• Zalo

Gặp lại 'em bé' trong bức ảnh mẹ cho bú trước khi bị tên lính Mỹ hành quyết

Thời sựThứ Hai, 30/04/2018 06:38:00 +07:00Google News

Phóng viên tìm về vùng đất cách mạng nổi tiếng ở Sóc Trăng gặp 'em bé' được cho là xuất hiện trong bức ảnh mẹ cho bú trước khi chị bị tên lính Mỹ hành quyết chạm đến hàng triệu triệu trái tim.

"Bọn giặc gầm lên: Chồng mày đâu? Đồng đội mày đâu?

Chị lắc đầu: Tôi không biết.

Thằng chỉ huy hất hàm ra lệnh: Bắn!.

Khoan! Hãy chờ tôi giây lát.

Rồi chị gượng đứng lên, giành lại đứa con từ trong tay giặc. Nước mắt tuôn trào, chị thầm gọi con… ơi. Bú nhanh lên kẻo không còn kịp nữa. Ơi con của tôi, ơi bầu sữa. Giọt sữa cuối cùng, con bú cạn nghe con..."

Những ngày trung tuần của tháng 3, thời điểm mọi người vẫn đang vui mừng gửi những lời chúc tốt đẹp đến một nửa thế giới, thì đâu đó, tại các diễn đàn mạng xã hội lớn, lời bài hát "Giọt sữa cuối cùng" của tác giả Trọng Nguyễn lại được cất lên.

cc7f1964b229da44f5f426c25c356aeb

 Bức ảnh Giọt sữa cuối cùng.

Chỉ trích vỏn vẹn 5 câu nói lối, lời bài hát như "thách thức" những trái tim "sắt đá" cũng phải ngược dòng để chung nhịp đập, chung nỗi đau và cảm phục với nữ nhân vật chính trong bài hát.

Điều đặc biệt, tuy thấu và cảm thông trong từng câu chữ, nhưng ít ai ngờ rằng, bài hát này được viết dựa trên một câu chuyện có thật. Đó là câu chuyện kể về sự hy sinh anh hùng của liệt sỹ Nguyễn Thị Tư, một thôn nữ miền Tây rắn rỏi, trước nòng súng của giặc Mỹ vẫn cố gượng dậy, giật đứa con 10 tháng tuổi của mình để cho bé bú những giọt sữa cuối cùng.

Câu chuyện xoay quanh bức ảnh và lời bài hát Giọt sữa cuối cùng đã thôi thúc PV VTC News tìm gặp những nhân vật chính được cho là xuất hiện trong câu chuyện.

Sự "máu lạnh" sau 3 nghìn bạc 

Sau gần 1 giờ đồng hồ vượt qua quãng đường vắt vẻo dọc bờ sông chảy dài, theo địa chỉ tìm hiểu trước, chúng tôi đến ấp 12 (xã Vĩnh Lợi, huyện Thanh Trị, tỉnh Sóc Trăng). 

Điều khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tới đây, đó là một khu làng cách mạng tiếng tăm lẫy lừng xưa kia nay vẫn đìu hiu với những ngôi nhà lụp xụp. Người già, trẻ nhỏ tản bộ trên con đường nhỏ hệt như những năm 70.

Video: Cụ Năm Dõng kể về thời khắc vợ mình giành giật con và bị giặc Mỹ nổ súng tàn ác

Hỏi chuyện một bé gái chừng 14 tuổi đang cõng em đi trên đường, khi vừa hỏi "Con ơi, con biết nhà cô Mỹ Linh con bác Năm Dõng...", chưa kịp nói hết câu thì bé đã nhanh nhảu trả lời "Dạ, phải cô Linh giọt sữa cuối cùng không ạ? Cô cứ đi thẳng đến ngay cái cầu qua sông là nhà cô ấy đó ạ".

Theo chỉ dẫn của bé gái, chúng tôi tìm đến địa chỉ trên.

Tiếp chuyện chùng tôi là một cụ ông tóc đã bạc quá nửa đầu, dù tai nghe không rõ nhưng lời nói và ánh mắt của cụ vẫn thể hiện được sự minh mẫn hiếm có. 

