• Zalo

Gặp thợ săn hổ cuối cùng trên thượng ngàn Pù Luông

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 29/06/2015 06:22:00 +07:00Google News

Ở Mường Khoòng, hổ từng là nỗi khiếp đảm khiến ban đêm chẳng mấy ai dám bước chân ra khỏi nhà.

Ở Mường Khoòng, hổ từng là nỗi khiếp đảm khiến ban đêm chẳng mấy ai dám bước chân ra khỏi nhà.


Chúng tôi tìm về ngôi nhà sàn to nhất Mường Khoòng của thợ săn hổ nức tiếng một thuở tên Lò Văn Kim (93 tuổi), thôn Báng xã Thành Sơn, Bá Thước, Thanh Hóa để tận tai nghe chuyện hổ hoành hành, bắt người nơi đây. Ở Mường Khoòng, hổ từng là nỗi khiếp đảm khiến ban đêm chẳng mấy ai dám bước chân ra khỏi nhà.

Đêm đêm Mường Khoòng hổ hại người

Bản Báng thuộc vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Dãy núi Pù Luông có đỉnh cao nhất khoảng 1700 mét so với mặt biển. Khí hậu tại đây mát mẻ quanh năm, thế nên người dân đến khai phá vùng đất này khá sớm, cách nay khoảng năm thế kỷ. Đây cũng là địa danh cuối cùng của Mường Khoòng (Thanh Hóa) tiếp giáp với Mường Hịch (Mai Châu, Hòa Bình).

Nghe kể, ngày đó thay vì chỉ xuất hiện ban đêm, hổ đi hàng đàn vào ban ngày. Chúng xuống khắp làng trên, bản dưới bắt người, thú nuôi... sự dữ tợn ấy làm tất thảy con người đều khiếp sợ. Khi được hỏi về ký ức diệt hổ, đôi mắt cụ Kim như ánh lên ký ức xưa. Con trai cụ Kim là ông Lò Văn Huyện (62 tuổi), người trực tiếp khiêng xác hổ và cũng là thợ săn nức tiếng một thuở kể cho chúng tôi nghe chuyện về “ông ba mươi”.

anh và vuốt hổ được cha con ông Huyện lưu giữ cẩn thận để tưởng nhớ đến vết tích “ông ba mươi” hoành hành một thuở 

Ông Huyện còn nhớ rõ vào một chiều mùa thu năm 1962, đàn bò của ông chăn thả trên đồi bị hổ vồ chết cả thảy 9 con. Gia súc cả vùng cũng bị mất mát tương tự. Chính vì “ông ba mươi” hoành hành nên người dân đã tập hợp lại đây bàn mưu, tính kế lập phường săn. Các quy ước của cánh thợ được đề ra chặt chẽ như: không được to tiếng, không nói thẳng tên con thú và “lái tên” theo cách gọi định sẵn. Đặc biệt là, tất cả họ không “gần gũi” phụ nữ trước khi đi săn.

Ông Huyện hào hứng kể: “Đó là những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, cha tôi (tức cụ Kim - PV) phát hiện con hổ lúc ẩn lúc hiện bám theo sau tốp săn. Khi con hổ xuất hiện, ông nhằm đúng sườn bắn, mũi tên cắm sâu làm con hổ bỏ ý định vồ người mà vụt chạy. Ngày hôm sau dân làng nhận định hổ trúng tên độc của cha nhất định sẽ suy kiệt mà chết nên tổ chức truy tìm. Đoàn người lần theo dấu chân và phát hiện con hổ chết trên một tảng đá to sau núi.

Chúng tôi phân công nhau đưa xác hổ về nhà trong niềm hân hoan vì trừ được mối nguy hại cho bản làng. Tôi được giao nhiệm vụ chặt cây làm đòn gánh, người khác lấy dây rừng làm dây thừng, chúng tôi phải chọn loại dây mềm dễ buộc và chắc chắn. Bốn người lực lưỡng thay nhau khiêng về nhà. Trên đường về phải phân công người “trinh sát” đi trước, đi hai bên và một tốp bám theo sau “khóa đuôi”, đề phòng đàn hổ trả thù.

Về đến đầu bản, tiếng chiêng ngân vang khắp mường báo hiệu đoàn săn chiến thắng. Dân làng tề tựu về đây đông như hội, đám trẻ được nô đùa quanh chính nỗi khiếp đảm của chúng. Anh em họ hàng đến chung vui, họ mang theo cân gạo nếp, chai rượu, ít tiền lẻ góp hội. Tiếng chiêng, tiếng trống vui tươi, vang dội khắp núi rừng.

Hi vọng một lần được nghe tiếng hổ kêu

Thời điểm đó số lượng hổ nhiều, chúng hoành hành khiến dân làng luôn trong cảnh nơm nớp sợ hãi. Bởi thế, hễ nên ai diệt được “chúa sơn lâm” đều được người trong vùng xem như dũng sỹ tạo phúc cho làng. Ông Huyện trải lòng: “Khi ấy, chỉ vì chúng tôi phẫn uất với hành động của loài hổ, và cũng chỉ vì tự vệ mà phải dùng đến thuốc độc. Đó là loại thuốc được chế từ nhựa cây Noóng. Cách pha chế loại thuốc này rất công phu”.

Nói rồi, ông Huyện thuật lại các bước lấy độc Noóng, đầu tiên người ta lấy một máng nước nhỏ đặt mũi tên vào trong đó rồi đổ nhựa cây Noóng đã pha chế lên. Sau vài giờ ngâm, tên được đưa ra phơi nắng, đồng thời người lấy tên ra phải giả vờ tiếng hổ gầm rú lúc sắp tắt thở. Sở dĩ phải giả tiếng kêu của hổ là để “yểm” lấy may mắn, nếu không làm vậy dù tên có bắn trúng hổ cũng không tác dụng. Cũng theo ông Huyện, ngoài con hổ cha ông bắn được, không ít người còn hạ được hai con trong một ngày.

Thợ săn hổ Lò Văn Huyện chỉ hy vọng ngày nào đó
lại được nghe tiếng hổ kêu nơi núi rừng  

Giờ đây trên các nếp nhà sàn, đồng bào xem vô tuyến thấy phim tài liệu về hổ châu Phi, ký ức xưa của lớp người như ông Huyện lại hiện về. Những khi ấy, ông Huyện và cha lại lấy “kỷ vật” là chiếc móng và răng con hổ săn được ra ngắm nghía.

Khác với cảnh hân hoan ngày trẻ, giờ đây hai cha con ông Huyện buồn thiu vì loài thú oai phong, niềm kiêu hãnh một thời của núi rừng Pù Luông đã không còn nữa. Gia đình ông Huyện là một trong những hộ đầu tiên của địa phương giao nộp súng săn và tích cực tham gia bảo vệ rừng. “Tôi giờ già rồi, chỉ hy vọng ngày nào đó lại được nghe tiếng hổ kêu nơi núi rừng” – ông Huyện trải lòng.

Ông Ngân Anh Giống, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: “Những năm 1950-1960 tại địa phương còn nhiều hổ, chúng thường đến quấy phá bắt người, vật nuôi của dân. Có người trong xã bắn được con hổ dài đến 12 thước tay (ước dài tính trên 3 mét - PV). Ngày xưa chưa có súng săn người ta chỉ dùng tên nỏ, mũi tên được tẩm độc. Hiện nay người dân địa phương chấp hành tốt chủ trương bảo vệ rừng của Nhà nước, không săn bắn thú nữa”.


Nguồn: Sơn Hà(Pháp luật VN)
Bình luận
vtcnews.vn