• Zalo

Gặp khó vì COVID-19, Doanh nghiệp quảng cáo ở Hà Nội phải chuyển nghề

Kinh tếThứ Năm, 27/05/2021 11:05:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tổn thất nghiêm trọng sau 2 năm liên tiếp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp quảng cáo ở Hà Nội đang rơi vào “quẫn bách”.

Trước khi chưa có dịch COVID-19 xảy ra, doanh nghiệp chuyên làm bảng, biển, pano, băng rôn quảng cáo  của anh Nguyễn Tuấn Anh, ở đường Chiến Thắng, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội tạo việc làm cho gần 20 lao động với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Doanh nghiệp phải chuyển nghề

Vốn là người trẻ, năng động lại được đào tạo tại trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội nên có chuyên môn, năm 2018 anh đã mở công ty quảng cáo và nhận việc làm trên khắp địa bàn Thành phố Hà Nội. Càng làm, càng mở rộng quan hệ nên anh có nhiều mối làm ăn, tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động. Cũng nhờ vậy mà doanh thu của doanh nghiệp bình quân đạt gần 2 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, hoạt động vừa tròn 2 năm và còn rất non trẻ, nhưng đã gặp phải khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản vì đại dịch COVID-19.

Gặp khó vì COVID-19, Doanh nghiệp quảng cáo ở Hà Nội phải chuyển nghề - 1

Là nghề có thu nhập, nhưng do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp quảng cáo rơi vào khó khăn.

Anh Tuấn Anh cho biết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tạm dừng hoặc hạn chế hoạt động và cắt giảm những chi phí biển, bảng quảng cáo, băng rôn. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách, doanh nghiệp của anh gần như không có việc làm.

"Để cắt giảm chi phí phát sinh khi không có việc làm, tôi buộc phải cho hầu hết người lao động nghỉ việc về quê phòng dịch. Họ là những người lao động đã gắn bó với mình vài năm, nhưng do không thể “cầm cự” nên tôi buộc phải cho nghỉ không lương. Dù rất thương người lao động nhưng tôi không còn cách nào khác”, anh Tuấn Anh than thở.

Không chỉ có doanh nghiệp của anh Tuấn Anh, mà trên đường Chiến Thắng còn có hàng chục hộ gia đình sản xuất và làm biển, bảng quảng cáo cũng rơi vào hoàn cảnh không thể nào khác được.

Anh Vũ Huy Hà, một gia đình chuyên làm biển quảng cáo trên đường Chiến Thắng cũng than thở: “Không có việc làm, không có thu nhập, để duy trì cuộc sống cho 2 thành viên trong gia đình và hai lao động, tôi đã phải chuyển sang buôn bán rau, củ quả để mưu sinh”.

Cần chính sách hỗ trợ để phục hồi

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, hoạt động quảng cáo những năm gần đây vốn đã khó khăn do một số cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ thì trong hai năm 2020-2021 vướng phải đại dịch COVID-19 lại càng khó khăn hơn.

Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp quảng cáo, tổ chức sự kiện, hội chợ, triển lãm, cung ứng vật tư, thiết bị quảng cáo... hầu như bị tê liệt, đình đốn. Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng dịch bệnh, quảng cáo báo chí, truyền hình vốn là thế mạnh bị giảm sút nặng nề và bị lấn át bởi quảng cáo trên mạng xã hội.

Gặp khó vì COVID-19, Doanh nghiệp quảng cáo ở Hà Nội phải chuyển nghề - 2

Để phục hồi nghề làm biển bảng quảng cáo, rất cần chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội trong 2 năm 2020 – 2021 có tới 97,7% thành viên của Hội Quảng cáo bị giảm từ 60-80% doanh thu do dịch COVID-19. Trước những khó khăn này, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có văn bản trình bày khó khăn và kiến nghị cho các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời - in ấn - tổ chức sự kiện được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp quảng cáo được tiếp cận, áp dụng đầy đủ, bình đẳng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như doanh nghiệp của các ngành nghề khác.

Trong đó có những giải pháp cấp bách như: xem xét cho các doanh nghiệp quảng cáo được miễn giảm thuế thu nhập, thuế đất, cho vay vốn ưu đãi để các doanh nghiệp nối lại chuỗi thời gian đứt gãy, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ, các bộ Công thương, Thông tin và Truyền thông, ngành cho các doanh nghiệp được giảm, gia hạn thuế và miễn tiền lệ phí quảng cáo năm 2020-2021. Đồng thời, được gia hạn thuê miễn phí một năm đối với các bảng thuê đất của Nhà nước để bù cho thời gian mất khách do dịch bệnh gây ra.

“Chỉ có như vậy mới hy vọng các doanh nghiệp quảng cáo phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội và không bị rơi vào phá sản”, ông Sơn kiến nghị.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn