• Zalo

Giá bán lẻ điện bình quân sẽ được xem xét điều chỉnh

Thị trườngThứ Sáu, 24/03/2023 15:22:57 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ Công Thương cho biết, giá điện bán lẻ điện bình quân có thể trong năm nay được xem xét điều chỉnh, căn cứ theo cơ chế điều chỉnh khung giá bán lẻ điện bình quân.

"Thời gian tới, tình hình thế giới vẫn tiếp tục phức tạp khó lường, sẽ ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu… Do đó các Bộ ngành, địa phương cần chủ động đưa ra các giải pháp để ứng phó".  Đây là yêu cầu của Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý I/2023.

Báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả điều hành giá quý I/2023 cho thấy, thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen, giá vật liệu xây dựng có biến động tăng trong Quý I.

Giá bán lẻ điện bình quân sẽ được xem xét điều chỉnh - 1

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I năm 2023, CPI ước tăng khoảng 4,2%-4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Về điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng, ổn định tiền tệ, thị trường ngoại hối, cung ứng dòng vốn tín dụng ra nền kinh tế, vừa hỗ trợ phục hồi nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.  

Trong thời gian tới, dự báo giá năng lượng và các vận tư chiến lược sẽ vẫn có những biến động phức tạp. Căn cứ diễn biến dầu thô và giá dầu thành phẩm thế giới, Bộ Công Thương dự báo giá thành phẩm các mặt hàng này sẽ ở mức 90-100 USD/thùng (giảm 26,15%-39,39% so với cùng kỳ năm ngoái).

Đối với giá điện bán lẻ điện bình quân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 16/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN về phương án giá bán lẻ điện bình quân của năm 2023. Bộ Công thương đã thành lập Đoàn kiểm tra giá điện của năm 2022 và từ đó mới để ra được giá bán lẻ điện bình quân của năm 2023.

Chúng tôi cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính để phối hợp, gửi hồ sơ phương án giá bán lẻ bình quân, đây cũng là điều chắc chắn là phải có điều chỉnh nhưng Bộ Công Thương sẽ làm rất cẩn thận theo đúng các quy định”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Giá dịch vụ vận chuyển hàng không, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, thời gian tới dự báo tình hình thế giới vẫn có những yếu tố phức tạp, khó lường, sẽ có những tác động đến kinh tế đất nước, ảnh hưởng đến hàng hoá, nguồn cung nguyên liệu đầu vào và đầu ra. Vì thế sẽ có những tác động đến mặt bằng giá cả và cung cầu hàng hoá trong nước và xuất khẩu. Yêu cầu đặt ra cho các Bộ, ngành, địa phuơng là chủ động, nắm bắt tình hình để đưa ra các giải pháp ứng phó.

Đồng thời cho biết, CPI bình quân quý I/2023 ước tăng từ 4,2% - 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, dù cao hơn năm ngoái, nhưng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng tới trong nước, kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo kiên định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Điều hành giá.

Giá bán lẻ điện bình quân sẽ được xem xét điều chỉnh - 2

Các đại biểu thảo luận tại cuộc họp.

Từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành, địa phương kiên quyết điều hành giữ lạm phát theo mục tiêu đề ra, phấn đấu thấp hơn kế hoạch đề ra.

Dự báo trong thời gian sắp tới, mặc dù chúng ta không nằm trong nhóm nước có khi chỉ số CPI cao, tuy nhiên, tình hình thế giới thì vẫn tiếp tục phức tạp khó lường ảnh hưởng tới những hàng hóa, nguyên nhiên, vật liệu đầu vào của chúng ta cũng như đầu ra. Do đó, trong thời gian tới các Bộ ngành, địa phương cần phải chủ động nắm bắt tình hình căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, phản ánh nhanh kịp thời đối với những bất ổn để có những giải pháp chỉ đạo tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ kịp thời và hiệu quả”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Đối với chính sách tài khóa và tiền tệ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khai cho rằng, cần tiếp tục điều hành linh hoạt, chủ động. Đặc biệt lưu ý đến công tác xây dựng kịch bản điều hành giá. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ DN, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Nguyễn Hằng(VOV1)
Bình luận
vtcnews.vn