Khi biết được vấn đề người đối diện cần tìm hiểu, cụ cười phá lên "Tìm đúng nhà rồi đấy, tôi là Năm Dõng đây. Mỹ Linh ơi, Mỹ Linh à, có khách tìm con này", vừa nói, cụ vừa đi ra sau nhà tìm cô Mỹ Linh.

Dù đã biết trước nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy cô Lê Mỹ Linh - "đứa bé" năm nào còn ngái ngủ trong vòng tay mẹ, bị mẹ bắt thức giấc và cho bú những giọt sữa cuối cùng nay đã 49 tuổi. Dáng người nhỏ nhắn, giọng nói trầm hiền cô lịch sự tiếp chuyện chúng tôi.

Tuy nhiên, khi hỏi về ký ức xưa, khuôn mặt cô lặng đi, cô từ chối nhắc về quá khứ: "Nhắc lại làm gì để lòng thêm quặn thắt. Hỏi cha tui đi, chứ giờ tui không nói nổi đâu". 

Ngồi cạnh bên, cụ Năm Dõng gật đầu tỏ vẻ tán thành: "Có gì cứ hỏi tui đây, giờ nó xúc động nên không nói được gì đâu".

IMG_7852 4

Cụ Lê Văn Dõng (Năm Dõng) - Chồng của nữ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Tư.

Cụ Năm Dõng kể, vào những năm 1960 - 1971, trong kháng chiến chống Mỹ, như những vùng quê miền Nam anh hùng khác, xã Vĩnh Hưng (Bạc Liêu) là vùng đệm giữa căn cứ Vĩnh Trinh của ta và tiểu khu Bạc Liêu của địch.

Tuy chỉ là xã, nhưng địch đóng tại đây "đông như kiến", gồm một tiểu đoàn bảo an, tiểu đoàn cơ động 411 cùng nhiều ác ôn, dân vệ, tề điệp và cả cả cụm pháo 105mm. Tại đây thường xuyên xảy ra những trận chiến ác liệt giữa ta và địch.

"Tên thật tôi là Lê Văn Dõng, nhưng mọi người quen gọi Năm Dõng cho tới giờ luôn. Hồi đó, tôi là xã đội trưởng, đồng thời là một trong hiếm hoi những cán bộ diệt ác ôn nổi tiếng của vùng nên bị bọn địch thù hằn và luôn tìm mọi cách để hạ gục. Ngày ấy, tên tề gian nào mà nhận thư cảnh cáo của tôi thì chắc chắn không sống sót qua ngày thứ 10.

Năm 1954, Tôi và bà Tư (Nguyễn Thị Tư, SN 1937 - PV) cưới nhau. Sau khi cưới nhau, tôi lại hăng suy hoạt động cách mạng hơn. Đội du kích của chúng tôi hồi đấy láo lắm, ít người nhưng mạnh, hoạt động "thoắt ẩn thoắt hiện" nên bọn địch luôn trong tâm thế hoang mang, lo sợ bị đánh úp.

Tôi tham gia hoạt động các mạng, bà Tư ở nhà thay tôi chăm lo cho gia đình. Vừa nuôi con, bà ấy vừa mở hàng nhỏ buôn bán. Nói buôn bán cho có, chứ thực chất là để bí mật cung cấp thuốc men, lương thực, nuôi giấu cán bộ dưới hầm bí mật và làm giao liên cho cán bộ ra vào vùng tạm chiếm", cụ Năm Dõng kể lại.

IMG_7843

Chị Lê Mỹ Linh - đứa bé trong bức ảnh Giọt sữa cuối cùng.

Theo hồi ức của cụ Năm Dõng, vào đầu năm 1970, sau khi 2 người có với nhau người con út (bé Lê Mỹ Linh) cũng là thời điểm giặc tức tối, muốn tiêu diệt cụ nhiều hơn. Bởi ngày nào cụ con sống, số lượng tay sai và ác ôn mà cụ tiêu diệt nhiều không đếm xuể. 

Tức tối, điên cuồng truy lùng bóng dáng Năm Dõng nhưng không thấy tăm hơi, chúng bắt đầu bày mưu hèn, kế bẩn, lùng sục tìm bắt bà Tư để uy hiếp Năm Dõng ra chịu chết.

