vết thương trên ngực người cựu binh lại đau nhói làm anh thêm khổ cực hơn.
Ấy vậy mà người cựu binh Gạc Ma ấy vẫn nén đau, âm thầm làm việc bán kem, bánh bao ở Đà Nẵng suốt 17 năm mới chịu trở về Huế để được gần vợ con.
Khi trở về Huế, anh cũng lại mưu sinh bằng nghề bán bánh bao trên chiếc xe đạp cũ. Hằng ngày, cứ 14h anh Tự lại chất bánh bao nhà làm và đạp xe lên thành phố Huế bán cho đến 1 - 2h sáng mới về.
Và rồi, trong một lần đi bán bánh bao như thế (ngày 5/12/2009), anh đã chết vì tai nạn giao thông, bỏ lại mẹ già, vợ trẻ và những đứa con thơ đang trong độ tuổi đến trường.
Tốt nghiệp trường Y vẫn phải tha phương xuất khẩu lao động
Ngày anh Tự tử nạn khi đi bán bánh bao thì 4 con của anh hầu hết còn rất nhỏ. Khi ấy, đứa lớn đang học lớp 12, đứa út mới vào lớp 7.
Sau nhiều năm, người con gái đầu của anh là Trần Thị Hảo đã tốt nghiệp cử nhân ngành Điều Dưỡng tại trường Đại học Y Dược Huế. Các em Hảo đều đã là sinh viên tại các trường đại học đóng trên địa bàn thành phố Huế.
Nhưng điều đáng buồn là dù tốt nghiệp đại học, nhưng sau hơn 2 năm không xin được việc, Hảo đành ngậm ngùi bỏ mẹ, bỏ em để sang Nhật tìm kế sinh nhai.
Cách đây khoảng một năm, khi chúng tôi tìm đến nhà anh Tự, Hảo đang học tiếng ở Hà Nội để chuẩn bị đi Nhật.
Khi ấy, nói chuyện với chúng tôi qua điện thoại giọng Hảo đượm buồn: “Ngày ba mất đi mọi gánh nặng đều một mình mẹ gánh vác. Em quyết định đi để kiếm tiền, một phần lo cho các em ăn học, một phần giúp mẹ trang trải nợ nần”.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Đào Thị Thảo (vợ anh Tự) cho biết chị rất ân hận vì đã quyết định để con gái sang xuất khẩu lao động bên Nhật dưới hình thức du học: “Cách đây vài hôm nó gọi điện về cho tôi rồi khóc. Nó bảo là qua đó khó khăn, phải làm quần quật từ sáng đến tối và mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng”.
Lau vội những giọt nước mắt còn đang lăn dài trên má chị Thảo nói tiếp: “Biết khổ như thế này thì tôi không bao giờ cho nó đi. Qua đó làm không đủ tiền ăn với học phí mà nó vẫn vì mẹ và mấy em chắt bóp kiếm tiền gửi về trả nợ”.
Được biết cuộc sống của chị Đào Thị Thảo hiện tại rất khó khăn. Tất cả chỉ trông chờ vào nghề làm nón của chị. Đó là chưa kể, hiện nay chị Thảo vẫn còn nhiều khoản nợ như tiền vay ngân hàng chính sách, vốn sinh viên…và nặng nhất là khoản 300 triệu đồng chị vay để cho Hảo sang Nhật.
Tuy nhiên, ông trời thương chị nên những người con của chị đều rất ngoan, học giỏi và có ý thức giúp đỡ mẹ.
Video: Hải chiến Gạc Ma trong ký ức của một cựu binh
Bình luận