Lúc 6h30, giá Bitcoin trên sàn CoinDesk ở mức 17.182 USD, giảm 8,7%, tương đương mỗi coin bay 1.637 USD. Trong 24 giờ qua, giá Bitcoin giao dịch thấp nhất tại 16.242 USD, cao nhất ghi nhận được là 18.908 USD.
Dữ liệu thống kê từ CoinMarketCap, lượng giao dịch Bitcoin trong 24 giờ qua ở mức 61,3 tỷ USD, giá trị vốn hóa ghi nhận 318 tỷ USD, giảm gần 27 tỷ USD.
Trên sàn Vicuta, giá Bitcoin cũng điều chỉnh giảm khoảng 9%, mua vào mức 393,4 triệu đồng, bán ra mức 407,3 triệu đồng.
Hiện chưa rõ vì sao giá Bitcoin lao dốc thê thảm trong 48 giờ qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các nhà đầu tư ào ạt bán chốt lời và thị trường điều chỉnh sau đợt tăng sốc có thể là nguyên nhân.
Trong khi đó, cũng có quan điểm cho rằng đợt giảm giá lần này sẽ là bài kiểm tra liệu thị trường tiền kỹ thuật số có thực sự đang phát triển bền vững hay chỉ đơn thuần là lặp lại viễn cảnh sự kiện thiết lập mức đỉnh 2017 rồi sau đó sẽ chứng kiến “bong bóng vỡ vụn”.
Các tiền ảo vốn hóa nhỏ hơn cũng giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ đà lao dốc của Bitcoin. Cụ thể, Ethereum giảm 8,4% xuống 518,9 USD, vốn hóa ghi nhận mức 59 tỷ USD, lượng giao dịch trong 24 giờ gần nhất ở mức 31 tỷ USD.
Ripple giảm 14,3% về 0,530 USD, kéo giá trị vốn hóa về mức 24 tỷ USD.
Bitcoin Cash “bay” 14,1% còn 270 USD, đẩy vốn hóa về 5 tỷ USD.
Tương tự Chainlink giảm 11,5%, Litecoin giảm 14,5%, Cardano giảm 11,7%, Polkadot giảm 8,8%, Binancecoin giảm 10,9%...
Tổng vốn hóa toàn thị trường ghi nhận vào lúc 7h là 508,8 tỷ USD, giảm 8,6%.
Tháng 12/2017, sự "điên cuồng" của nhà đầu tư cá nhân đã kéo Bitcoin tăng giá 20 lần. Tuy vậy, sau khi chạm đỉnh, bong bóng vỡ khiến giá Bitcoin về đáy 3.122 USD. Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đặt nghi vấn: Bitcoin liệu có lặp lại lịch sử?
Đa số nhà phân tích thị trường cho rằng đà tăng của Bitcoin lần này khác năm 2017. Trước đây, Bitcoin vẫn chưa sẵn sàng tham gia thị trường tài chính, tiền ảo không có nhiều giá trị ứng dụng, và các hạ tầng còn hạn chế...
Trong khi đó, hiện tại môi trường quản lý đã rõ ràng hơn nhiều. Các cơ quan chính phủ, như Sở thuế Mỹ và Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đều ra quy định quản lý tiền ảo. Việc này giúp nhiều công ty như CME Group, Intercontinental Exchange và Fidelity Investments bắt đầu cung cấp dịch vụ mua bán tài sản số.
Bitcoin cũng đang được ứng dụng nhiều hơn hẳn trong ngành tài chính so với năm 2017. Các nền tảng hướng đến bán lẻ cũng đang tăng cường phục vụ nhu cầu giao dịch tiền số.
Đặc biệt, sự xuất hiện của các hạ tầng mới đã giúp nhà đầu tư chuyên nghiệp, từ các quỹ đến công ty đầu tư của gia đình, dễ tiếp cận hơn với tiền số.
Bình luận