Trong báo cáo "Tầm nhìn dài hạn: Trật tự kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050?" vừa được PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố sáng nay, năm 2016, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 32 thế giới, với GDP tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP) là 595 tỷ USD. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng trung bình được dự báo là nhanh nhất thế giới giai đoạn 2016-2050 là 5,1% mỗi năm, thứ hạng của Việt Nam sẽ liên tục cải thiện.
Theo dự báo của PwC, đến năm 2030, GDP theo PPP của Việt Nam sẽ đứng thứ 29 thế giới, với 1.303 tỷ USD. Con số này năm 2050 là 3.176 tỷ USD, kéo nền kinh tế lên thứ 20.
Tuy nhiên, PwC cho rằng trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các sự kiện chính trị lớn, như Anh rời EU và Mỹ thay Tổng thống..., kinh tế toàn cầu sẽ có thêm những biến động lớn nữa cho đến năm 2050. Vì vậy, để thành công, Việt Nam cần tăng trưởng dựa trên nền tảng tái cơ cấu kinh tế bền vững hơn, thể chế hoàn thiện hơn, và nền giáo dục chất lượng hơn để người lao động đóng góp thực sự hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Trong báo cáo gần đây nhất năm 2015, PwC tính toán năm 2050, GDP Việt Nam sẽ đứng thứ 22 thế giới với 3.430 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,3% - cũng thuộc top cao nhất thế giới.
Báo cáo của PwC đưa ra dự báo về triển vọng tăng trưởng GDP của 32 nền kinh tế lớn nhất đang chiếm tổng cộng 85% GDP thế giới. Theo đó, quy mô kinh tế toàn cầu có thể tăng gấp đôi vào năm 2042. Tốc độ tăng trưởng thực tế hằng năm sẽ vào khoảng 2,5% giai đoạn 2016-2050. Các thị trường mới nổi và đang phát triển sẽ là động lực chính của sự tăng trưởng này.
PwC cũng cho biết nếu tính theo PPP, Trung Quốc đã vượt Mỹ thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, với hơn 21.200 tỷ USD (cao hơn gần 3.000 tỷ USD). Khoảng cách này sẽ ngày càng nới rộng cho đến năm 2050. Thậm chí, Mỹ được dự báo rơi xuống vị trí thứ 3 năm 2050, xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2050, có tới 6 đại diện là các nền kinh tế mới nổi. Trong khi đó, Nhật Bản, Anh, Đức đều tụt hạng. Pháp thậm chí rơi khỏi top 10.
Báo cáo ước tính khoảng cách về thu nhập bình quân giữa các nước mới nổi và phát triển sẽ thu hẹp dần. Tuy vậy, việc loại bỏ hoàn toàn sự chênh lệch này sẽ còn mất nhiều năm nữa.
Kinh tế trưởng của PwC - ông John Hawksworth nhận xét: "Năm 2016, GDP bình quân đầu người của Mỹ gấp gần 4 lần Trung Quốc và gần 9 lần Ấn Độ. Đến năm 2050, khoảng cách chênh lệch này sẽ được thu hẹp lại. Khi đó, thu nhập bình quân tại Mỹ có thể sẽ gấp đôi Trung Quốc và gấp 3 Ấn Độ. Tuy nhiên, bất bình đẳng thu nhập nội bộ các nước sẽ tiếp tục tăng, chủ yếu vì công nghệ phát triển đang tạo ra ngày càng nhiều lợi thế cho lao động kỹ năng cao và chủ sở hữu vốn".
Bình luận