• Zalo

Ghế chủ tịch VFF: Ly cà phê chế từ đậu nành

Thể thaoThứ Năm, 19/07/2012 08:16:00 +07:00Google News

Hôm qua, đọc tiêu đề một bài báo, giật mình "Chủ tịch VFF muốn từ chức mà không được". Hóa ra, ghế lãnh đạo VFF lúc này vừa khó, lại vừa khổ rồi.

Nhiều người nói, đoàn VĐV Việt Nam sang London dự Olympic lần này cũng chỉ dám hy vọng chút ít thôi, cho dù tiền thưởng treo đã ở mức kỷ lục: 1 tỷ cho một chiếc HCV. Thậm chí môn takewondo, có nhà tài trợ riêng, nếu có vàng, ẵm 2 tỷ. Ngon đấy nhưng mà cao quá.

Trên thực tế, nếu Olympic không phải là cuộc thi thể thao mà chỉ… nhang nhác thể thao thì có lẽ đoàn VĐV Việt Nam đã hùng hậu và có khả năng đoán HCV cao hơn nhiều.

Chẳng hạn, thay vì môn vượt rào, Ủy ban Olympic đưa vào môn "đạp cổng trường, chạy tốc độ" hẳn nhiều vị phụ huynh muốn con vào trường thực nghiệm dạo nào, chắc chắn có HCV. Chẳng có cái đích quan trọng nào bằng "vì tương lai con em chúng ta". Tất nhiên, ở vạch đích phải là tờ đơn đăng ký xin học.

Chủ tịch VFF muốn từ chức mà không được. 

Nếu là môn "lặn một hơi mất tăm", chúng ta đã có ứng cử viên nặng ký: ông sếp ở một ngành nọ bị truy tố đã nhanh chóng lặn một hơi cả tháng nay, chưa thấy sủi bọt. Cái kiểu lặn ấy, thách thức toàn thế giới.

Hoặc thay vì nâng tạ bằng nội dung nâng… cán bộ thì bất kỳ người dân nào ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa cũng là ứng cử viên cho chiếc HCV. Các lực sỹ thật sự, chỉ ăn với nâng tạ, cũng chỉ nâng trong khoảng thời gian nhất định. Nhưng dân ở Quảng Vinh "cõng" 500 ông cán bộ xã (hoặc có thể thấp hơn thế chút ít) bao nhiêu năm nay, cả ngày lẫn đêm.

Đó mới là những nhà vô địch…

Tất nhiên là để nói cho vui, để khẳng định về khả năng tiềm tàng mà chúng ta có.

Người ta hay nói: "Nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nửa sự thật thì không còn là sự thật". Câu này nghe thì hay đấy, nhưng cũng có khi phải xem lại.

Đơn cử như ly cà phê mà quý vị đang uống. Xin lỗi, nó không chắc là cà phê mà có khi là đậu nành rang cộng với hóa chất. Chuyện này đã bị phát giác rồi, nghĩa là chẳng có cà phê gì cả, chỉ có "mùi", ấy vậy mà vẫn gật gù. Dám chắc là sau khi "công nghệ" làm giả cà phê được đưa ra ánh sáng, nhiều quý ông mới giật mình: "Sao uống cà phê vào còn… ngủ ngon hơn bình thường". Hay là quay lại hỏi bà chủ quán?

Người dân mình để phân biệt cái thật và cái không thật chẳng dễ dàng (khác với phân biệt cái bánh mì và nửa cái) nên cứ phàm mua gì là cố hỏi đi hỏi lại cho chắc "có phải đồ thật không". Khi người bán nói bừa "đồ xịn" thì cũng tặc lưỡi cho qua.

Cũng có dạo, người ta yêu cầu "nước mắm làm từ hóa chất", nghĩa là không làm từ cá và qua "công nghệ" cổ truyền thì không được gọi là nước mắm. Vấn đề là nếu không gọi như vậy thì gọi… như thế nào? Và từ điển tiếng Việt sẽ dày thêm rất nhiều bởi những thứ "nhai nhái" như vậy đang tràn lan ngoài đường, hay đã len lỏi vào gian bếp mỗi gia đình.

Người Việt có câu rất hay: "Khuất mắt trông coi". Đó cũng là một loại tâm lý kiểu không thấy bẩn nghĩa là sạch, không nhìn thấy coi như không có, không thấy là được, "khuất mắt trông coi", tự an ủi mình và tự an ủi người trong một cuộc sống ô nhiễm được cho là  cũng là cách để tồn tại?

Nói dông dài để thấy cái thật và không thật mỏng manh, cái không thật có khi còn biến ảo, muôn hình vạn trạng hơn.

Hôm qua, đọc tiêu đề một bài báo, giật mình "Chủ tịch VFF muốn từ chức mà không được". Hóa ra, ghế lãnh đạo VFF lúc này vừa khó, lại vừa khổ rồi.

Hy vọng không giống câu chuyện của đoàn "Olympic Việt Nam B", chuyện ly cà phê đậu nành hay nước mắm hóa chất…

Bóng đá Việt đang rất cần sự thật, đừng làm nó thêm nháo nhào bởi những điều chưa chắc đã thật tâm.



Song An (Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn