• Zalo

GenZ sống cực kỳ hoang phí 'kiếm bao nhiêu tiêu bằng hết, cần gấp thì đi vay'

Diễn đànThứ Tư, 16/10/2024 14:31:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Không có thói quen tiết kiệm, nhiều genZ đang sống cực kỳ hoang phí, kiếm được bao nhiêu tiền đều tiêu bằng hết và đến lúc cần thì lại đi vay.

Làm sáng tạo nội dung, thu nhập mỗi tháng của Ngô Thanh Vân (SN 1999, Hà Nội) lên tới 14-15 triệu đồng. Không mất tiền thuê trọ, cũng không mất tiền ăn uống sinh hoạt vì ở cùng bố mẹ nhưng cuối tháng Vân không tiết kiệm được đồng nào vì thói quen tiêu sài thoải mái.

Vân nghiện mua sắm online, đặc biệt những đợt giảm giá, Vân có thể thức cả đêm để săn sale. Có những món đồ chỉ mua cho vui, thoả mãn đam mê tiêu tiền, chính cô gái trẻ này cũng không biết công dụng thật sự của chúng.

"Một tháng không đặt tới mười mấy đơn hàng là em thấy bứt rứt", Vân cho biết, không chỉ dành tiền mua sắm mà cũng thường xuyên tụ tập bạn bè đi chơi và xem phim. Cô nàng hào phóng còn sẵn sàng chi tiền đãi bạn bè ăn những món ngon khi thấy bạn than "nghèo" hoặc "lương chưa về".

GenZ có xu hướng kiếm bao nhiêu tiêu bằng hết. (Ảnh minh hoạ)

 GenZ có xu hướng kiếm bao nhiêu tiêu bằng hết. (Ảnh minh hoạ)

Trần Thu Thảo (SN 2000, Phú Thọ) cũng yêu thích cảm giác được tiêu tiền thoải mái sau một tháng lao động miệt mài.

Cô nàng quan niệm, tiêu tiền do chính mình làm ra theo cách mình thích là điều bình thường. Lương tháng không quá cao nhưng Thảo có đam mê mua hàng hiệu, gần như tháng nào cũng phải mua đôi giày hoặc chiếc túi xách. Trị giá món đồ có thể bằng nửa tháng lương của Thảo. 

"Tiết kiệm được vài đồng nhưng ăn uống kham khổ, không được mua thứ mình thích thì cuộc sống làm gì còn ý nghĩa", Thảo quan điểm tiền tiêu rồi sẽ sớm kiếm lại được "cứ tiêu khi còn có thể".

Cần gấp thì đi vay

Như nhiều bạn trẻ genZ khác, Nguyễn Nhật Minh (SN 2001, Hải Phòng) có thu nhập ổn định từ công việc nhân viên văn phòng nhưng lại không có thói quen tiết kiệm.

Minh kể: "Em muốn hưởng thụ ngay khi nhận lương, điều này mang đến cho em cảm giác như bản thân được tự do tài chính". Thế nhưng sự tự do ấy chỉ kéo dài khoảng nửa tháng đầu khi mới nhận lương.

Minh từng vay tiền qua ứng dụng trực tuyến để mua điện thoại tặng người yêu, để rồi nửa năm nay, chàng trai trẻ "còng" lưng gánh nợ. Không có thói quen tích góp tiền, cũng không có kế hoạch trả nợ cụ thể, Minh phải vay tiếp để trả nợ khoản vay trước đó. "Ban đầu, em nghĩ trả từ từ thì không sao, nhưng ngày càng vay nhiều và càng thấy khó trả dứt điểm. Giờ em loay hoay tìm cách trả nợ và không còn dám tiêu xài như trước nữa", Minh chia sẻ.

Không khác Minh là bao, chỉ 1 tuần sau khi nhận được lương tháng, Vũ Phi Long (SN 2001, Hà Nam) đã tiêu mất quá nửa. Nói là tiêu nhưng thực chất chàng trai trẻ này chủ yếu dành tiền cho việc trả nợ khoản vay thẻ tín dụng tháng trước.

Nhiều genZ không có thói quen tiết kiệm. (Ảnh minh hoạ)

 Nhiều genZ không có thói quen tiết kiệm. (Ảnh minh hoạ)

Duy trì thói quen tiêu tiền trước, hết thì vay sau nên cứ khi có việc gấp Long lại phải cầu cứu sự hỗ trợ của bạn bè. Thậm chí chàng trai trẻ phải vay chỗ này để trả vào chỗ khác. Các khoản nợ chồng chéo khiến Long mệt mỏi. Thời gian gần đây Long còn mất ngủ vì nghĩ cách xoay sở tiền.

Câu chuyện của Minh và Long là ví dụ điển hình về việc tiêu xài không có kế hoạch và phụ thuộc vào các khoản vay ngắn hạn của genZ. Việc lún sâu vào nợ nần không chỉ ảnh hưởng đến tài chính mà còn gây áp lực tâm lý đáng kể.

Khác với các thế hệ trước, genZ lớn lên cùng với sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử, các ứng dụng tài chính kỹ thuật số, và hệ thống thanh toán trực tuyến. Thói quen mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và sự tiện lợi của các dịch vụ tài chính số đã khiến chi tiêu trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn bao giờ hết. Họ có thể "mua ngay, trả sau" hoặc dễ dàng vay tiền thông qua các ứng dụng và nền tảng tài chính chỉ trong vài cú nhấp chuột. 

Với việc mua bán, vay mượn dễ dàng, genZ có thể không cảm nhận được hết sức ép của việc nợ nần cho đến khi khoản vay trở thành gánh nặng. Lãi suất cao của các khoản vay ngắn hạn và việc không có kế hoạch trả nợ cụ thể có thể dẫn đến vòng luẩn quẩn tài chính, khiến họ phải vay tiếp để trả nợ cũ, làm tình hình tài chính cá nhân ngày càng khó kiểm soát.

TS Huỳnh Thanh Điền lo ngại thực trạng, một bộ phận genZ hiện nay có lối sống vô lo vô nghĩ, làm đến đâu tiêu hết đến đó, "điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro".

"Việc tiết kiệm, tích lũy, chủ động tài chính cho tương lai rất quan trọng. Nếu các bạn phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập, không có tiền tích luỹ, khi gặp rủi ro không thể lao động sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, các bạn trẻ phải rèn thói quen tích luỹ tài sản cho bản thân bên cạnh thu nhập mỗi tháng, làm chủ cuộc sống chính mình", TS Thanh Điền nói.

TS Điền cũng cho hay, không phải toàn bộ thế hệ genZ có lối sống như vậy, nhiều bạn trẻ bắt đầu quan tâm đến xu hướng tối giản trong cuộc sống, cắt giảm những thứ lãng phí. Các quy luật tiết kiệm, chi tiêu, đầu tư nhỏ, sử dụng đồng tiền thông minh hay chủ động tài chính được nhiều người trẻ biết đến hơn. Những bạn nắm bắt tốt sẽ có định hướng tiêu dùng tối giản, thân thiện với môi trường, đúng với xu hướng. Từ đó, tiết kiệm tiền để có vốn nhỏ đầu tư, phát triển cho tương lai sớm.

Bình luận
vtcnews.vn