Thứ trưởng cho biết, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao, nhất là về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra 6-6,5%.
Trước đó, tốc độ tăng trưởng GDP được kỳ vọng đạt 7-7,5%. Nhưng trên cơ sở GDP quý III là 13,67% và lũy 9 tháng đạt 8,83%, Thứ trưởng Trần Duy Đông dự kiến khả năng GDP cả năm đạt 8%.
Kết quả nổi bật tiếp theo của năm 2022 được báo cáo là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, ước cả năm GDP tăng trưởng cao hơn kế hoạch, được các tổ chức quốc tế có uy tín đồng thuận đánh giá cao.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước cả năm vượt 14,3% so với dự toán, tạo dư địa trong điều hành tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, hạn mức tăng trưởng tín dụng được điều hành phù hợp, hướng tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước tăng khoảng 9,5% lên 368 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện ước đạt 21-22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4-11,5%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước tăng 10,7%, là động lực để nền kinh tế đẩy nhanh việc mở rộng năng lực sản xuất trong thời gian tới. Công tác điều hành giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng, dầu, sách giáo khoa được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả. Các khu vực kinh tế tăng trưởng tốt so với năm 2021. Cân đối điện, xăng dầu, lương thực được bảo đảm.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết vẫn có 1/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, ước tăng khoảng 5,2% (mục tiêu đề ra là 5,5%).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, nguyên liệu vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao, xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số lĩnh vực tại một số địa phương là trung tâm công nghiệp trọng điểm, áp lực lớn lạm phát từ bên ngoài. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro.
Trong giai đoạn cuối năm, Thứ trưởng nêu rõ cần tập trung triển khai đồng bộ và hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Theo dõi chặt chẽ diễn biến chính sách của các nước lớn, là đối tác thương mại và đầu tư chủ yếu của Việt Nam.
Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý... nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ngoài ra, tập trung giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ; quan tâm, chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội; có các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động...
Bình luận