Những ngày sát Tết ông Táo, cả làng Thuỷ Trầm (Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) rộn rã với tiếng máy bơm, tiếng cười nói, tiếng hô hào nhau kéo lưới. Nghề nuôi cá chép đỏ đã làm đổi thay bộ mặt của một ngôi làng thuần nông từ nhà tranh vách đất đến những ngôi nhà xây khang trang.
Ông Bùi Văn Chữ, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm, cho biết năm 2019, diện tích nuôi cá cơ bản không thay đổi. Cả làng có 30 ha ao nuôi, dự kiến cung cấp khoảng hơn 40 tấn cá ra thị trường.
Diện tích nuôi cá chép đỏ ở các làng khác trong xã Tuy Lộc tăng nhanh lên hơn 40 ha. Bên cạnh đó, người từ nhiều nơi cũng đến Thuỷ Trầm mua cá giống khiến diện tích nuôi cá chép đỏ tăng mạnh.
Chiều 19 tháng chạp (24/1 dương lịch), cả làng Thuỷ Trầm mới có lác đác 2-3 người về mua cá. Anh Toàn, một trong những người bán cá chép đỏ đầu tiên cho biết: Khách mua số lượng ít, chỉ 50 kg với giá 75.000 đồng/kg (giảm một nửa so với năm ngoái là 150.000 đồng/kg). Tuy vậy, anh vẫn bán mở hàng vì số lượng cá trong ao còn nhiều.
Còn ông Nguyễn Huy Thiện, người nuôi gần 10 sào cá chép đỏ cho biết giá cá giảm mạnh, tôi và nhiều người dân trong xã muốn găm hàng lại để chờ giá cá lên. Chiều 18 tháng chạp (23/1), ông tin rằng, cá có thể lên giá 100.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá cá đã không tăng như mọi năm mà càng chờ càng giảm. Ngày 21 tháng chạp (26/1), ông đã bán toàn bộ cá cho một khách quen với giá 80.000 đồng/kg.
Không may mắn như ông Thiện, anh Toàn không bán hết cá và phải vận chuyển lên thành phố Lào Cai để bán cho những người bán lẻ. Sau hành trình 200 km với đủ chi phí như thuê ô tô, ăn uống, bao tải, bình ôxy, giá cá chỉ tăng lên 100.000 đồng/kg. Trưa 22 tháng chạp, anh vẫn chưa bán hết hàng và dự kiến phải giám giá vì không thể mang về.
Với chi phí đầu tư khoảng 40.000-50.000 đồng/kg cá chép đỏ, người dân làng Thuỷ Trầm vẫn không lỗ nhưng thu nhập chẳng còn đáng là bao. Với mỗi sào Bắc bộ, nuôi trong 4-5 tháng, thu được khoảng 70 kg cá, lợi nhuận còn chưa đến 2 triệu đồng.
Tuy vậy, ông Thiện cho biết sẽ không bỏ nghề mà nuôi xen cá chép đỏ với nhiều loại cá khác như cá chép trắng, cá trôi, cá mè để có thể “bỏ trứng vào nhiều giỏ”.
Nghề nuôi cá chép đỏ ở làng Thuỷ Trầm bắt đầu vào những năm 70 của thế kỷ trước nhưng chỉ phát triển mạnh sau khi đất nước đổi mới (năm 1986). Ban đầu, các xã viên ra sông Hồng vớt trứng cá về và một số nở ra loại cá chép có màu đỏ. Người dân cho sinh sản, chọn lọc các con đỏ nhất qua nhiều thế hệ để cho ra giống cá chép đỏ ngày nay.
Người làng Thuỷ Trầm lúc đầu chỉ nuôi để phục vụ thú chơi cá nhân, đem thờ cúng cho gia đình. Nhưng sau khi đem bán, người tiêu dùng ưa chuộng và ứng với tích cá chép đưa ông Táo về trời nên việc nuôi cá ngày càng phát triển mạnh.
Năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, nhất là hệ thống cấp thoát nước. Tháng 12/2017, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã chứng nhận thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm.
Bình luận