"Lúc đó, tên Đại uý Phước nó ra lệnh cho lính rằng, muốn ngăn chặn được Cộng sản làm mạnh thì phải giết cho bằng được Năm Dõng với Hai Hoàng, nếu không giết được chúng thì giết vợ chúng, để chúng co đầu không giám hoạt động. Nói thế vì chúng tôi lúc đó như đầu tàu của du kích hoạt động cách mạng.

Sau đó, chúng tổ chức một lực lượng BO2 chuyên hoạt động ban đêm, trong lúc lùng sục ngoài xã Châu Thới thì chúng tìm được vợ Hai Hoàng và giết luôn. Lo lắng, cơ sở mật của ta mới báo cho tôi là phải làm sao để tránh né, chứ bây giờ chúng làm căng lắm.

Nhìn đâu đâu cũng thấy chúng lùng sục vợ mình để giết, tôi mới sắp xếp cho vợ vào căn cứ Mỹ Trinh ở 3 ngày. Sau đó có tiền thì tôi đưa cho vợ và dẫn bà ấy đi bám bà con mà sống, chứ ở căn cứ suốt cũng không an toàn. 

IMG_7844

Bàn thờ của nữ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Tư tại nhà chị Lê Mỹ Linh.

Hôm đó, khoảng 4h, tôi dẫn vợ về nhà và dặn cha tôi là đừng cho vợ ẵm bé Linh đi, còn 3 đứa lớn thì gửi bên ngoại rồi tôi phải về căn cứ. Nhưng sau đó ở nhà không an toàn nên vợ tôi cũng buộc phải ẵm con đi.

Trên đường đi thì gặp bà Đẩu, bả mới hỏi "Tư ơi, mày ẵm con đi đâu vậy?", lúc đó vợ tôi cũng thật thà trả lời là ẵm con đi Bạc Liêu chữa bệnh. Nghe vậy bả mới nói vào ở với bả, vì khuya cũng có chuyến đò ghé nhà bà đi Bạc Liêu. Thấy bả ở một mình, không chồng con nên vợ tôi cũng nghe lời vô ở.

Vợ tôi còn dặn với bả là nếu lính ghé hỏi, thì nói là em gái tới ngủ nhờ để đón đò đưa con đi chữa bệnh. Tối đó, lính tới thật. Trước mặt thì bả vẫn nói như vợ tôi dặn, nhưng khi đi ra khỏi của thì bả mới chỉ tay ngược vô và bọn lính quay trở lại bắt vợ tôi.

Bắt được, chúng đánh đập vợ tôi dã man và bắt khai ra hầm bí ở căn cứ Mỹ Trinh nhưng vợ tôi vẫn kiên quyết không trả lời. Tức giận, tên Phước ra lệnh: “Bắn chết, cắt lỗ tai mang về cho tao”.

Thời khắc chúng bắt được nữ anh hùng Nguyễn Thị Tư là lúc bé Mỹ Linh 10 tháng tuổi còn đang ngái ngủ trên tay. Trước lúc hy sinh, chị đã van nài bọn chúng xin được cho con bú lần cuối cùng.

IMG_7858 6

Ngôi nhà nhỏ của cô Lê Mỹ Linh tại ấp 12 (xã Vĩnh Lợi, huyện Thanh Trị, tỉnh Sóc Trăng). 

Sau khi cho bé Linh bú những giọt sữa cuối, chúng giành giật bé trên tay chị và vứt bé trên miếng ván ngoài trời. Vừa để tuột con khỏi tay, chị bị nòng súng địch bắn thẳng vào đầu, chết tại chỗ. Sau khi chị chết, nghe lời tên Đại uý Phước, chúng cắt tai chị mang về.

"Sau này, chúng tôi mới tìm được bà Đẩu đó. Lúc họp dân, bả mới khai nhận toàn bộ sự thật là vì nhận 3 nghìn bạc (tương đương 1 lượng vàng bây giờ - PV) của giặc nên mới bán đứng Cách mạng", nói đến đây, ánh mắt cụ Năm Dõng trầm hẳn đi.

Còn nữa: Kỳ 2: Gặp lại 'đứa bé' trong bức ảnh Giọt sữa cuối cùng, vẫn luôn quặn thắt tâm can khi nhớ về mẹ 

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn