• Zalo

Gặp 'Em bé Bảo Ninh' bằng xương bằng thịt sau 57 năm

PhimChủ Nhật, 01/05/2022 18:31:00 +07:00Google News

Cậu bé làng chài băng mình trong khói bom để tiếp đạn cho bộ đội 57 năm trước, nhân vật trong bài thơ "Em bé Bảo Ninh", kể lại những ngày cùng cả nước đánh Mỹ.

“Bên bờ Nhật Lệ
Dưới trời lửa khói
Em như cánh tên
Bay trên cồn cát
Rẽ gió xông lên
Cởi khăn quàng đỏ
Bọc đạn chuyển đi
Trận địa bom nổ
Khó khăn sá gì...”.

Những vần thơ giản dị, ngắn gọn, súc tích ấy, cách nay hơn nửa thế kỷ đã thôi thúc tôi đi tìm “Em bé Bảo Ninh” – một thời là biểu tượng về lòng dũng cảm của bao lớp thanh thiếu niên trong những năm tháng đất nước quật cường đánh Mỹ.

“Khó khăn sá gì”

Tháng 2/1965, khi bầu trời thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) như bị xé toạc bởi hàng trăm quả bom dội xuống, có một cậu bé băng mình qua những đồi cát đang bị cày xới nham nhở, bụi tung mù mịt để tiếp đạn cho bộ đội và dân quân bắn máy bay. Đó là Trương Hương, một cậu bé làng chài đã trở thành nhân vật trong bài thơ “Em bé Bảo Ninh” của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Văn Dinh và sau này được nhạc sĩ Trần Hữu Pháp phổ nhạc.

Ca từ giản dị, âm hưởng réo rắt của bài hát, một thời thôi thúc bao lớp thanh thiếu niên anh dũng, kiên cường trong đánh Mỹ.

Gặp 'Em bé Bảo Ninh' bằng xương bằng thịt sau 57 năm - 1

“Em bé Bảo Ninh” ngày ấy

Hơn nửa thế kỷ sau, chúng tôi gặp lại “Em bé Bảo Ninh” ngay tại mảnh đất ngày xưa đạn bom cày xới. Đón chúng tôi trong căn nhà khang trang tại thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, ông Hương bắt đầu câu chuyện vào ngày 7/2/1965 lịch sử… Đó là một ngày mùa xuân, khi người dân Bảo Ninh nô nức hưởng ứng Tết trồng cây do Bác Hồ phát động.

Vào thời điểm ấy, ở làng chỉ còn trẻ con, người già bởi tất cả người lớn đang tham gia trồng cây chắn cát và chắn sóng ven biển. Đúng lúc đó, hàng chục máy bay Mỹ ào ạt tập kích ném bom thị xã Đồng Hới và các vùng phụ cận. Làng cát Bảo Ninh cũng mịt mù trong khói bom.

Khi ấy, Trương Hương 15 tuổi, đang trú ẩn dưới hầm cùng các bạn nhỏ. Trận chiến kéo dài từ sáng đến trưa. Ngồi dưới hầm, cậu bé Hương lắng nghe tiếng súng bắn trả của bộ đội và dân quân thưa dần, trong lúc hàng chục máy bay Mỹ vẫn vần vũ trên bầu trời, bom nổ như long trời lở đất.

“Đây là trận đầu tiên máy bay Mỹ ném bom xuống thị xã Đồng Hới, khởi đầu cho chiến dịch mở rộng chiến tranh ra miền Bắc của Đế quốc Mỹ sau 'Sự kiện Vịnh Bắc Bộ'. Có lẽ là do trận đầu nên bộ đội và nhân dân ta chưa quen nên hơi lúng túng. Trận địa súng phòng không và pháo cao xạ của bộ đội và dân quân ở dưới mặt đất đã thiếu đạn để đánh trả quân thù” - ông Hương nhận định.

Trong tình cảnh ngặt nghèo ấy, cậu bé Hương đã lao lên khỏi hầm, chạy đến kho chứa đạn, trong phút chốc, thân hình bé nhỏ của cậu thoăn thoắt len lỏi giữa khói bom và mịt mù cát bụi “cõng” từng thùng đạn mang về trận địa.

“Khi ấy tôi vừa bước sang tuổi 15 nhưng người nhỏ thó, chỉ khoảng chừng 32 kg. Mỗi thùng đạn nặng từ 20 đến 30 kg nhưng không hiểu sao lúc đó chẳng thấy nó nặng chút nào. Từ kho chứa đạn đến trận địa phòng không khoảng 4 km, không có đường mà chỉ toàn cát trắng, tôi chạy đi chạy về cả chục vòng như thế cho đến khi trời tối mịt mà không biết mệt” - ông Hương nhớ lại.

Những ngày sau, nhiều bạn nhỏ trong làng noi gương Hương cũng lao ra khỏi hầm và tiếp đạn cho các trận địa. Liên tục trong các ngày 7, 8 và 11/2/1965, Trương Hương và các bạn nhỏ làng cát Bảo Ninh đã băng mình trong bom đạn, mang hàng trăm thùng đạn về trận địa để bộ đội và dân quân bắn máy bay Mỹ. Hình ảnh ấy đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng nhà thơ, nhà báo Nguyễn Văn Dinh, là phóng viên Báo Quảng Bình ngày ấy.

Trong lần ra trận địa để ghi nhận tinh thần chiến đấu của quân và dân thị xã Đồng Hới, tình cờ ông bắt gặp hình ảnh một cậu bé nhỏ thó, băng mình trong khói bom mịt mù để tiếp đạn cho trận địa. Xúc động trước hình ảnh dũng cảm ấy ông đã viết bài thơ “Em bé Bảo Ninh” đăng trên Báo Quảng Bình ngay ngày hôm sau.

Bài thơ sau đó được nhạc sĩ Trần Hữu Pháp phổ nhạc, đưa “Em bé Bảo Ninh” trở thành bài ca đi cùng năm tháng.

Gặp 'Em bé Bảo Ninh' bằng xương bằng thịt sau 57 năm - 2

“Em bé Bảo Ninh” phụ vợ làm việc nhà

Sống cuộc đời bình dị

Sau những ngày tỏa sáng với hình ảnh “Em bé Bảo Ninh”, Trương Hương được kết nạp vào Đoàn và tham gia đội tàu đánh cá của xã Đoàn Bảo Ninh. “Hồi đó, Mỹ, Ngụy thả thủy lôi dày đặc ở cửa biển Nhật Lệ, ngư dân ra biển vướng phải thủy lôi chết rất nhiều, phong trào đánh cá của địa phương rất ảm đạm.

Trước tình hình đó, xã Đoàn Bảo Ninh thành lập đội đánh cá với mục tiêu mang sản phẩm về để bộ đội và người dân có cái ăn phục vụ chiến đấu; đồng thời cũng là cách xốc lại tinh thần cho phong trào đánh cá của người dân địa phương” - ông Hương nói.

Giữa dày đặc thủy lôi nơi cửa biển, rồi máy bay, tàu chiến Mỹ thường trực đe dọa, ông Hương cùng 8 đoàn viên ưu tú của Bảo Ninh vẫn giong buồm ra khơi. Ông Hương được đồng đội tin tưởng giao vị trí nơi mũi thuyền để canh gác máy bay và tàu chiến địch.

“Gần như không ngày nào là không gặp máy bay địch xả đạn vào thuyền chúng tôi. Mỗi lần như thế, anh em chúng tôi lại nhảy ào xuống biển lặn thật sâu để tránh đạn, nhưng cũng đã có người hy sinh trong những chuyến ra khơi ấy” - ông Hương ngậm ngùi kể.

Gặp 'Em bé Bảo Ninh' bằng xương bằng thịt sau 57 năm - 3

Tác giả bài viết và “Em bé Bảo Ninh”

Vào giữa năm 1966, trong một lần ra khơi, đội đánh cá của ông Hương bị ba chiếc tàu chiến của Mỹ vây bắt. Sau một hồi xả đạn cho chiếc thuyền đánh cá chìm xuống biển, chúng bắt 8 người trong đội đánh cá của xã Đoàn Bảo Ninh lên tàu, còng tay và đưa về đảo Cù Lao Chàm, Đà Nẵng giam giữ. Cứ ngày một lần, từng thành viên trong đội bị tách ra đưa đi hỏi cung.

“Chỉ có mấy câu hỏi nhưng chúng cứ lặp đi lặp lại mấy tháng trời. Nào là trên bờ có bao nhiêu trận địa phòng không; súng phòng không, pháo cao xạ loại gì; ai đang điều khiển những phương tiện khí tài ấy…”, ông Hương kể.

Đến cuối năm 1966, khi không khai thác được gì, người Mỹ lại đưa họ lên tàu ra thả ở vùng biển Bảo Ninh, cách bờ chừng 20 hải lý. Trở về an toàn, lành lặn, đầu năm 1967, ông Hương được cử đi tu nghiệp tại Trung Quốc 4 năm.

Về nước, ông được phân công công tác tại Ty Thủy lợi, sau chuyển qua ngành Giao thông vận tải và nghỉ hưu tại quê nhà vào năm 2005. Về quê, ông được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ thôn, Trưởng thôn và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bảo Ninh…

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đồi cát Bảo Ninh xưa giờ đã sáng bừng ánh điện và xanh màu cỏ cây, nhà cửa san sát, nhộn nhịp, là một trong những trung tâm du lịch biển nổi tiếng của Quảng Bình. “Em bé Bảo Ninh” của những ngày đánh Mỹ giờ đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”. Đồng hành cùng ông là bà Đỗ Thị Tuyết Lan, người vợ tảo tần, chịu thương chịu khó, là đồng nghiệp của ông thời ở Ty Thủy lợi.

Hai ông bà sinh được 5 “Em bé Bảo Ninh” và các con ông đã sinh cho ông bà 12 “Cháu bé Bảo Ninh”. Con cháu ông bà đều khôn lớn, trưởng thành, chăm ngoan học giỏi, gắn bó với quê hương và đang hát tiếp:

“Em bé Bảo Ninh
Bên bờ Nhật Lệ
Như cánh hoa nhỏ
Nở bên chiến hào
Như chim đầu ngõ
Hót mừng xôn xao...”.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn