• Zalo

"Ghét" VFF, bầu Đức-bầu Kiên "chiến" Super Liga?

Thể thaoThứ Sáu, 28/10/2011 11:00:00 +07:00 Google News

Super Liga, tại sao không ? Khi mà VFF hết lần này đến lần khác tìm cách "trì hoãn" sự ra đời của VPF

Một ý tưởng tưởng đã được xếp xó giờ lại là thứ không ít NHM nhắc đến khi VFF đột nhiên “phát minh” ra ý tưởng biến VPF thành công ty TNHH. Super Liga, tại sao không ?
Ai trồng cây mà đòi hái quả ?
Theo lộ trình bóng đá chuyên nghiệp cũng như về bản chất V.League là giải đấu của các CLB chứ V.League không phải là của VFF. Chính các CLB (doanh nghiệp bóng đá) đã đổ vốn ra và hơn ai hết họ mới là người có trách nhiệm cao nhất với đồng tiền của mình. Bầu Đức nhiều lần phát biểu: “Tôi đầu tư 1 năm mất 70 tỷ cho bóng đá mà đội đá khán giả càng lúc càng vắng, không ai xem rất đau xót”. 
Super Liga- tại sao không ?
VFF về bản chất là tổ chức xã hội và đã tồn tại hàng chục năm qua theo cơ chế cũ. Lãnh đạo của VFF hầu hết đều là người “nhà nước” đưa sang làm nhiệm vụ quản lý bóng đá và trên danh nghĩa cũng ăn lương công chức. Do đó VFF không phải là người đổ vốn vào V.League và đương nhiên trách nhiệm của họ với giải đấu chắc chắn không bằng các ông chủ CLB.

Những chuyện này rất cũ nhưng cần phải nhắc lại để thấy rằng nếu V.League “có mệnh hệ” nào thì những người đau xót đầu tiên là các ông chủ CLB. Ví dụ như bầu Long của HP.HN suýt chết vì đột quỵ sau trận thua V.Hải Phòng ở Lạch Tray mùa rồi. Bầu Long rất dễ đau tim chứ rất khó để nói ông Nguyễn Trọng Hỷ hay ông Dương Nghiệp Khôi sẽ đau tim vì V.League !
Đó là quy luật kinh tế mà nói ngắn gọn hơn là “Đồng tiền đi liền khúc ruột”. Do vậy chẳng có lý do gì các CLB không sợ mà VFF lại sợ “dễ phá sản” hay “bị người ngoài thao túng” để rồi tìm cách chuyển VPF qua công ty TNHH.
V.League do CLB tạo thành và trả về cho CLB là đúng đắn. Khách quan, việc VFF có đến 36,5% cổ phần ở VPF là quá may mắn cho tổ chức này khi mà số vốn họ có được là do “lịch sử để lại” chứ không phải bằng tài năng, chất xám hay… “của nhà trồng được” !
Super Liga: Giải pháp không tồi
Phía VFF và Tổng cục TDTT đề xuất ý tưởng VPF là Công ty TNHH. Các ông bầu phản ứng quyết liệt. Nếu 2 bên không dung hoà được hoặc VPF không thể ra đời đúng thời hạn để kịp điều hành V.League 2012 cái tên “Super Liga” đột nhiên đã xuất hiện trở lại.
Bầu Đức, bầu Kiên đã nói rất gay gắt: “Nếu các anh (VFF) không chịu thay đổi thì tôi sẵn sàng bỏ V.League ngay tức thì”. Vậy Super Liga đâu phải là giải pháp không khả thi.

Super Liga chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt thành (Ảnh: Quang Minh)

Về mặt pháp lý, Super Liga ra đời với một nhóm 7 CLB ly khai với V.League, có thể không được FIFA công nhận ngay nhưng không phải là giải đấu bất hợp pháp. Các ông bầu hoàn toàn có quyền lập ra BTC Super Liga, thuê người điều hành, lên lịch và thuê sân để thi đấu với nhau. Chẳng có cái luật nào ở Việt Nam “bắt bỏ tù” những người tổ chức giải bóng đá và đá bóng cả.
Điều quan trọng nhất, bản chất câu chuyện không phải là đem “ông FIFA” hay “ông nhà nước” ra doạ mà giữa V.League và Super Liga, giải đấu nào mới được NHM quan tâm, CĐV ủng hộ và báo chí theo dõi nhiều hơn. Chắc mới hình dung đến đây, không ít “quan” ở VFF và Tổng cục TDTT đã vã mồ hôi !
Bầu Kiên từng phát biểu ở lẽ tổng kết mùa giải 2011 đúng 2 tháng trước: “Theo tôi Super Liga là ý tưởng tiêu cực” nhưng ở thời điểm này, Super Liga mới là thứ ánh sáng để le lói hy vọng cho NHM bóng đá nước nhà khi VPF chẳng biết khi nào mới ra đời.
Chứ một V.League thuộc công ty TNHH VPF còn nằm dưới sự kiềm toả của VFF thì cũng: “Ánh sáng cuối đường hầm nhưng là ánh sáng của… tàu hoả”.

Theo Thể thao 24h

Bình luận
vtcnews.vn